Hạ tầng

Suất đầu tư sân bay Long Thành cao hay thấp?

15/11/2019, 13:32

Chủ tịch Tổng công ty CHK VN (ACV) Lại Xuân Thanh chia sẻ với Báo Giao thông những vấn đề còn nhiều tranh cãi về dự án xây sân bay Long Thành.

img
Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh

Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh chia sẻ thẳng thắn với Báo Giao thông xung quanh những vấn đề còn nhiều tranh cãi về dự án xây dựng sân bay Long Thành, trong đó có quy mô diện tích cũng như suất đầu tư dự án.

Chỉ 2.750ha/5.000ha đất dành cho hàng không

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi CHK quốc tế Long Thành, một số đại biểu cho rằng, diện tích sân bay Long Thành quá lớn so với công suất 100 triệu khách. Ông có thể nói gì về số liệu này?

Dự án CHK quốc tế Long Thành có quy mô 5.000ha, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Phần đất dành cho dịch vụ hàng không chỉ vào khoảng 2.750ha.

Riêng về số liệu một số sân bay như ĐBQH đưa ra, tôi cho rằng chưa hoàn toàn phù hợp. Các số liệu này cũng không đủ các thông tin khai thác chi tiết cụ thể như công suất khai thác hàng hóa, các công trình phụ trợ, dịch vụ thương mại, hay đối với từng mức dịch vụ của sân bay.

Như sân bay Heathrow (Anh) hiện tại với diện tích khoảng 1.200ha, khai thác 80 triệu hành khách. Đây là sân bay cũ đã được phát triển mở rộng qua nhiều giai đoạn, đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng. Sân bay Sydney ở Mascot, Úc cũng đã bắt đầu hoạt động từ những năm 1970 có diện tích khoảng 900ha, hiện đang khai thác 44 triệu hành khách với công suất 400.000 tấn hàng hóa/năm. Công suất mà ĐBQH đề cập 74 triệu hành khách/năm là công suất thiết kế khi sân bay được quy hoạch phát triển mở rộng ở năm 2033.

Sân bay Bắc Kinh diện tích 1.480ha với công suất 85 triệu hành khách/năm là sân bay cũ, hiện đã quá tải và hạn chế về cơ sở hạ tầng. Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng một CHK mới là Bắc Kinh - Đại Hưng với tổng diện tích đất khoảng 4.700ha, công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm, tương đương quy mô chung với CHK quốc tế Long Thành…

Các CHK Changi (Singapore), Barcelona (Tây Ban Nha), Western Sydney (Úc) cũng là các CHK quy hoạch và xây dựng từ trước đây, được xây dựng mở rộng theo từng giai đoạn, chủ yếu để tăng công suất khai thác hành khách.

Trong khi đó, sân bay Long Thành được quy hoạch mới, đồng bộ, dự trù diện tích đầy đủ cho các giai đoạn phát triển với các cơ sở hạ tầng để trở thành một CHK trung chuyển của khu vực, phát triển công nghiệp hàng không, dịch vụ thương mại hàng không, phi hàng không.

img
Phối cảnh bên trong nhà ga sân bay Long Thành

Suất đầu tư Long Thành thấp hơn nhiều Đại Hưng

Một số ĐBQH cũng băn khoăn khi cho rằng, suất đầu tư của sân bay Long Thành là cao, nếu so với một số sân bay có quy mô tương đương trên thế giới. Ông lý giải câu chuyện này thế nào?

Quy mô Dự án CHK Long Thành khi hoàn thành cả 3 giai đoạn bao gồm 4 đường cất/ hạ cánh (tức 2 cặp đường cất/ hạ cánh), 4 nhà ga hành khách và các hạng mục phụ trợ, tổng mức đầu tư 16,03 tỷ USD. Ngoài chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư, phần ứng với việc đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng 15 tỷ USD.

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, suất đầu tư khoảng 15 tỷ USD/100 triệu hành khách tương đương với suất đầu tư của các sân bay lớn trên thế giới. Cụ thể, sân bay Đại Hưng (Trung Quốc) giai đoạn 1 (vận hành khai thác từ tháng 9/2019) có tổng mức đầu tư khoảng 11,7 tỷ USD cho công suất 72 triệu hành khách/năm, tức khoảng 16,26 tỷ USD/100 triệu hành khách. Sân bay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD cho công suất 90 triệu hành khách/năm, tức khoảng 14,93 tỷ USD/100 triệu hành khách. CHK Istanbul có công suất 200 triệu hành khách/năm khi hoàn thành 4 giai đoạn.

Trong giai đoạn đầu đã đi vào hoạt động, được xây dựng năm 2015 công suất phục vụ hành khách đạt 90 triệu hành khách/năm với tổng mức đầu tư khoảng 12 tỷ USD. Quy đổi với công suất hành khách 100 triệu thì tổng mức đầu tư sẽ là 13,33 tỷ USD. Nếu tính thêm trượt giá (tỷ lệ trượt giá 2%/năm theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), chi phí đầu tư tại thời điểm năm 2019 là 14,93 tỷ USD.

Dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với các giải pháp xây dựng và công nghệ đảm bảo tiêu chuẩn hiện đại của thế giới đang được áp dụng tại Changi T4, Incheon T2, New Istanbul, Charles de Gaulle, tổng mức đầu tư là 4,779 tỷ USD.

Suất đầu tư 4,779 tỷ USD/25 triệu khách tương đương với suất đầu tư của các CHK lớn trên thế giới như Frankfurt (Đức) giai đoạn 3, khoảng 4,5 tỷ USD cho công suất 21 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,3 tỷ USD/25 triệu hành khách): Incheon (Hàn Quốc) giai đoạn 3, khoảng 4,3 tỷ USD cho công suất 18 triệu hành khách/năm, tức khoảng 5,9 tỷ USD/25 triệu hành khách...

Nói như vậy thì việc so sánh chỉ mang ý nghĩa tham khảo, thưa ông?

Đúng vậy. Sự khác biệt về mục tiêu, quy mô, công nghệ, phạm vi công việc, thời điểm đầu tư, các chính sách thuế, phí, dự phòng ở các quốc gia khác nhau nên tổng mức đầu tư cũng sẽ khác nhau.

Ví dụ tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của CHK Long Thành đã tính đến nhiều hạng mục hạ tầng cơ bản phục vụ chung cho nhiều giai đoạn nhưng được triển khai đồng bộ ngay từ giai đoạn 1 như: Đường giao thông kết nối, các công trình quản lý bay của VATM; hệ thống điện - nước - thoát nước - viễn thông - xử lý chất thải...

Dành 133.000 tỷ đồng đầu tư 2 dự án lớn

Liên quan đến đề xuất giao ACV đầu tư sân bay Long Thành, Chính phủ khẳng định ACV có năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 CHK để bù đắp thiếu hụt dòng tiền. Tuy nhiên, hiện tại thì chỉ có 8/21 cảng hàng không nội địa có thu đủ chi và có lãi. Ông lý giải thế nào về con số này?

Đúng là hiện tại chỉ có 8/21 cảng hàng không có thu đủ chi và có lãi. Tuy nhiên, tôi muốn nói rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của ACV được hạch toán tập trung đối với toàn bộ mạng CHK.

Theo kế hoạch trung hạn 2020 - 2025 đã được thẩm định, với sản lượng tăng trưởng bình quân 7-9%/năm, dòng tiền tích lũy đầu tư của ACV giai đoạn 2019 - 2025 đạt hơn 84.800 tỷ đồng.

Nhu cầu vốn đầu tư cho 21 CHK hiện đang khai thác và xây mới CHK Nà Sản là gần 71.500 tỷ đồng. Dòng tiền tích lũy còn lại là 13.300 tỷ đồng, cộng với tiền mặt hiện có (tính đến thời điểm 31/12/2018) là 24.268 tỷ đồng, tổng cộng hơn 37.500 tỷ đồng (tương đương 1,6 tỷ USD) được chi cho Dự án CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1, chiếm khoảng 38% tổng mức đầu tư đối với các hạng mục dự kiến giao ACV làm chủ đầu tư (97.860 tỷ đồng, tương đương 4,2 tỷ USD).

Nhu cầu vốn còn lại khoảng 2,6 tỷ USD sẽ được ACV vay thương mại. ACV đã làm việc với các ngân hàng lớn của Việt Nam và thế giới và được cam kết cho vay với tổng số trên 5 tỷ USD theo các điều kiện ưu đãi như thời hạn 15 năm, ân hạn 5 năm, lãi suất khoảng 5-5,5%, với điều kiện tiên quyết là không có bảo lãnh Chính phủ.

ACV khẳng định có thể thu xếp đủ vốn cho giai đoạn 1 nhưng với 11 tỷ USD tiếp theo thu xếp như thế nào thì chưa rõ?

Tổng mức đầu tư và phương thức huy động vốn đối với giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của Dự án sẽ được tính toán cụ thể trong Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 2, giai đoạn 3 và sẽ tiếp tục được trình Quốc hội xem xét.

Trường hợp ACV được giao chủ đầu tư và đưa CHK Long Thành vào khai thác cuối năm 2025, nguồn tiền tích lũy cho đầu tư của ACV từ nguồn khấu hao và lợi nhuận để lại giai đoạn 2026-2030 sẽ đạt khoảng 133.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung cho 2 dự án lớn là giai đoạn 2 CHK Long Thành và mở rộng CHK Nội Bài đạt 60 triệu hành khách/năm.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.