Sản phẩm mới

Soi "gót chân Asin" máy bay Cao Tân 'made in China'

09/07/2015, 01:05

Hải quân Trung Quốc đã phát triển và đưa vào biên chế dòng máy bay tuần tra chống ngầm hiện đại “Cao Tân 6”.

7.1
Máy bay trinh sát chống ngầm “Cao Tân 6” của Trung Quốc 

Ngày 7/7, Nhật báo Trung Quốc dẫn lời các chuyên gia quân sự cho biết, nước này đã phát triển và đưa vào biên chế dòng máy bay tuần tra chống ngầm hiện đại, giúp tăng cường đáng kể khả năng tác chiến của hải quân.

Theo tờ báo trên, chiếc máy bay trinh sát hàng hải 4 động cơ “Cao Tân 6” này đã được bàn giao cho Hạm đội Bắc Hải của hải quân Trung Quốc, khoảng 3 năm sau khi nguyên mẫu của dòng máy bay này lần đầu được công bố vào cuối năm 2011.

Dòng máy bay chống tàu ngầm “Cao Tân 6” (Y-8GX6) là phiên bản sửa đổi của dòng máy bay vận tải cỡ trung Y-8 và Y-9 của Tập đoàn Máy bay Thiểm Tây và được biên chế cho Hạm đội biển Bắc của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) từ cuối năm ngoái.

Với việc đưa vào biên chế chiếc máy bay tác chiến chống ngầm đầu tiên đã đưa Trung Quốc trở thành quốc gia thứ 6 có khả năng phát triển loại máy bay phức tạp này, sau Mỹ, Nga, Nhật Bản, Anh và Pháp.

Theo một số nguồn tin, hiện nay, Hải quân Trung Quốc chỉ có khoảng 10 máy bay tuần tra chống ngầm tầm xa nhưng hầu hết đã cũ, tính năng kỹ chiến thuật kém cỏi. Phần còn lại chủ yếu là trực thăng chống ngầm tuy rất hiện đại nhưng tầm hoạt động ngắn, thời gian bay ít và khả năng mang vũ khí hạn chế.

8.1
GX-6 trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt cho tốc độ 660km/h, ở dưới buồng lái máy bay có vòm che chứa radar trinh sát, ở đuôi có thiết bị phát hiện từ tính lạ.

Để khắc phục điểm yếu này, trong 3 năm qua, Trung Quốc liên tục thử nghiệm máy bay tuần tra chống ngầm Y-8 Gaoxin-6 (Cao Tân 6). Đây là kiểu máy bay đối ứng với máy bay tuần tra chống ngầm trên biển P-3C của Mỹ. Hai loại máy bay này về hình dáng và trang bị là giống nhau, trừ khi nhìn vào thực tế hoạt động của Y-8GX6, nếu không rất khó để đánh giá về tính năng của 2 loại máy bay này.

Ông Li Jie, một chuyên gia hải quân Trung Quốc cho biết, nước này đã chế tạo máy bay chống ngầm “Cao Tân 6” từ tháng 10-2011 với tham vọng xây dựng lực lượng săn ngầm tương tự như máy bay chống ngầm P-3C của Mỹ.

"Nhưng vẫn còn khoảng cách nhất định giữa “Cao Tân 6” của Trung Quốc với P-3C của Mỹ, đặc biệt xét về điều kiện và phạm vi do thám", ông Li Jie thừa nhận.

Giống với P-3C, máy bay chống ngầm “Cao Tân 6” mang theo radar và thiết bị cảm biến khác, cũng như một số lượng phao âm, thủy lôi và ngư lôi. Không rõ “Cao Tân 6” có khả năng mang được tên lửa hành trình chống tàu mặt nước như P-3C hay không?

Thông số cơ bản của “Cao Tân 6”: sải cánh 38 m; trọng lượng cất cánh tối đa khoảng 61 tấn; máy bay được trang bị 4 động cơ cánh quạt 6 lá công suất 5.200 mã lực mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 660 km/h, tầm hoạt động 5.000 km trong khoảng thời gian hơn 8 giờ liên tục với 10 thành viên phi hành đoàn. Loại máy bay này có thể chở hơn 10 tấn thiết bị. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.