Xã hội

Sắp thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội, dừng báo cáo Luật Thủ đô

27/11/2019, 18:18

Chiều 27/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

img
Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết chiều 27/11

Từ ngày 1/7/2021, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội

Chiều 27/11, với 81,16% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được thực hiện từ ngày 1/7/2021 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được Quốc hội quyết nghị tổ chức như sau: Chính quyền địa phương ở TP Hà Nội, huyện, quận, thị xã, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND; Chính quyền địa phương ở các phường thuộc quận, thị xã tại TP Hà Nội là UBND phường. UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã.

Nghị quyết cũng quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, thị xã; UBND quận, thị xã; Chủ tịch UBND quận, thị xã; UBND phường; cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc của UBND phường.

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao HĐND, UBND TP Hà Nội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, có trách nhiệm ban hành các quy định để tổ chức thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo quy định của Nghị quyết và hướng dẫn của Chính phủ; thực hiện phân cấp, ủy quyền cụ thể cho chính quyền địa phương ở quận, thị xã, phường phù hợp với tổ chức quản lý đô thị và khả năng thực tiễn của từng địa phương.

Thực hiện sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức phường theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và người hoạt động không chuyên trách ở phường khi thực hiện thí điểm theo quy định của pháp luật. Sơ kết, tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội theo quy định tại Nghị quyết; quy định cụ thể về tổ chức, hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường; quy định việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức phường; trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND phường...

Chậm nhất là quý IV/2023, Chính phủ có báo cáo sơ kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.

Tạm dừng việc báo cáo Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô

Với 421/428 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 87,16%), chiều 27/11, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV.

Trước đó, Tổng thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô đã triển khai thực hiện được hơn 6 năm và Chính phủ đã hai lần báo cáo Quốc hội về việc thi hành Luật. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Trong quá trình triển khai Nghị quyết này, Chính phủ và chính quyền TP Hà Nội sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết việc thí điểm để báo cáo Quốc hội. Vì vậy, đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ tạm dừng việc báo cáo Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô.Tổng Thư ký của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “Tạm dừng việc báo cáo Quốc hội về việc thi hành Luật Thủ đô trong thời gian thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, trừ trường hợp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có yêu cầu”.

Cũng tại Nghị quyết này, Quốc hội chưa thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và Chương trình kỳ họp thứ 8 đã được Quốc hội quyết định thì dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là nội dung trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp. Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị chưa thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 8.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc lùi thời điểm trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật này sang kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020). Do vậy, cần thể hiện nội dung này trong dự thảo Nghị quyết kỳ họp để thể hiện rõ quyết định của Quốc hội.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.