Điều tra

Quay cuồng "tín dụng đen" mùa World Cup

03/07/2014, 06:45

Khi trái bóng Brazuca chính thức lăn trên các sân cỏ Brasil cũng là lúc các cửa hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi trên địa bàn TP Hà Nội bước vào mùa làm ăn.

Hiệu cầm đồ trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội
Hiệu cầm đồ trên đường Nguyễn Trãi, Hà Nội


“Cắm thẻ” - đánh cược tương lai


“Cắm thẻ” khác với những hình thức cầm đồ thông thường là người vay tiền không cần phải cầm cố bất kì tài sản nào vẫn có thể vay được tiền, thậm chí là số tiền rất lớn. Đổi lại, người đi vay phải “đặt cọc” một loại giấy tờ chứng nhận tài sản kèm theo một hợp đồng vay tiền được kí kết giữa đôi bên. Các loại giấy tờ “đặt cọc” cũng rất phong phú. Từ những loại giấy tờ thông thường, giá trị thấp như đăng kí phương tiện (xe máy, ô tô), CMND, thẻ sinh viên, thẻ học viên… đến những loại giấy tờ có giá trị lớn hơn như giấy chứng quyền nhận sở hữu nhà đất, hợp đồng lao động, bằng đại học… Tùy vào giá trị của những loại giấy tờ trên, số tiền cho vay sẽ được quy ra tương ứng.


Lần theo hướng dẫn trên một tờ rơi quảng cáo, tôi tìm đến một cửa hiệu cầm đồ nằm sâu trong phố Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) trong vai một sinh viên năm cuối đang cần tiền thanh toán nợ nần. Chủ cửa hàng là một người đàn ông trung niên ăn mặc rất lịch sự, nói năng nhẹ nhàng. Biết được khách có nhu cầu vay “tín chấp”, Đ. - tên chủ cửa hiệu - đặt thẳng vấn đề: “Chú chưa ra trường thì hơi khó. Có loại giấy tờ gì có thể “đặt cọc” không?”. Khi nghe tôi nói chỉ có đăng kí của chiếc xe máy hiệu Honda Future Neo nhưng cần vay tới 20 triệu đồng, Đ. tỏ vẻ thất vọng: “Nếu chú có bằng Cử nhân hoặc bằng Thạc sĩ, anh sẵn sàng cho chú vay được số đó. Nhưng mỗi đăng kí xe thì hơi khó. Anh sẽ giải quyết cho chú vay tối đa 10 triệu với điều kiện mang xe đến cho anh kiểm tra và đăng kí xe phải là biển số Hà Nội”. 


Lấy lý do vừa “thua độ bóng” đang rất cần tiền, tôi ngỏ ý đặt thêm chứng minh thư và thẻ sinh viên để được vay thêm thì Đ. lắc đầu: “Nếu bình thường anh sẽ giúp đỡ chú ngay. Nhưng bây giờ đang mùa World Cup, người vay nhiều nên bọn anh rất khan vốn. Tạm thời bọn anh không nhận những giấy tờ “giá rẻ” này”. 


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hình thức “cắm thẻ” đều tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc: Người đi vay viết giấy vay nợ còn giấy tờ cầm cố mang tính hình thức. Muốn vay tiền, người vay phải khai thật đầy đủ tên tuổi, địa chỉ để chủ nợ “quản lý” phòng khi cần thiết sẽ cho người đến tận nơi “xử lý”. Số tiền cho vay không được vượt quá 80% giá trị tài sản tín chấp. Mức lãi suất người vay phải chịu từ 5.000 - 10.000 đồng/triệu/ngày (tương đương lãi suất 250 - 360%/năm). Cứ cách 10 ngày, người vay tiền phải đóng lãi một lần để gia hạn. Nếu chậm trễ gia hạn, ngoài việc bị tính lãi gấp đôi và sẽ có người về tận nhà “hỏi thăm”.

Vay “bát họ” - thòng lọng vô hình


“Bát họ” hay còn có tên gọi khác là “bốc họ” cũng đang là một dịch vụ “tín chấp” nở rộ mùa World Cup. Hình thức cho vay này thậm chí không cần phải “đặt cọc” giấy tờ như “cắm thẻ” nhưng đổi lại người đi vay phải có hộ khẩu Hà Nội (trường hợp không có hộ khẩu Hà Nội thì phải có người bảo lãnh). Số tiền cho vay ít nhất là 10 triệu đồng (tương đương với một “bát”). Tiền lãi không được tính theo từng triệu đồng trong một ngày, mà chia ra thành 200.000 đồng/bát/ngày. Ngay khi cầm tiền, người đi vay phải “cắt lãi” trước 10 ngày, tương đương 2 triệu đồng. Do đó, mặc dù trên giấy tờ số tiền được vay là 10 triệu (nếu là một “bát”) nhưng số tiền mà người vay được cầm chỉ là 8 triệu đồng. Hết 10 ngày cắt lãi đầu tiên, nếu chưa trả được số tiền đã vay, người đi vay tiếp tục phải đóng tiền lãi cho 10 ngày tiếp theo. Khách hàng có thể vay nhiều “bát” một lúc tùy theo nhu cầu của mình nhưng bắt buộc phải lấy nguyên “bát” chứ không được vay lẻ.


Phải mất hàng chục cuộc điện thoại tôi mới gặp được T. “say” - một tay môi giới “bát họ” có tiếng ở khu vực chợ Hà Đông (quận Hà Đông, TP Hà Nội). T. “say” nhận lời giới thiệu tôi “bốc bát” với điều kiện phải “cắt phế” cho gã 1 triệu đồng. Ngày hôm sau, T. “say” dẫn tôi đến gặp H. “nổ” - chủ một cửa hiệu cầm đồ nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở khu vực làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông, TP Hà Nội). H. “nổ” xuất hiện với cái đầu trọc lốc, người cởi trần, xăm trổ chằng chịt trên lưng và hai cánh tay. Gã trợn mắt hất hàm về phía T. “say” như để ra dấu hỏi về vị khách lạ. Sau vài lời thì thầm của T. “say”, H. “nổ” tỏ vẻ yên tâm hất đầu làm hiệu để chúng tôi vào bên trong “trụ sở giao dịch”. Đây là một căn phòng rộng chưa đầy 30m2 nhưng trang bị cả cửa cuốn chắc chắn và hệ thống camera theo dõi bên ngoài. Được sự bảo lãnh của T. “say”, H. “nổ” đồng ý cho tôi vay hai “bát”. Vẫn theo luật cũ, H. “nổ” yêu cầu tôi cắt lãi trước 10 ngày với số tiền 4 triệu đồng. Đến khi làm giấy cam kết, H. “nổ” đề nghị được xem chứng minh thư để ghi lại địa chỉ nhà tôi. Khi tôi nói “quên” không mang theo, gã quắc mắt gầm gừ: “Quên thì lượn. Khi nào đủ điều kiện thì quay lại đây”.

Ban Mê
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.