Chất lượng sống

Sợ hãi trong khu tập thể "gãy xương", chờ sập

20/11/2014, 09:19

Đó là Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam. Do đã xuống cấp trầm trọng từ nhiều năm nay nên khu nhà có thể sập bất cứ lúc nào đe dọa tính mạng của hàng trăm nhân khẩu...

Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam có thể sập bất cứ lúc nào đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân
Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam có thể sập bất cứ lúc nào đe dọa tính mạng hàng trăm hộ dân

Sống trong sợ hãi

Khu tập thể Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam (Viện HHCNVN) xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ XX. Khu nhà gồm bốn tầng, mỗi tầng 13 phòng, ban đầu là khu nhà công vụ cấp cho những người độc thân của Viện ở. Sau đó, cán bộ tự thương lượng chuyển giao cho công nhân viên khi lập gia đình. Thậm chí, còn có những hộ gia đình từ nơi khác cũng chuyển về sinh sống thông qua mua bán. Tình trạng cơi nới vô tội vạ làm cho khu tập thể biến dạng, méo mó, kết cấu chắp vá. Điều này khiến khả năng chịu đựng của ngôi nhà giảm sút, xuống cấp trầm trọng.

Bà Nguyễn Thị Chuyền (người dân sống trong khu tập thể) cho biết: “Khu tập thể xuống cấp trầm trọng hơn 10 năm nay. Mọi góc tường đã bị bong tróc, chỉ cần chạm tay nhẹ là vôi vữa đã rơi ra từng mảng lớn. Mỗi khi ô tô hay tàu hỏa chạy qua thì cả khu nhà bị rung lắc mạnh, thậm chí khi sấm nổ lớn các thanh sắt cầu thang cũng bị lung lay. Tình trạng xập xệ này một phần cũng do nhiều hộ gia đình tự ý đục khoét sửa chữa phòng và cơi nới, mở rộng diện tích “chuồng cọp”. Nguy hiểm ở chỗ hiện nay, khu nhà không có cơ quan nào đứng ra quản lý, duy tu, khiến nguy cơ sập luôn thường trực”.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, công trình của Khu tập thể Viện HHCNVN mỗi tầng chỉ có một nhà vệ sinh, một nhà tắm dùng chung, tình trạng “cha chung không ai khóc” khiến các đường ống thoát nước bị tắc hoặc vỡ nứt nên buộc người dân phải xây lắp đường ống len lỏi khắp nơi, chằng chịt như mạng nhện. Khổ nhất là các hộ dân sống ở tầng dưới, khi nền nhà luôn ứ đọng bởi nước thải của tầng trên và nước mưa khi ngập lụt.

Ngoài ra, mạng lưới điện của toàn bộ khu nhà đều kéo dây trần ngổn ngang, các ổ điện nằm lộ thiên không được che đậy. Đặc biệt, không có các thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong khi các hộ gia đình vẫn đun bếp than, bếp củi ngay trong nhà và cạnh hành lang, gầm cầu thang.

Ông Hà Sỹ Triệu (phòng D5, nguyên Tổ trưởng khu tập thể) cho biết, từ khi khu tập thể được đưa vào sử dụng cho đến nay không một lần được sửa chữa, cải tạo. Hiện tại, nhiều hạng mục đã bị vỡ nát, không đủ sức chống đỡ cả khu nhà như cột, cầu thang, tường lan can… Một số gia đình còn lấn chiếm khu vực hành lang cầu thang làm chỗ để đồ đạc, nấu ăn khiến các khu vực này trở nên nhếch nhách, tối tăm. Tường nhà luôn trong tình trạng thấm nước, ẩm mốc và dột.

“Những mảng vữa trần liên tiếp rơi xuống khiến ai đi qua cũng nơm nớp sợ. Có gia đình đang ăn tối thì bị mảng trần lớn rơi trúng mâm cơm”, ông Triệu nói.

Chủ quản “bó tay”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Văn Lý (phụ trách phòng Quản trị - Viện HHCNVN) cho biết, khu tập thể bốn tầng của Viện có tổng diện tích khoảng 1 nghìn m2. Mục đích ban đầu là để cán bộ, công nhân viên còn độc thân của cơ quan sinh sống. Mỗi phòng có diện tích 18 m2 được bố trí khoảng 4 - 7 người. Tuy nhiên, khi người nào có chồng hoặc vợ và để đảm bảo cho cuộc sống gia đình thì sẽ chuyển ra và nhường lại phòng cho một người ở lại cuối cùng. Người này sẽ được cơ quan cấp giấy phân bổ hoặc chứng nhận sử dụng phòng.

Năm 1998, khi Viện HHCNVN chuyển giao đất cho UBND xã Phú Diễn (nay là xã Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm), chính quyền địa phương đã thành lập tổ dân cư số 7 để quản lý nhân khẩu (trong đó có Khu tập thể Viện). Cũng tại thời điểm này, có nhiều nhà đầu tư muốn phá đi xây lại nhưng người dân không đồng ý.

Khu tập thể là tài sản của Viện HHCNVN, tuy nhiên chỉ có rất ít cán bộ, công nhân viên của Viện ở mà phần lớn là những hộ gia đình từ nơi khác đến thuê hoặc mua bán bằng miệng, viết giấy riêng với nhau nên Viện không kiểm soát được. Họ đã tự ý tu bổ, sửa chữa và lấn chiếm diện tích khiến khu nhà xập xệ, xuống cấp.

Nhiều lần Viện đã có hình thức xử phạt nhưng đều bị người dân bỏ mặc với lý do “Viện không có quyền”. Cũng chính vì vậy mà Viện HHCNVN đã buông lỏng quản lý và để tình trạng “thiếu chủ” cho đến nay.

“Để đảm bảo an toàn cho người dân sống trong khu tập, Viện mong muốn được bàn giao tài sản (khu tập thể) cho các cơ quan chức năng như Sở TN&MT, UBND quận Bắc Từ Liêm hoặc UBND phường Phúc Diễn quản lý. Mặc dù Viện đã gửi công văn đề nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được hồi đáp”, ông Lý nhấn mạnh.

 

Hữu Tuấn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.