Kinh tế

Sửa Luật Hàng hải, đưa kinh tế biển lên vị trí số một

02/06/2015, 07:21

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật trao đổi với Báo Giao thông về những nội dung mới trong Dự thảo Luật...

91
Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật

Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật trao đổi với Báo Giao thông về những nội dung mới trong Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng hải VN. Theo ông Nhật, đây là cơ sở để đột phá, đưa kinh tế biển Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn số một của đất nước.

Bước khởi đầu để tạo đột phá kinh tế biển

Thưa ông, tại kỳ họp Quốc hội lần này, Bộ trưởng Bộ GTVT sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo về Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Hàng hải VN. Theo ông đâu là tinh thần chung trong Dự thảo Luật lần này?

Bộ luật Hàng hải VN năm 2005 sau 10 năm triển khai thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, trong khi ngành Hàng hải đã cam kết mở cửa hội nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế hàng hải toàn cầu. Chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020 cũng xác định kinh tế biển từ sau năm 2020 là ngành kinh tế giữ vị trí số một quốc gia. Trong khi hiện nay, vận tải đường biển mới đảm nhiệm 17% tổng khối lượng hàng hóa vận tải nội địa, chưa tới 10% hàng hóa của Việt Nam đi quốc tế.

Để khắc phục những bất cập hiện nay, đưa kinh tế hàng hải lên vị trí số 1, chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Và một trong những việc quan trọng là sửa đổi Bộ luật Hàng hải.

Quan điểm của cơ quan xây dựng Dự thảo luật là cần sửa đổi bổ sung một cách toàn diện, khắc phục được những bất cập trước đó, phải xây dựng Luật Hàng hải phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013, đặc biệt đưa ra những chính sách mang tính đột phá, cải cách để ngành Hàng hải phát triển, xứng tầm với một quốc gia biển.

Theo ông, dự thảo sửa đổi lần này có những quy định nào mới, mang tính đột phá?

Trước hết, đó là quy định về Ban quản lý và khai thác cảng biển. Đây là nội dung đột phá nhất trong tất cả các nội dung sẽ sửa đổi. Theo đó, Ban quản lý và khai thác cảng là tổ chức có chức năng đầu tư xây dựng và quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng cảng biển, khu hậu cần sau cảng. Ban quản lý này được thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước trong phạm vi vùng đất, vùng nước được giao.

Luật cũng giao Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức này cũng như việc áp dụng mô hình tổ chức Ban quản lý và khai thác cảng tại cảng biển Việt Nam.

Ông có thể cho biết rõ hơn, vì sao đây lại là quy định mang tính đột phá nhất?

Quy định này xuất phát từ thực tế, tại mỗi một khu vực cảng biển hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư khai thác bến cảng dẫn đến tình trạng dư thừa công suất như đã xảy ra tại cảng Cái Mép - Thị Vải. Nếu không có sự kết hợp khai thác sử dụng vùng nước cảng và vùng đất hậu cần sau cảng thì không khai thác được hết hiệu quả kinh tế của khu vực cảng biển.

Dự thảo sửa đổi bổ sung Bộ luật Hàng hải lần này đã bổ sung thêm 108 điều (từ 261 điều hiện tại tăng lên 366 điều). Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã sửa đổi 107 điều.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp đầu tư, khai thác cảng trong cùng một khu vực mà mạnh ai nấy làm, tìm mọi cách thu hút hàng hoá đến bến cảng của mình sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, ảnh hưởng đến tình hình khai thác cảng chung. Vì vậy, cần có một tổ chức để điều phối, quản lý chung khu vực cảng biển để khắc phục những tồn tại nói trên.

Mô hình Ban quản lý này, thực tế các nước trên thế giới đã áp dụng rất phổ biến từ hàng chục năm nay và rất có hiệu quả. Tại nhiều quốc gia, họ vẫn gọi đó là “Chính quyền cảng biển”.

Được biết, dự thảo cũng bổ sung quy định về quản lý khai thác kết cấu hạ tầng cảng biển được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách theo hướng tạo điều kiện để thu hút các nguồn vốn đầu tư khác. Xin ông cho biết cụ thể về vấn đề này?

Đúng vậy. Bộ Luật lần này đã bổ sung các quy định về hình thức chuyển nhượng, cho thuê, nhượng quyền khai thác từng phần, toàn bộ hoặc các hình thức phù hợp khác nhằm huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.

92
Mỗi khu vực cảng biển sẽ có một ban quản lý và khai thác cảng để loại bỏ việc cạnh tranh không lành mạnh - Ảnh: Thanh Bình

Nhiều thủ tục không cần thiết được bãi bỏ 

Thưa ông, còn những quy định nào nữa của bộ Luật được sửa đổi, bổ sung, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp?

Những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật lần này, đã bao quát được hết các vấn đề xảy ra trong hoạt động kinh tế hàng hải. Ngoài những nội dung chính sách đột phá về thể chế, chính sách phát triển kinh tế biển, cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, còn rất nhiều nội dung giúp mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp. Tôi cho rằng, Dự thảo lần này đã giải quyết được những vấn đề mà cuộc sống đòi hỏi.

Ví dụ, việc có đưa định nghĩa ụ nổi vào Bộ luật sửa đổi hay không? Thực tế là đến nay ụ nổi không được định nghĩa rõ ràng là tàu biển hay không phải tàu biển nên dẫn đến nhiều hệ luỵ. Nó là cái gì thì phải nói cho rõ ra, không mập mờ, không né tránh. Sửa luật là để đáp ứng được những vấn đề của thực tiễn cuộc sống đặt ra. Do đó định nghĩa ụ nổi đã được đưa vào luật.

Trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo Bộ GTVT đã nhấn mạnh đến việc cải cách hành chính khi xây dựng dự thảo. Ông có thể cho biết, một số nội dung cụ thể?

Một trong những nguyên tắc xuyên suốt được Ban soạn thảo quán triệt trong toàn bộ nội dung sửa đổi, bổ sung là phải đặc biệt chú ý đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động giao thông hàng hải. Vì thế, rất nhiều quy định trước đây, xét thấy không cần thiết đã được Ban soạn thảo mạnh dạn bãi bỏ.

Chẳng hạn, hiện nay, hộ chiếu thuyền viên không thay thế được hộ chiếu phổ thông nên cùng lúc thuyền viên phải mang hai loại hộ chiếu. Dự thảo Luật đã bãi bỏ quy định việc yêu cầu thuyền viên làm việc trên tàu biển Việt Nam phải có hộ chiếu thuyền viên. Đây là một quy định đột phá về cải cách hành chính.

Hay quy định về hoa tiêu hàng hải, dự thảo đã bổ sung quy định ba trường hợp được miễn sử dụng dịch vụ hoa tiêu hàng hải. Việc bãi bỏ này nhằm tạo thuận lợi cho các chủ tàu Việt Nam không phải mất chi phí cho hoa tiêu dẫn tàu vì trên thực tế các thuyền trưởng của các tàu này đều có thể tự dẫn tàu. Bên cạnh đó còn rất nhiều các thủ tục hành chính khác được điều chỉnh, bãi bỏ để phù hợp với thực tế cuộc sống.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.