Bạn cần biết

Sốt xuất huyết khiến 14 người tử vong: Điều gì nguy hiểm nhất?

14/07/2017, 15:35

Điều nguy hiểm là SXH có biểu hiện giống như sốt do các virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám.

sốt xuất huyết

Hiện, toàn quốc gần 50 nghìn người mắc sốt xuất huyết, 14 người tử vong

Theo phân loại của WHO, sốt xuất huyết (SXH) được phân theo 4 cấp độ. Cụ thể: Độ I: Sốt kéo dài 2-7 ngày kèm theo các dấu hiệu như nhức đầu, đau người, chân tay nhức mỏi; Độ II: Như độ I nhưng kèm theo có những nốt xuất huyết dưới da, niêm mạc, cánh tay, bắp chân, lưng, bụng, cổ, mí mắt; Độ III: Có sốt kèm theo dấu hiệu suy tuần hoàn, huyết áp hạ hoặc kẹt mạch nhanh, yếu, da lạnh, người bứt rứt vật vã, sốc; Độ IV: Sốc sâu, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được, chân tay lạnh. Do vậy, tùy cấp độ sẽ có cách xử trí điều trị khác nhau.

Theo TS. Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, điều nguy hiểm là SXH có biểu hiện giống như sốt do các virus khác nên nhiều người chủ quan, không đi khám hoặc tự điều trị tại nhà. Dù SXH là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc, có nguy cơ gây tử vong nếu không chữa trị kịp thời.

Theo khuyến cáo của BS. Cường, hiện, SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên điều trị chủ yếu là truyền dịch, bồi phụ nước và điện giải, dùng thuốc hạ sốt theo phác đồ của Bộ Y tế, theo dõi tiến triển bệnh bằng kiểm tra công thức máu hàng ngày. Do đó, người bệnh khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng... thì nên đến bệnh viện khám để xác định sớm và điều trị kịp thời.

Còn theo Lương y Bùi Hồng Minh (Hội Đông Y Việt Nam), có thể điều trị sốt xuất huyết bằng bài thuốc đông y. Tuy nhiên cần lưu ý, bài thuốc chỉ áp dụng trong điều trị SXH ở thể nhẹ độ I, độ II, khi bệnh nhân có dấu hiệu kèm như lừ đừ, tay chân lạnh, đau bụng… nên chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

BS. Cường cũng khuyến cáo một số lưu ý trong quá trình điều trị SXH: Không chủ quan khi người bệnh hạ sốt. Nếu người bệnh hạ sốt mà có biểu hiệu lừ đừ, bứt rứt, tay chân lạnh, than đau bụng, ói ra máu, chảy máu cam, máu chân răng… đây là dấu hiệu sốc, cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện để cấp cứu.  Đồng thời, khi đang điều trị SXH, nên tránh cạo gió sẽ làm tăng khả năng chảy máu lâu cầm; nên uống nước nhiều hơn; nên chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, nhẹ, loãng; uống thêm sữa, nước hoa quả… tăng sức đề kháng cho cơ thể. Ngoài ra, tuyệt đối, không nên uống thuốc hạ sốt nhóm aspirin, ibuprofen vì dễ gây xuất huyết tiêu hóa, tăng nặng bệnh. 

Hiện cách phòng tránh hữu hiệu nhất căn bệnh SXH là tăng cường các biện pháp phòng tránh muỗi đốt và diệt muỗi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.