Góc nhìn

Sinh tử nơi "điểm nóng"

20/06/2014, 09:45

Xác của Camille được phát hiện ở một ngôi làng gần thị trấn Bouar, Cộng Hòa Trung Phi – nơi đang xảy ra xung đột giáo phái giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo...

Tác nghiệp tại các "điểm nóng", chiến tranh, bất ổn, bạo lực, phóng viên không chỉ đối mặt với tên bay đạn lạc, mà còn bị còn bị chính quyền địa phương hay các phe phái có liên quan trong vụ việc chủ tâm giết hại hoặc bắt bớ để giấu nhẹm thông tin…

Hy sinh tuổi xuân tại nơi "điểm nóng"

Bên cạnh các điểm nóng thu hút báo chí thế giới như Ukraine, Syria, Afghanistan…còn một vài khu vực khác liên tiếp xảy ra giao tranh xung đột mạnh mẽ khiến hàng trăm, hàng nghìn người chết nhưng lại ít được báo chí chú ý tới điển hình là Nam Sudan – Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Những nhà báo làm việc tại đây thường là các nhà báo tự do, cám cảnh với tình hình bạo lực mà dấn thân mình để lên tiếng hộ người dân vô tội bất chấp khó khăn gấp nhiều lần ở các điểm nóng khác. Cái chết gần đây nhất của nữ phóng viên ảnh Camille Lepage, 26 tuổi người Pháp đã khiến thế giới không khỏi thương xót cho một tuổi trẻ tài năng can đảm, dám ước mơ và dám hành động. Trước sự ra đi của Camille, Tổng thống Pháp Francois Hollande hứa sẽ “làm mọi điều có thể để điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây nên cái chết của Camille, buộc những kẻ có trách nhiệm trong sự việc này phải chịu trách nhiệm”.

Hình ảnh nhà báo Lepage khi còn sống và đang tác nghiệp tại Damara ngày 21.2.2014 1
Hình ảnh nhà báo Lepage khi còn sống và đang tác nghiệp tại Damara ngày 21/2/2014

Xác của Camille được một nhà hoạt động vì hòa bình người Pháp phát hiện ở một ngôi làng gần thị trấn Bouar, Cộng Hòa Trung Phi – nơi đang xảy ra xung đột giáo phái giữa người Hồi giáo và Thiên chúa giáo sau khi liên minh Hồi giáo Seleka lật đổ Tổng thống Francois Bozize và đưa chỉ huy lực lượng này lên nắm quyền. Cuộc khủng hoảng hiện nay khiến 1/4 dân số nước này phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, ít nhất 2 triệu người dân cần được hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp – theo số liệu từ Liên Hợp quốc. Mặc dù vậy, nỗi đau khổ của người dân nơi đây không được báo chí truyền thông thế giới quan tâm.

Theo thống kê từ Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), ước tính từ năm 1992 đến nay, đã có 1.055 nhà báo thiệt mạng tại các điểm nóng để cập nhật những thông tin nhanh, nóng hổi, trực tiếp từ hiện trường những nơi xảy ra giao tranh, xung đột…

Năm 2013, số nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp tác các điểm nóng là 99 người trong đó Syria là nơi có nhiều nhà báo thiệt mạng nhất (28 người). Chưa đầy nửa năm 2014, đã có 23 nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp. Bên cạnh những nhà báo tử nạn còn hàng trăm nhà báo, phóng viên ảnh quốc tế khác bị tù hoặc đi đày.

Chính nghịch lý này là động lực thôi thúc Camille bỏ lại tất cả và tới các khu vực bất ổn như Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi tác nghiệp. “Tôi nhận thấy rất nhiều vấn đề nghiêm trọng cần phải được cộng đồng quốc tế biết đến nhưng truyền thông thế giới lại không quan tâm, đơn giản vì chúng không phù hợp với chương trình của họ hoặc không thu hút sự quan tâm của các công ty quảng cáo. Tôi không thể chấp nhận việc im lặng trước bi kịch của con người chỉ vì chúng không giúp giới truyền thông kiếm tiền. Tôi quyết định làm việc độc lập và mong muốn có thể mang ánh sáng hy vọng cho những con người đau khổ dù có phải hy sinh tính mạng” – Phóng viên Camille chia sẻ trong cuộc phỏng vấn năm 2013 với blog PetaPixel – nơi nổi tiếng đưa tin, phân tích về những sự kiện liên quan tới nhiếp ảnh trên thế giới.

Chia sẻ thêm về lý tưởng của mình, Camille nói: “Tôi ước (qua những bức ảnh) người xem đọng lại trong mình suy nghĩ: ‘Tại sao trên thế giới lại có những người phải sống trong địa ngục như thế? Tại sao không ai biết đến những cảnh đời đó? Tại sao không ai làm gì?’Tôi mong muốn người xem cảm thấy chính phủ của họ - những người biết đấy nhưng không làm gì phải xấu hổ”. Ngay trước khi bị giết hại, Camille đã có chuyến hành trình mạo hiểm tới khu vực tập trung của phiến quân có tên “Anti-Balaka” và đăng tải được một số bức ảnh quý giá về binh lính tại đây lên mạng xã hội.

Là một đồng nghiệp từng có thời gian cộng tác với Camille, phóng viên của New York Times Nicolas Kulish từng tâm sự, “Camille không chỉ để lại ấn tượng sâu sắc với đồng nghiệp về chuyên môn mà còn vì sự cống hiến của cô”. Ra đi khi tuổi đời tuổi nghề còn trẻ, Camille đã có trong tay bước khởi nghiệp đáng ngưỡng mộ như: cộng tác với các tờ báo lớn Reuters, BBC, NewYork Times… và hoàn thành 2 cuốn sách ảnh “Tuổi trẻ đánh mất” và “Bạn sẽ quên tôi” với những tấm hình báo động về nạn bạo lực, xung đột tôn giáo và tôn giáo đã ăn sâu vào cách sống của lớp trẻ nói riêng và người dân tại Sudan và Nam Sudan.

Bị bắt, giết hại, tấn công tình dục trong khi tác nghiệp

Theo thống kê của Ủy ban bảo vệ nhà báo (CPJ), nhiều tuần trở lại đây khi tình hình căng thẳng đông Ukraine gia tăng, số lượng các vụ phóng viên quốc tế và địa phương theo dõi cuộc khủng hoảng Ukraine bị tấn công và bắt bớ vô cớ tăng cao đột biến. 

Cuối tháng 5 vừa rồi, trong vụ tấn công bằng súng cối bên ngoài thành phố Sloviansk, đông Ukraine, một phóng viên ảnh người Ý Andrea Rocchelli, 30 tuổi và thông dịch viên tiếng Nga Andrei Mironov đi cùng đã thiệt mạng khi đang tác nghiệp về vấn đề quyền con người tại các khu vực xảy ra xung đột.

Ngày 18/5, Chính phủ Ukraine hiện cũng đang bắt giữ 2 nhà báo Nga: Oleg Sidyakin – phóng viên quốc tế của tờ Life News (Nga) và Marat Saychenko – nhà quay phim khi những người này đang đưa tin về sự kiện chính phủ tấn công người biểu tình.

Các nhà báo tác nghiệp cận kề sự nguy hiểm
Các nhà báo tác nghiệp cận kề sự nguy hiểm

Mới nhất, ngày 9/6, hai phóng viên của đài Zvezda (Nga) đã bị bắt ngày 6/6 cũng là nơi trước đó Andrey Sushenkov và Anton Malyshev đã được thả”, theo Itar-Taas. Sushenkov và Malyshev đã được máy bay quân sự Moscow. Tại sân bay, Sushenkov nói với báo giới rằng: “Khi đang trình báo giấy tờ tùy thân ở điểm kiểm soát, một thủ tục thông thường, họ bị bắt giữ, bị bịt mắt, còng tay và đưa tới một địa điểm mà họ không biết bằng máy bay trực thăng”. Sushenkov cũng cho biết những người canh giữ đã “có các động tác bạo lực” khi thẩm vấn về liên hệ của họ với mật vụ Nga.

Bộ ngoại giao Nga trước đó đã lên án Cơ quan đặc vụ Ukraine (SBU) bắt giữ các nhà báo và kêu gọi Kiev “ngừng các hành động phi pháp” đối với phóng viên của Nga và nước ngoài nói chung. Zvezda nói họ cử hai phóng viên sang Ukraine định đưa tin lễ nhậm chức của tổng thống Petro Poroshenko ở Kiev ngày 7/6.

Không dừng lại ở việc bị bắt bớ hoặc tấn công, nhiều phóng viên đặc biệt là phóng viên nữ còn bị tấn công tình dục khi đang tác nghiệp tại các điểm nóng. Quay trở lại cách đây ít lâu, câu chuyện nữ phóng viên đến từ Đài truyền hình CBS và là một thành viên của CPJ Lara Logan bị tấn công tình dục trong khi đang ra hiện trường đưa tin về hoạt động biểu tình chống chính phủ tại Quảng trường Tahrir Cairo, Ai Cập từng làm tốn không ít giấy mực của tuyền thông thế giới xung quanh vấn đề đảm bảo an toàn cho các phóng viên quốc tế.

Trang Trần 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.