Thị trường

Quỹ bình ổn xăng dầu: Không dự báo được giá thì không có tác dụng

20/09/2022, 17:04

Chính phủ đề xuất duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng các chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, điều hành chưa linh hoạt, nên bỏ.

Chưa vận hành theo thị trường, vẫn cần Quỹ bình ổn

Tại phiên thảo luận về dự Luật Giá sửa đổi của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đa số ý kiến các thành viên Ủy ban Tài chính ngân sách tán thành đề xuất của Chính phủ về duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, hiện nay thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo thị trường, vẫn có sự điều tiết của Nhà nước. Quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở.

Do đó, khi giá thế giới còn biến động khó lường, với điều kiện chống chịu hiện tại của Việt Nam, khi chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (10 ngày), trước mắt việc bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu là chưa phù hợp.

img

Quỹ bình ổn xăng dầu được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả

Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, thời gian qua cho thấy Quỹ bình ổn giá đã phát huy giá trị, giúp Nhà nước điều tiết giá không tăng quá mạnh như giá thế giới.

Theo ông Lâm, quỹ bình ổn là công cụ hữu hiệu của Chính phủ nhằm đảm bảo giá xăng dầu không tăng sốc, hài hòa được lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh. Việc duy trì quỹ này sẽ giúp bình ổn giá xăng dầu trên thị trường nội địa.

Đó cũng là quan điểm của ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính). Theo ông Phụng, chúng ta đang cần một nền kinh tế vĩ mô ổn định để phát triển bền vững, cho nên việc duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu là cần thiết.

Chỉ khi điều hành linh hoạt mới hiệu quả

Tuy nhiên, các chuyên gia này lưu ý rằng, Quỹ này chỉ phát huy vai trò vốn có khi được điều hành linh hoạt.

Phân tích về việc sử dụng Quỹ bình ổn thời gian qua, PGS.TS kinh tế Phạm Thế Anh (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định, việc điều hành khập khễnh, chưa hiệu quả do chưa điều hành linh hoạt thời gian qua.

Theo ông Phạm Thế Anh, kể từ 1/1/2020 đến ngày 19/9/2022, tổng cộng có 72 lần điều chỉnh giá xăng dầu. Trong đó, số lần được chi so với số lần phải trích lập của từng mặt hàng như sau:

E5 RON 92 có 46 lần được chi, 25 lần trích lập và 1 lần không đổi; Xăng RON 95 có 36 lần được chi, 31 lần trích lập và 5 lần không đổi;

Quỹ bình ổn xăng dầu là quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (khoảng 300 đồng một lít).

Doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu phải mở riêng tài khoản tại ngân hàng để hạch toán thu, chi liên quan đến quỹ này và có trách nhiệm công khai, minh bạch thu, chi từ Quỹ.

Còn dầu diesel có 27 lần được chi, 44 lần trích lập và 1 lần không đổi; Dầu hỏa 25 lần được chi, 41 lần trích lập và 6 lần không đổi; Dầu mazut có 22 lần được chi, 40 lần trích lập và 10 lần không đổi.

Tổng cộng, số tiền trung bình được chi của các mặt hàng xăng E5 RON 92 và RON 95 lần lượt là 525,7 đồng/lít và 5 đồng/lít. Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và dầu mazut phải trích lập trung bình lần lượt là 135 đồng, 138 đồng và 115 đồng /lít.

Theo vị chuyên gia, sau khi sử dụng quỹ, độ lệch chuẩn (biến động) của giá xăng E5 RON 92 và giá dầu mazut tăng lên lần lượt là 219 đồng/lít và 49 đồng/lít so với trường hợp không có quỹ.

Như vậy, mục tiêu bình ổn giá với các mặt hàng này là không đạt yêu cầu, theo PGS.TS kinh tế Phạm Thế Anh.

Ngược lại, sau khi sử dụng quỹ, độ lệch chuẩn (biến động) của giá xăng RON 95, diesel và dầu hỏa có giảm đôi chút, lần lượt là 26 đồng, 189 đồng và 86 đồng/lít.

"Nhìn chung, tác động bình ổn của Quỹ bình ổn khá mờ nhạt", ông Thế Anh nhận định.

Theo vị chuyên gia, về nguyên tắc Quỹ bình ổn xăng dầu chỉ hoạt động tốt khi dự báo tốt giá thế giới. Có nghĩa phải dự báo được mức giá hiện nay đang cao hay thấp hơn so với mức giá trung bình trong dài hạn. Nếu không dự báo được thì Quỹ bình ổn xăng dầu không có tác dụng gì.

Doanh nghiệp muốn bỏ Quỹ bình ổn

Mới đây, trong bối cảnh trị trường xăng dầu "lộn xộn" khi giá thế giới liên tục biến động mạnh, trong khi, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu "càng bán càng lỗ", nhiều doanh nghiệp cho rằng, một phần là lỗi ở Quỹ bình ổn xăng dầu. 24 doanh nghiệp đã đồng ký đơn kêu cứu Chính phủ và đề xuất bỏ quỹ này.

Các doanh nghiệp này đặt câu hỏi: Tại sao phải trích Quỹ bình ổn? Trích Quỹ bình ổn liệu có đúng mục đích chính phủ đề ra không, và có phục vụ tốt cho xã hội chưa? Tại sao để các cửa hàng bán lẻ tư nhân lỗ liên tục mà không được đóng cửa. Như vậy liệu có làm méo mó định nghĩa về tự do kinh doanh không? Nếu vậy, tại sao Nhà nước không bù lỗ cho các cửa hàng bán lẻ tư nhân?...

Hiện với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 0 đồng, thậm chí với mức hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu 200 đồng thì đại lý vẫn không đủ duy trì hoạt động kinh doanh được. Bên cạnh đó, nguồn cung cũng rất hạn chế.

"Trong khi đó, chi phí mặt bằng, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước... khiến cho việc kinh doanh của các đại lý bán lẻ xăng dầu bị lỗ nặng. Càng bán càng lỗ nhưng đại lý vẫn phải mở cửa bán xăng dầu, bởi nếu đóng cửa sẽ bị cơ quan chức năng rút giấy phép", văn bản nêu.

Trước thực tế đó, các doanh nghiệp cho rằng, nên bỏ Quỹ bình ổn vì không đúng với mục đích Chính phủ đề ra và bất ổn trong điều hành quản lý giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.