Chất lượng sống

Rùng mình sản xuất bánh kẹo Tết “bẩn” tại Hà Nội

27/01/2016, 08:04

Cuối năm, PV Báo Giao thông có dịp “mục sở thị” các cơ sở sản xuất kẹo dẻo "bẩn" đến rùng mình...

Ảnh 15
Công nhân tại xưởng chỉ cần bơm ba xi lanh nhỏ phẩm màu là nồi kẹo chuyển màu nhanh chóng.

“Làm thôi chứ đừng… ăn”

7 giờ sáng ngày tháng cuối năm, dọc con đường xã La Phù chật kín các lao động thời vụ. Nhập hội cùng các cô, các bác trong vai người đi tìm việc, chúng tôi nghe được nhiều chuyện thú vị. Sau 5 phút nhập hội, một người phụ nữ ngoài 50 phóng xe tới có ý nhờ ba người vào phụ việc “bóc kẹo”. Bác bên cạnh "rỉ" tai với chúng tôi: “Nhà cô X đấy làm kẹo vất vả lắm, bác làm ở đấy một lần rồi, không dám quay lại lần hai”.

Vì là người lạ, nên chúng tôi không được chủ xưởng ngó tới. Tuy nhiên, sau một hồi không gọi được ai, người phụ nữ liền quay sang hỏi chúng tôi có muốn làm không? “Bóc kẹo dễ lắm, ai cũng làm được. Lương 120 nghìn/ngày, nuôi ăn bữa trưa. Làm được thì giờ vào làm luôn”, người phụ nữ cho biết.

Xưởng sản xuất kẹo dẻo mang tên Cơ sở Chế biến thực phẩm T.H nằm vỏn vẹn trong chiếc sân nhỏ, sàn lát gạch đỏ với nhiều chỗ ẩm mốc, xù xì thành cục lổn nhổn, xưởng gồm 4 nhân công chính, còn lại có 3 - 4 nhân công thời vụ.

Thấy chúng tôi ngơ ngác, H., nhân công nam gọi lại hướng dẫn gỡ kẹo. Vừa chỉ việc, H. cho biết, nhân công thời vụ như chúng tôi thay đổi mỗi ngày, một phần vì không chịu được mùi kẹo nồng, một phần vì phải làm liên tục rất vất vả nên hầu như ít người có thể trụ lại.

Khi mẻ kẹo đầu tiên vừa “ra lò”, chúng tôi không khỏi rùng mình trước công nghệ “bóc kẹo”. Theo đó, cả xưởng có ba bàn khuôn, mỗi khuôn ước tính làm được hơn 2500 chiếc kẹo. Khuôn làm kẹo được bao ngoài bởi những tấm gỗ ẩm mốc đen xì bám đầy chất dẻo vàng của kẹo ngô. Trên mặt khuôn ngổn ngang xô chậu đựng thứ nước ngả màu dùng để nhúng tay khi bóc kẹo (gỡ kẹo từ khuôn - PV).

Những chiếc khuôn này sẽ được thay mới chỉ khi nào chuyển sang làm loại kẹo khác, còn không vẫn để như vậy từ ngày này qua ngày khác mà không đánh rửa. Vì lần đầu làm nên chúng tôi nhiều lần làm rơi kẹo xuống nền đất mốc meo. Khi vứt những viên kẹo rơi vào thùng rác, tôi liền bị đồng nghiệp bên cạnh nhắc: “Nhặt kẹo lên em ơi, bỏ đi cô mắng đấy. Kẹo nào bị nát thì cho vào chậu đổ vào nồi nấu lại”.

Nha dùng để nấu kẹo được mua từng bao nằm la liệt dưới nền đất rồi được chuyển vào trong chiếc thùng tôn không có nắp đậy. Đây chính là lý do khi bóc kẹo thi thoảng, chúng tôi lại bắt gặp những chiếc kẹo bên trong chứa cả xác ruồi hay những côn trùng, vật lạ khác. Theo lời H. vào mùa hè tầm tháng 5, tháng 6, nghề làm kẹo tại đây còn kinh khủng hơn thế nhiều. Ong, ruồi đậu trong nha không bóc ra được cứ thế cho vào nấu. Khi được hỏi “Mọi người làm kẹo có hay ăn không?”, H. nói nhỏ với chúng tôi: “Em làm thôi chứ không ăn, cũng không mua về nhà. Nhìn thôi cũng thấy bẩn, cả ngày ngửi mùi kẹo em cũng ngán rồi”.

Ảnh 16_1
Cận cảnh xi lanh phẩm màu đựng trong đáy hộp nhựa không thể nào... mất vệ sinh hơn được nữa.

Kẹo bóc xong được chuyển qua khâu trộn với bột áo. Theo quan sát, đó là thứ bột được dùng qua nhiều lần, ngay cả bột vương dưới đất cũng được quét lại đem sàng rồi tái sử dụng. Nhân lúc rảnh, chúng tôi tiến lại gần khu nấu kẹo. Xưởng sản xuất có duy nhất một chiếc nồi chứa khoảng 70 - 100 lít. Nha kẹo cùng đường đang được đảo đều trong nồi.

Bên cạnh nồi nấu kẹo bày la liệt những can lọ chứa màu thực phẩm không nhãn mác. T., người đảm nhiệm nấu chính đang dùng xi lanh hút phẩm màu cho vào nồi nấu kẹo. Mỗi nồi cho khoảng ba xi lanh (loại nhỏ) phẩm màu. Chỉ thế cũng đủ để nồi kẹo hơn 70 lít chuyển sang màu vàng sánh. T. nói: “Phẩm màu này bác mua bột phẩm về, sau đó pha với nước để dùng dần. Còn bác mua phẩm ở đâu em cũng không rõ”.

“Hô biến” kẹo hết “đát” thành… kẹo mới!

Không chỉ chứng kiến quy trình sản xuất kẹo “bẩn”, chúng tôi tiếp tục nhìn thấy những thùng kẹo đã hết “đát” được chủ xưởng đưa vào “tái sản xuất”, hô biến thành những viên kẹo có hình dáng bắt mắt, sạch đẹp như mới… Thấy chúng tôi ngạc nhiên khi nhìn chủ xưởng bóc các thùng kẹo đã hết “đát” cả năm trời, chuẩn bị đưa vào “tái chế”, H. bĩu môi: “Kẹo hết hạn sử dụng, hoặc mốc, bẩn bị các đại lý trả về không vứt đâu chị ạ. Bỏ đi làm gì, không ai tự tay hủy đi tiền bạc, tài sản của mình dễ đến thế đâu chị. Mà nấu lại cũng có ai biết đâu, chỉ cần rẻ đẹp là được. Ở đây chẳng có nhà nào tiêu hủy đâu, toàn làm mới lại như thế thôi!”.

Có lẽ, cả quy trình chế biến kẹo, khâu đóng gói được xem là cẩn thận nhất. Những chiếc kẹo cả mới lẫn cũ khi đã “hô biến” xong, sẽ được công nhân đóng túi theo cân, đưa vào thùng cát tông (một thùng 10 gói kẹo, mỗi gói từ 950g - 1kg tùy vào mẫu túi đựng kẹo - PV). Nhìn sản phẩm hoàn thiện với mẫu mã bắt mắt, có ghi nhãn hiệu, ngày sản xuất đầy đủ như vậy, có lẽ rất ít ai nghĩ quy trình làm ra nó lại… bẩn đến như vậy.

Những túi “kẹo dẻo thơm ngon” khi đã hoàn tất, sẽ bắt đầu “hành trình” mới tìm đến các đại lý và nhà phân phối lẻ trong khắp các tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương… thậm chí vào cả trong các siêu thị để phục vụ người tiêu dùng. Với “công nghệ” chế biến “siêu tiết kiệm” như vậy, chúng tôi tiếp tục “truy” giá của từng loại kẹo khi được bán ra như thế nào.

Theo đó, trong 5 loại kẹo khác nhau như: Kẹo cherry, kẹo dẻo dâu, kẹo dẻo gấu, kẹo dẻo ngô, kẹo dẻo xoài; Trong đó, vào dịp Tết kẹo dẻo ngô được đặt hàng nhiều nhất. Giá đổ buôn của từng loại kẹo này khoảng 25 - 30 nghìn đồng/kg.

Khi được phân phối ra các đại lý loại I (dọc hai bên đường vào làng La Phù) giá bán bắt đầu tăng lên từ 33 - 35 nghìn đồng/kg. Tiếp tục theo chân những loại kẹo này, chúng tôi tìm đến các đại lý phân phối kẹo bán lẻ, giá bán những lúc này đã được đôn lên 45 - 55 nghìn đồng/kg! Tuy nhiên, trên thực tế, theo người làm, những loại kẹo nói trên tính ra giá thành chỉ khoảng 10 nghìn đồng/kg.

Phải chăng, lợi nhuận cao đã khiến những xưởng sản xuất bánh kẹo nhỏ lẻ như thế này bất chấp những tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, qua mắt các cơ quan chức năng, đánh lừa người tiêu dùng?

Cơ sở hoạt động không giấy phép,chính quyền “không nắm rõ”

Trao đổi với i, lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết: Tính đến tháng 9/2015, cơ sở chế biến thực phẩm Tiến Hưng chưa có trong danh sách cấp phép chứng nhận đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). 

“Do việc cấp phép ATVSTP thuộc quản lý của Sở Công thương, cùng sự phân chia quản lý chồng chéo theo ngành nghề và lĩnh vực khác nhau, nên thông tin chi tiết về hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn huyện không nắm rõ cụ thể”, vị lãnh đạo này phân trần.

Tương tự, về vấn đề cấp phép kinh doanh cho Cơ sở chế biến thực phẩm Tiến Hưng, đại diện Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hoài Đức cho hay: Tên cơ sở này không có trong danh sách đăng ký cấp phép kinh doanh của huyện. Tuy nhiên, có rất nhiều cơ sở khi hoạt động kinh doanh sử dụng tên thương hiệu khác so với tên đăng ký trong giấy tờ vi phạm quy định đăng ký kinh doanh.

Thế nhưng, do nguồn nhân sự mỏng nên rất khó trong việc quản lý vấn đề này. Trước thông tin Báo Giao Thông nêu, UBND huyện Hoài Đức cho biết, sẽ tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể thông tin. Nếu cơ sở này có dấu hiệu vi phạm ATVSTP đúng như phản ánh sẽ có hình thức xử lý theo quy định.Theo báo cáo công tác kiểm tra đảm bảo ATVSTP năm 2015 của UBND huyện Hoài Đức, toàn huyện có 882 cơ sở thực phẩm.

Theo đó, số cơ sở bị nhắc nhở là 291 (chủ yếu về vệ sinh cơ sở); Xử phạt vi phạm hành chính 40 cơ sở với tổng số tiền 302.900.000 đồng. Những  vi phạm chủ yếu là thiếu giấy khám sức khỏe, tập huấn kiến thức ATTP, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, không có giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.