Thị trường

Sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3: Đừng ngồi suy diễn đổ vạ cho nhau

20/10/2020, 17:51

Theo Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Bộ Công thương, việc sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3 đừng ngồi suy diễn đổ vạ nhau.

img
Hình ảnh thủy điện Rào Trăng 3 trước và sau khi xây dựng. Ảnh: Vnexpress.

Cần được đánh giá, đừng ngồi suy diễn đổ vạ nhau!

Sau sự cố sạt lở nghiêm trọng tại thủy điện Rào Trăng 3 làm hơn 30 người chết và mất tích, trong đó có 13 cán bộ, chiến sỹ đi làm nhiệm vụ cứu nạn, dư luận đặt câu hỏi: “Liệu đây có phải là hệ lụy của việc quy hoạch ồ ạt các thủy điện nhỏ (TĐN) làm ảnh hưởng lớn đến vấn đề môi trường, vấn đề an toàn dân sinh vùng hạ du… Vậy, ai chịu trách nhiệm?".

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Đỗ Đức Quân cho rằng, trách nhiệm của Bộ Công thương là quy hoạch mà quy hoạch thì không gây đổ vỡ.

“Dù hiện tại mọi nguồn lực tập trung cho công tác cứu hộ nên sự cố lần này chưa được đánh giá nhưng nếu đánh giá tác động thì phải là vấn đề thiết kế”, ông Quân nói.

Tuy nhiên, theo ông Quân, cũng cần lưu ý rằng đây không phải sự cố công trình thủy điện, mà xảy ra ở khu lán trại của công trình nhà điều hành đang thi công cách khu công trình thủy điện 500m.

Hơn nữa, nguyên nhân cũng cần tính đến rủi ro do địa chất và rủi ro thiên tai khi đây là cơn bão lớn nhất, kéo dài nhiều ngày, trong nhiều năm nay mới đổ bộ vào miền Trung.

“Hiện tại, tập trung cứu hộ là chính, còn việc sạt lở cần được đánh giá, đừng ngồi suy diễn đổ vạ nhau mà cần phải xem sai ở đâu, cái gì cần rút kinh nghiệm, cái gì cần sửa. Bởi việc này còn liên quan đến Bộ NN&PTNT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường", ông Quân nói.

Việc quy hoạch TĐN được tiến hành ra sao?

Trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc Bộ Công thương đã rà soát và quy hoạch thế nào đối với các TĐN, ông Quân cho biết, theo Thông tư 43, việc nghiên cứu lập quy hoạch bậc thang thủy điện trên các lưu vực sông chính và việc thẩm định, phê duyệt quy hoạch thủy điện trên địa bàn cả nước thuộc thẩm quyền của Bộ Công thương.

Còn lại, việc nghiên cứu, lập quy hoạch thủy điện trên các lưu vực sông nhánh thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh.

Sông Rào Trăng có chiều dài khoảng 26 km, có 4 dự án thủy điện được quy hoạch thành thủy điện bậc thang với 4 bậc. Tổng công suất lắp máy là 89MW đang xây dựng, sắp hoàn thành và đã đi vào hoạt động gồm: Thủy điện A Lin B1 (42MW); A Lin B2 (20MW); Rào Trăng 3 (13MW) và Rào Trăng 4 (14MW). Như vậy, trung bình cứ 6,5km sông Rào Trăng lại bị chia cắt bởi một công trình thủy điện.

Ngoài ra, các thành phần kinh tế trong xã hội cũng được chính quyền tạo điều kiện và cho phép nghiên cứu lập quy hoạch các dự án thủy điện để đầu tư xây dựng các dự án thủy điện vừa và nhỏ theo đúng các quy định của pháp luật.

Theo đó, về tiêu chí môi trường - xã hội yêu cầu dự án không chiếm dụng quá 10 ha/MW và không ảnh hưởng di dân quá 01 hộ/MW; Phải tuân thủ quy định tại Luật Lâm nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng, Luật Điện lực,...

Tức là, trên cơ sở kết quả nghiên cứu quy hoạch của tư vấn chuyên ngành và văn bản đề nghị của UBND tỉnh có dự án thủy điện trên địa bàn, Bộ Công thương tổ chức thẩm định.

Việc thẩm định được lấy ý kiến của các cơ quan liên quan cần thiết như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng,...làm cơ sở chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có liên quan hoàn chỉnh quy hoạch để xem xét phê duyệt quy hoạch...

TĐN ảnh hưởng môi trường và nhiều bất cập trong quản lý

Nêu quan điểm về việc phát triển TĐN ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thủy điện nhỏ thuộc quản lý, điều hành của các tỉnh nên trong quản lý cũng xảy ra những bất cập.

Đơn cử như việc TĐN công suất lắp máy từ 10-15 MW, hồ chứa không có dung tích phòng lũ nên khi lũ về lớn, họ buộc phải xả, gây ra hiện tượng lũ chồng lũ cho hạ du.

Hơn nữa, với hồ thủy điện lớn thì không thể xảy ra hiện tượng xả trộm do tính năng tích nước và được kiểm soát chặt bằng lưu lượng. Trong khi đó, các hồ nhỏ thì việc này không thể xác định được bởi hầu hết thủy điện nhỏ đều chưa có thiết bị đo lưu lượng nước vào và ra, truyền tự động về trung tâm điều hành địa phương.

Ông Hiệp cũng cho biết, việc xây dựng thủy điện phải dành ra 50-70ha rừng để làm hồ, xây thủy điện chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường. Trong khi, quy định phải trồng thay thế nhưng rừng mới chỉ có độ che, không có thảm thực vật bao phủ.

Do vậy, khi cấp phép xây dựng thủy điện, các tỉnh phải tính toán rất kỹ, đặt biệt về thiên tai, tránh trường hợp lợi dụng thủy điện làm việc khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.