Xã hội

Tài trợ lập quy hoạch: Nhận kinh phí, có lo vụ lợi?

31/05/2022, 13:51

Các Đại biểu Quốc hội cho rằng cần giám sát và có quy định chặt chẽ trong việc tiếp nhận tài trợ lập quy hoạch để hạn chế việc trục lợi.

Gần đây, Bộ Xây dựng đã có công văn 1154/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường quản lý công tác lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, trong đó có hướng dẫn về tài trợ quy hoạch.

Theo đó, Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí để lập quy hoạch xây dựng, không quy định về việc tài trợ sản phẩm là đồ án quy hoạch.

Bộ Xây dựng lưu ý, việc sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch phải đúng quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, xây dựng, về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan. Đảm bảo việc tài trợ kinh phí lập quy hoạch là tự nguyện, không điều kiện, không vì lợi ích của nhà tài trợ làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của cộng đồng, của xã hội cũng như tính minh bạch trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch và không gắn với việc lựa chọn nhà đầu tư.

img

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại việc tài trợ quy hoạch xuất phát từ động cơ thực hiện những phần có thể thu lợi, tư nhân không hướng đến mục tiêu lập quy hoạch tối ưu theo nhu cầu xã hội... Nếu quy hoạch Nhà nước không nắm, để rơi vào tay tư nhân, sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với sự phát triển của đất nước.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về nội dung này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc tài trợ và tiếp nhận tài trợ lập quy hoạch xây dựng, đô thị là cần thiết nhằm bổ sung kinh phí giúp cho công tác lập quy hoạch được nhanh và chất lượng hơn.

Đại biểu Hòa lưu ý, quy định pháp luật đã rõ ràng về việc không nhận sản phẩm quy hoạch, và đơn vị tài trợ kinh phí lập quy hoạch phải cam kết trên nguyên tắc tự nguyện, không có điều kiện gì kèm theo. Những quy định này, các địa phương, cơ quan chức năng phải "quản" chặt để tránh trục lợi.

"Phải có quy định và giám sát để đơn vị tài trợ lập quy hoạch không thể là chủ đầu tư của dự án trong khu vực lập quy hoạch xây dựng và không được tham gia vào nội dung quy hoạch xây dựng", ông Hòa nhấn mạnh.

img

Bộ Xây dựng yêu cầu việc sử dụng kinh phí tài trợ lập quy hoạch phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật về quy hoạch, quy hoạch đô thị, xây dựng (Ảnh minh họa)

Cùng quan điểm này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, phải có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, không để tình trạng lợi dụng việc kinh phí tài trợ quy hoạch để chi phối quy hoạch nhằm hình thành lợi ích nhóm.

"Cần tránh tình trạng nhà tài trợ lèo lái quy hoạch nhằm trục lợi cho riêng mình. Có thể quy định rõ hơn kinh phí tài trợ sẽ được phép tài trợ cho loại đồ án quy hoạch cấp nào, không được phép tài trợ cho loại đồ án quy hoạch cấp nào. Và khi xây dựng quy hoạch cần phải khách quan, tham khảo nhiều ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan và phải tuân thủ chặt chẽ quy định, quy trình lập quy hoạch của pháp luật", ông Ngân nói.

Ngày 30/5, trình bày báo cáo của đoàn giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trong tổng số 111 quy hoạch được lập theo quy định của Luật Quy hoạch đến nay mới có 7/111 quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt, gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, 4 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực giao thông vận tải (mạng lưới đường bộ quốc gia; mạng lưới đường sắt quốc gia; tổng thể hệ phát triển hệ thống cảng biển quốc gia; kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa), quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch tỉnh Bắc Giang.

Kinh phí dành cho việc lập quy hoạch trong kế hoạch đầu tư công được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo là 4.368 tỷ đồng, trong đó có 1.243,63 tỷ đồng vốn của các bộ, ngành và 3.124,36 tỷ đồng của 56 địa phương.

Có 7 địa phương chưa phê duyệt dự toán lập kinh phí quy hoạch là Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Định, TP.HCM, Đồng Nai, Long An. Lý do là địa phương này chưa phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch hoặc được tài trợ sản phẩm quy hoạch nên chưa có số liệu về kinh phí lập quy hoạch.

Tính đến ngày 28/2/2022, các bộ, ngành đã giải ngân 244,68 tỷ đồng (bằng 19,67%) và các địa phương là 1.147,45 tỷ đồng (bằng 36,72%).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.