Xã hội

Quảng Ninh: Mong manh tuyến đê chạy dài qua 4 xã ở TX Đông Triều

17/03/2022, 15:12

Dù bảo vệ hàng vạn người và hàng ngàn ha đất nông nghiệp, nhưng tuyến đê ở TX Đông Triều (Quảng Ninh) lại đang xuất hiện nhiều điểm xung yếu.

Tuyến đê nứt ngang, nứt dọc

Phản ánh tới Báo Giao thông, một số người dân ở 4 xã Nguyễn Huệ, Bình Dương, Thủy An, Việt Dân (TX Đông Triều, Quảng Ninh) lo lắng khi tuyến đê Nguyễn Huệ - Bình Dương chạy dài ven sông Kinh Thày để bảo vệ hàng vạn người và hàng ngàn ha đất nông nghiệp nơi đây đang xuống cấp nghiêm trọng, có quá nhiều điểm xung yếu. img

Nhiều vết nứt dọc phát lộ dưới chân tuyến đê qua địa bàn xã Bình Dương, TX Đông Triều.

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày trung tuần tháng 3/2022, men theo tuyến đường liên thôn từ Hoàng Xá – Đông Lâm, xã Bình Dương là đến tuyến đê chạy dọc sông Kinh Thày này.

Tuyến đê được thiết kế rất nhỏ, mái phía ngoài của đê có độ xoải được gia cố bằng xi măng, nhưng xen kẽ vẫn có điểm bằng đất.
img

Mặt đê nhỏ, hẹp lại gập ghềnh, không thể đáp ứng được yêu cầu cơ động lực lượng, phương tiện khi có sự cố xảy ra

Đáng nói, tại một số khu vực móng đê đã xuất hiện những vết nứt dọc kéo dài hàng chục mét tách hẳn chân với hệ thống bê tông được láng từ mặt kéo xuống. Còn chân đê phía trong cánh đồng nhiều chỗ dựng đứng, không có thế tỳ khi dòng nước từ thượng nguồn dồn vào.

img

Mặt trước của đê qua địa bàn xã Bình Dương có chỗ được làm bê tông, có chỗ không

Bà Phạm Thị Giáp, nhà ở thôn Đông Hoàng, xã Bình Dương cho hay: "Cứ hễ vào mùa mưa là cả làng lo lắng. Nhất là những hôm đỉnh lũ, nước ùng ục từ thượng nguồn mấp mé vượt qua mặt đê, thì các nhà đều lo chuẩn bị gói ghém đồ đạc lo chạy lũ".

img

Tuyến đê Nguyễn Huệ - Bình Dương có nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho hàng vạn người dân và hàng ngàn ha canh tác nông nghiệp

"Thời gian gần đây, do biến đổi khí hậu, ở khu vực thượng nguồn sông Kinh Thày bãi bồi thu hẹp, cây cối bảo vệ thân đê bị chặt hạ nhiều, nên vào mùa mưa, lũ, dòng nước có xu hướng ngày càng hung dữ hơn khiến cuộc sống của bà con trong xã càng nguy hiểm hơn", bà Giáp lo lắng.

Tiếp tục vòng qua xã Bình Khê xuôi xuống xã Nguyễn Huệ, PV Báo Giao thông cũng ghi nhận được nhiều điểm xung yếu của tuyến đê này. Điển hình là tại khu vực thôn 3 ở ngay chân cầu Đông Mai sang TX Chí Linh, tỉnh Hải Dương, tuyến đê bé tý như đường ruộng.

img

Tuyến đê qua địa bàn xã Nguyễn Huệ nhìn quá nhỏ nhoi trước các đợt định lũ của sông Kinh Thầy.

Bà Nguyễn Thị Nước nhà ở thôn Đông Lâm, xã Bình Dương cho hay: "Thân đê nhỏ hẹp, không được gia cố thường xuyên, nên hầu như các phương tiện vận tải loại nhỏ không lưu thông được. Trong khi đó, từ đây vòng lên xã Bình Dương có rất nhiều điểm xung yếu. Bà con ở mấy xã quanh đây đều rất lo về con đê này..."

Bao giờ được gia cố, nâng cấp?

Qua tìm hiểu được biết, TX Đông Triều (Quảng Ninh) có trên có 46 km đê nằm dọc sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc. Tuyến đê phía tả sông Kinh Thầy được xác định là vùng trọng điểm số 2 của tỉnh Quảng Ninh. Bởi năm 1971 ở đây đã từng xảy ra vỡ đê, năm 1996, mưa bão đã làm ngập lụt, hư hại nhiều đoạn, địa phương đã phải huy động tới 7.000 bao tải để chống tràn...

img

Nhiều khu vực, mặt trong của tuyến đê không độ xoải lại bị đào bới làm giảm độ tỳ khi có áp lực của nước lũ.

Xác định, TX Đông Triều là vùng kinh tế lớn, mật độ dân cư đông, khi sự cố về đê xảy ra sẽ gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng, do đó, từ nhiều năm nay, cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cũng đã chú ý việc đảm bảo an toàn cho các tuyến đê trên địa bàn TX Đông Triều. Tuy nhiên, do việc đầu tư không đồng bộ dẫn đến, nhiều tuyến đê ở địa phương này còn rất nhiều vị trí xung yếu.

Cụ thể là tuyến đê thuộc các xã Bình Dương - Nguyễn Huệ, TX Đông Triều đã được tôn cao đến cao trình +5,3 nhưng vẫn xuất hiện hiện tượng mạch đùn, mạch sủi khi có chênh lệch đầu nước lớn. Mái đê tại K4+150 -: K5+500 đã bị xói lở bào mòn thành các rãnh lớn song vẫn chưa được bồi đắp lại.

Cùng với đó, tuyến đê qua địa bàn xã Nguyễn Huệ và Bình Dương, một số cống dưới đê, nhiều cống ngắn, tiêu năng bị xói, cánh cửa bị mục, bị rò nước nhiều.

img

Mặt đê đã xuất hiện nhiều vết nứt từ đỉnh xuống, tiềm ẩn nguy cơ bị vỡ khi gặp lũ lớn

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ, TX Đông Triều cho biết: Tuyến đê bên tả sông Kinh Thầy đảm bảo an toàn cho các xã Nguyễn Huệ, Bình Dương, Thủy An, Việt Dân với hàng ngàn hộ và hàng ngàn ha đất canh tác nông nghiệp. Chỉ tính riêng xã Nguyễn Huệ, tuyến đê dài 5,53km gồm 2 tuyến đê là Đông Mai và Vân Động.

img

Tại một số điểm trên tuyến đê đã trở thành nơi tập kết rác thải rắn

Hai tuyến đê này là công trình cấp IV với mặt đê rộng trung bình từ 2-2,5m, mái đê từ 1-1,5m và thuộc nhiệm vụ chi ngân sách cấp tỉnh, bảo vệ cho 1.942 hộ/6.000 nhân khẩu và trên 720ha đất sản xuất nông nghiệp. Mặc dù chính quyền và nhân dân các xã từ lâu đã kiến nghị cấp có thẩm quyền nâng cấp tuyến hệ thống đê, nhưng đến nay vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để triển khai…

"Chính quyền và bà con các xã đều mong muốn cơ quan chức năng sớm có kế hoạch đầu tư, nâng cấp tuyên đê để đảm bảo an toàn cho tính mạng, tài sản của nhân dân" - vị Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ nói.

img

"Điều hành giá xăng dầu vì người dân, không mang lại gì cho bộ này, bộ kia"

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.