Xã hội

Quốc hội thảo luận quy định nâng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021

26/05/2019, 19:35

Cùng với các vấn đề kinh tế xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đáng chú ý là quy định nâng tuổi nghỉ hưu.

img
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Ngày mai (27/5), kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV bước sang tuần làm việc thứ hai, thảo luận và cho ý kiến vào nhiều nội dung quan trọng.

Trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 (kết hợp trình chiếu videoclip). Sau đó, các đại biểu sẽ thảo luận tại hội trường.

Trong tuần, Quốc hội cũng sẽ thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.

Trong hai ngày 30- 31/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Phiên thảo luận được phát tranh, truyền hình trực tiếp.

Cũng trong chương trình làm việc của tuần này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch sẽ trình bày Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Những nội dung này sau đó được các ĐBQH thảo luận tại tổ.

Liên quan đến nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tại dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, có 2 phương án được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: "Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Phương án 2: "Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi".

Với hai phương án này, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo Chính phủ thì qua khảo sát, đánh giá cho thấy đa số ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ.

Trước băn khoăn, số đông người lao động ở nhiều ngành đều mong muốn được tới thời điểm nghỉ hưu,việc tăng tuổi nghỉ hưu liệu có đảm bảo được quyền lợi của số đông đó hay chưa, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện Chính phủ đã có danh mục những ngành nghề được giảm- tăng tuổi nghỉ hưu. Trong đó, có những ngành nghề không chỉ giảm 5 năm mà thậm chí tới 10 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.