Đường bộ

Sau khởi công, cao tốc Bắc-Nam đoạn Hà Tĩnh-Quảng Trị triển khai thế nào?

30/01/2023, 14:53

Tiến độ thi công 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị vừa được Bộ GTVT cập nhật.

Rốt ráo thi công sau khởi công

Thông tin về tiến độ triển khai 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2), Bộ GTVT cho biết, tính đến nay, các địa phương đã bàn giao GPMB được 189,43/259,12 km, đạt 73%, đủ điều kiện để các nhà thầu tổ chức thi công.

img

Ngay sau khởi công, các nhà thầu đã rốt ráo huy động máy móc, thiết bị vào công địa để triển khai thi công. Trong ảnh: Nhà thầu huy động thiết bị triển khai thi công dự án đoạn Vũng Áng - Bùng.

Cụ thể, tỉnh Hà Tĩnh bàn giao mặt bằng được 85,28/102,3 km, đạt 83%. Trong đó, dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi bàn giao 28,87/35,2km (đạt 82%); đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng bàn giao 43,6/51,2km (đạt 80,5%); đoạn Vũng Áng - Bùng bàn giao 12,8/12,9km (đạt 99%).

Tỉnh Quảng Bình bàn giao được 77,1/124,28 km, đạt 62%. Trong đó, đoạn Vũng Áng - Bùng bàn giao được 28,4/42,4km (đạt 67%); đoạn Bùng - Vạn Ninh bàn giao 35,55/48,84km (đạt 73%); đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ bàn giao 19,9/33km (đạt 60%).

Tỉnh Quảng Trị bàn giao được 20,3/32,54km, đạt 62% (dự án Vạn Ninh - Cam Lộ).

Về tiến độ triển khai thi công, 5 dự án thành phần đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị được chia thành 9 gói thầu xây lắp. Trong đó, 8/9 gói thầu đã ký kết hợp đồng xây lắp, còn lại 1 gói thầu thuộc dự án Vũng Áng - Bùng dự kiến sẽ ký hợp đồng ngày 6/2/2023 do phải hoàn tất công tác thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy công trình hầm trên tuyến.

Với các gói thầu đã ký kết hợp đồng, các nhà thầu đang lập kế hoạch triển khai, tổ chức khảo sát, lập thiết kế bản vẽ thi công, huy động nhân sự, máy móc, thiết bị, xây dựng lán trại, hoàn thiện các thủ tục khai thác mỏ…. Một số gói thầu đã tổ chức triển khai thi công (đường công vụ, đào bóc hữu cơ, chuẩn bị mặt bằng để lắp đặt trạm trộn).

Cụ thể, dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi có 1 gói thầu xây lắp đã khởi công từ ngày 1/1/2023. Nhà thầu đang thực hiện công tác chuẩn bị, đào bóc hữu cơ, dọn dẹp mặt bằng tại một số vị trí: ĐH46 (km481+100), QL15B (km501+750), TL550 (Km508+400).

Dự án đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng gồm 2 gói thầu xây lắp. Trong đó, gói thầu 11-XL khởi công từ ngày 1/1/2023, nhà thầu đang thực hiện công tác chuẩn bị, san lấp mặt bằng, huy động máy móc thiết bị, lán trại, phòng thí nghiệm hiện trường, đào vét hữu cơ nền đường đoạn Km525+800 và Km531+019.

Gói thầu 12-XL đã ký hợp đồng vào ngày 16/1/2023, nhà thầu đang thực hiện các thủ tục để triển khai thi công.

Đối với dự án thành phần đoạn Vũng Áng - Bùng, gói thầu XL02 khởi công từ ngày 01/01/2023, nhà thầu đang thực hiện công tác chuẩn bị, san lấp mặt bằng, huy động máy móc thiết bị, lán trại, phòng thí nghiệm hiện trường, đào vét hữu cơ, đắp K95, khoan cọc khoan nhồi công trình cầu,...

Gói thầu XL01 dự kiến ký hợp đồng vào ngày 6/2/2023 và triển khai thi công trước ngày 15/2/2023.

Dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh gồm 2 gói thầu xây lắp, khởi công từ ngày 1/1/2023. Hiện nay, nhà thầu đang thực hiện công tác chuẩn bị, san lấp mặt bằng, huy động máy móc thiết bị, lán trại, phòng thí nghiệm hiện trường; thi công đường công vụ, đào vét hữu cơ, đào, đắp nền đường, thi công cọc khoan nhồi cầu Bản 2 (gói thầu XL1) và cầu Long Đại (gói thầu XL2).

“Tại dự án thành phần đoạn Vạn Ninh - Cam Lộ, sau khi khởi công, nhà thầu đang thực hiện công tác chuẩn bị (xây dựng lán trại, huy động phòng thí nghiệm, trạm trộn bê tông xi măng, nhân sự, thiết bị); dọn dẹp mặt bằng; thi công, đào bóc hữu cơ, đường công vụ, cọc khoan nhồi cầu Rào Tường, san ủi mặt bằng và bãi đúc dầm cầu Thác Cọc”, Bộ GTVT thông tin.

img

Nhà thầu triển khai cào bóc hữu cơ dự án đoạn Bùng - Vạn Ninh.

Vật liệu chưa đáp ứng tiến độ thi công

Liên quan đến vấn đề vật liệu phục vụ thi công dự án, Bộ GTVT cho biết, theo tính toán, tổng nhu cầu về vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) tại 5 dự án thành phần đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị gồm 7,2 triệu m3 đá; 3,2 triệu m3 cát và 13,65 triệu m3 đất đắp.

Dự kiến, các dự án sẽ sử dụng 33 mỏ đá với trữ lượng khoảng hơn 43 triệu m3; 41 mỏ cát với trữ lượng hơn 11 triệu m3; 21 mỏ đất với trữ lượng khoảng 23 triệu m3.

Theo đánh giá, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đều đáp ứng về trữ lượng, chất lượng để phục vụ 5 dự án thành phần nhưng về khả năng khai thác, cung ứng đối với vật liệu cát theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa đáp ứng theo tiến độ thi công của các dự án.

“Về vật liệu cát, hầu hết các mỏ cát sử dụng cho dự án đều đã được các địa phương cấp phép và đang khai thác với công suất hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ triển khai thi công (25 mỏ/41 mỏ). Theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ, vật liệu cát, sỏi lòng sông chỉ được tăng công suất khai thác 50% theo cơ chế đặc thù tại khu vực ĐBSCL.

Đối với khu vực dự án từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị cũng cần được áp dụng cơ chế đặc thù để nâng công suất khai thác lớn hơn hoặc bằng khu vực ĐBSCL mới đáp ứng tiến độ dự án”, Bộ GTVT nêu quan điểm.

Riêng về thủ tục khai thác các mỏ khoáng sản làm VLXDTT nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án, Bộ GTVT cho biết, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về hồ sơ, thủ tục đăng ký khai thác khoáng sản làm VLXDTT.

Tuy nhiên, các địa phương còn lúng túng trong việc triển khai do chưa rõ thủ tục thu hồi đất đối với các mỏ hay nhà thầu sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có ý kiến với UBND các tỉnh chỉ đạo các sở, ban ngành của địa phương phối hợp với Chủ đầu tư dự án, các Nhà thầu thi công rà soát để nâng công suất các mỏ cát đang khai thác cần sử dụng cho dự án, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.

Bộ Tài nguyên - Môi trường có văn bản hướng dẫn các địa phương về trình tự, thủ tục liên quan đến khai thác các mỏ VLXDTT, phương án đền bù GPMB để thực hiện thu hồi đất đối với các mỏ khoáng sản được khai thác làm VLXDTT cho dự án.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.