Chuyện dọc đường

Sớm áp dụng “hộ chiếu vaccine”

Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng cơ chế áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Đây là chìa khóa để mở cửa giao thương, đi lại với quốc tế.

img

Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho nhân viên y tế (Ảnh minh họa)

Trong nhiệm kỳ vừa qua, kế thừa những thành quả của nhiệm kỳ trước, Chính phủ đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, được quốc tế ghi nhận.

Trong 5 năm vừa qua tốc độ tăng trưởng GDP đạt 140% nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người tăng 145%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng thu nhập của người dân đã cao hơn tốc độ tăng trưởng của GDP nội địa.

Bên cạnh đó, lạm phát được kiểm soát trong dự tính, giữ ở mức dưới 4%, nên tăng lương đã phần nào bù đắp được lạm phát. Như vậy là tăng trưởng thực, đời sống người dân có tích lũy. Theo tôi, đó là điều thành công nhất của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua.

Thành công thứ hai là những kết quả về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đặc biệt trong năm 2020.

Trong bối cảnh thế giới phải vật lộn chống chọi với dịch Covid-19, giao thương rất khó khăn, Việt Nam vẫn giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu hai con số, đảm bảo việc làm cho phần đông người lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những “điểm nghẽn” đang chờ Chính phủ khóa mới tập trung giải quyết.

Đầu tiên là đổi mới để làm sao thu hút được nhiều hơn nữa vốn đầu tư của người dân vào sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, việc đầu tư theo hình thức đối tác công - tư bị chững lại ở những năm đầu nhiệm kỳ. Nhưng sau đó, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) ra đời, tạo điều kiện để huy động nguồn vốn xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Tôi hy vọng Chính phủ mới sẽ có giải pháp tiếp tục tháo gỡ điểm nghẽn về pháp lý trong huy động nguồn lực của xã hội.

Điểm nghẽn thứ hai là phải tiếp tục nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công trong các công trình trọng điểm quốc gia; thực hiện tốt ba đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng.

Luật Đầu tư công ra đời năm 2019 góp phần giúp Chính phủ quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu ngân sách đầu tư, đảm bảo phòng chống tham nhũng, minh bạch trong điều hành nền kinh tế.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công, nguyên nhân là cán bộ, công chức trong một số bộ, ngành, địa phương không thay đổi tư duy kịp thời, vẫn làm theo phương thức cũ, nên không hiệu quả. Vì vậy mới có tình trạng địa phương, bộ ngành này giải ngân hết vốn, nhưng nơi khác lại không giải ngân được, xin trả lại.

Có thể nói nhiệm vụ của Chính phủ 5 năm tới rất nặng nề. Đặc biệt là yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt. Cùng với việc bắt tay vào tháo gỡ các điểm nghẽn như nêu trên, tôi cho rằng, chúng ta cần mạnh dạn hơn nữa để xác định rõ tâm thế trong bối cảnh dịch bệnh.

Chúng ta có 100 triệu dân, nhưng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 đều thấp. Vì vậy, tâm thế của chúng ta không phải là đất nước có dịch bệnh hoành hành mà là chủ động phòng, chống dịch bệnh. Khi đã xác định được tâm thế rõ ràng như vậy, các cơ quan chức năng mới có đối sách phù hợp và không bỏ lỡ các cơ hội vượt lên.

Vấn đề hiện nay đặt ra là Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng cơ chế áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Đây chính là chìa khóa để mở cửa giao thương, đi lại với quốc tế.

Trước mắt, chúng ta vẫn tiếp tục nhập vaccine để sớm tạo hàng rào miễn dịch cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Nhưng về lâu dài, Chính phủ cần tiếp tục tạo điều kiện, cơ chế để đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine trong nước để tiến tới tiêm chủng toàn dân, tạo miễn dịch cộng đồng.

Tạo miễn dịch cộng đồng là cách nhanh nhất để Việt Nam bước vào cuộc đua khôi phục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là ngành du lịch, hàng không, dịch vụ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.