Thời sự

Sự thật việc người Hà Nội đu "cáp treo" qua sông

22/08/2014, 07:10

Những ngày qua, câu chuyện về "người Hà Nội phải đu cáp treo qua sông Hồng" gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra, thậm chí các báo cũng đưa tin khác nhau...

Cảnh người dân phải qua sông Hồng bằng cáp treo tự chế chỉ là dàn dựng
Cảnh người dân phải qua sông Hồng bằng cáp treo tự chế chỉ là dàn dựng


Phản ánh đúng hay dàn dựng?


Những ngày gần đây, nhiều báo điện tử đăng tải hình ảnh và video phản ánh tại khu vực hai bờ sông Hồng thuộc thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP Hà Nội người dân hàng ngày đi lại, vận chuyển hàng hóa đều dựa vào hai chiếc “cáp treo” tự chế. Kết cấu của những chiếc “cáp treo” này khá đơn giản, chỉ cần một tấm gỗ rộng khoảng 1m2 được móc hai đầu bởi dây thép và được tời đi trên đoạn dây dài 200m từ chiếc máy kéo làm từ xe máy cũ ở bên kia bờ sông. Người ngồi trên cáp treo luôn bị rung mạnh với vận tốc lên tới 20 km/h và luôn có cảm giác chênh vênh, lật nghiêng. 


Nếu chỉ một tác động nhỏ như cành cây vướng vào tấm gỗ hay nghẽn dây cáp thì chắc chắn người và hàng hóa sẽ bị lật nhào xuống sông. Và nhờ vào những chiếc “cáp treo” tự chế mà người dân địa phương tiết kiệm được thời gian từ 10 phút xuống còn 2 phút để qua sông và giảm bớt sức lực bê vác. Và để chứng minh nội dung của bài phản ánh, các báo điện tử đã đăng ảnh và video minh họa có người dân đang ngồi trên “cáp treo” để qua sông. 


Tuy nhiên, ngay sau đó, một số kênh truyền hình đã có những bài phản bác lại nội dung phản ánh của các bài báo điện tử và cho rằng, có một “Sự thật về người dân đu dây qua sông”. Cụ thể, theo kênh truyền hình VTV1: “Trong những ngày qua một số báo mạng có đưa những hình ảnh một số người dân tự chế cáp treo để vượt sông. Đây là câu chuyện đã có tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa vùng khó khăn. Thế nhưng, với những tít báo như “Người dân đu cáp treo giữa Thủ đô Hà Nội” mà lại là hàng trăm lượt người qua sông mỗi ngày thì hẳn khiến cho dư luận chú ý. Phóng viên thời sự đã về xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP Hà Nội - địa phương bỗng dưng được nổi tiếng dù không muốn thì thấy có một sự thật khác đằng sau những bức ảnh”. Trong nội dung phóng sự đó của VTV có nhắc, nội dung của những bức ảnh và video trên các báo điện tử là dàn dựng(?). 


Còn theo kênh Truyền hình Hà Nội 1: “Hệ thống này được bà con ở đây chế tạo chỉ nhằm chuyên chở nông sản và các công cụ lao động giữa hai bờ. Còn để qua sông, thì người lao động thường sử dụng đò ngang”.


Tạm ngưng sử dụng 


Chiều 21/8, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Đăng Chi (Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch) cho biết: “Trên địa bàn thôn Mai Châu, xã Đại Mạch hiện có hai chiếc cáp treo do hai hộ dân của địa phương tự chế để vận chuyển nông sản và dụng cụ lao động qua sông. Việc một số báo đưa tin người dân sử dụng cáp treo tự chế để chở người là không chính xác. Cáp treo tự chế này là một sáng chế hay của người dân, nó giúp họ đỡ tốn sức lao động, giúp nông sản đỡ bị dập nát. Nhưng sau thông tin của các bài báo thì chúng tôi đã yêu cầu hai hộ gia đình có cáp treo tháo dỡ máy và ngừng hoạt động chuyên chở qua sông”.


Tuy nhiên, giải thích lý do vì sao chính quyền yêu cầu người dân dừng sử dụng cáp treo khi đánh giá đây là “sáng chế hay” và khẳng định “không chở người”, ông Chi lý giải vì “các cơ quan báo chí can thiệp vào vấn đề này mạnh quá nên yêu cầu dừng(?)”.


Theo tìm hiều của PV Báo Giao thông tại bờ sông thôn Mai Châu, hai chiếc cáp treo tự chế của hai hộ gia đình ông Cao Văn Nghĩa và ông Trần Văn Dưa được thiết kế khá đơn giản, không được kiểm định chất lượng để phục vụ chuyên chở qua sông và rất dễ xảy ra tai nạn nếu có tình huống bất ngờ. Đặc biệt, thời gian đầu khi hai hộ gia đình này bắt đầu sử dụng thì chính quyền địa phương không hề biết. Hiện nay, hai chiếc cáp treo tự chế này đã được tháo dỡ và ngừng hoạt động. Việc vận chuyển hàng hóa và chở người được người dân dùng đò ngang.

Hữu Tuấn
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.