Đô thị

Tài xế taxi thi nhau bán xe trả nợ vì Covid-19, mong sớm được hỗ trợ

01/07/2021, 17:36

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách giảm đến 80 - 90%, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp và tài xế taxi...

img

Lượng hành khách của xe taxi giảm tới 80 - 90%, doanh thu cũng sụt giảm nghiêm trọng - Ảnh minh họa

Bán xe trả nợ, chuyển nghề khác

Anh Hoàng Thắng, lái xe taxi Group ở Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lượng khách sụt giảm rất nhiều. Khách liên tục hủy hợp đồng tháng, số lượng người di chuyển ngày càng ít khiến thu nhập và đời sống của lái xe rất khó khăn.

“Khi chưa có dịch, mỗi tháng tôi thu nhập trung bình từ 15 - 20 triệu đồng. Nhưng hiện giờ, sau khi trừ các chi phí trả cho công ty theo quy định, mỗi tháng chỉ được 3 - 4 triệu đồng. Có ngày chỉ được 1 - 2 cuốc khách đi chặng ngắn, không đủ chi phí chi tiêu cá nhân, tiền thuê nhà”, anh Thắng bộc bạch.

Cũng theo anh Thắng, dịch bệnh kéo dài, khách vắng nhưng mỗi tháng phải nộp về công ty hơn 3 triệu đồng tiền đàm. Chưa kể, anh còn chưa trả hết nợ cho công ty tiền mua xe theo hình thức trả góp. Do đó mỗi tháng vừa tiền đàm, vừa tiền trả góp lên tới hơn 7 triệu đồng.

"Cánh tài xế chúng tôi rất mong được công ty giảm tiền đàm, thành phố hỗ trợ thêm để mình có thêm động lực làm việc trong thời gian dịch bệnh còn kéo dài", anh Thắng kiến nghị.

Anh Hạnh, một lái xe taxi có 13 năm trong nghề ở Chương Mỹ, Hà Nội cũng cho biết, anh vừa phải bán xe để chuyển sang công việc khác do tình hình dịch bệnh kéo dài, thu nhập không đủ chi trả cho các chi phí khác.

“Bà xã làm giáo viên hợp đồng, dịch bệnh nên nghỉ dạy suốt, nguồn thu nhập chính trong gia đình đều do tôi gánh vác. Thời gian qua, hoạt động taxi rất khó khăn nên tôi phải quyết định bán xe trả nợ và làm việc khác để trang trải cuộc sống qua ngày ”, anh Hạnh bày tỏ.

Anh Hạnh cũng chia sẻ thêm, rất nhiều lái xe taxi khác cũng như anh, lần lượt bán xe, nghỉ chạy và chuyển sang công việc khác. "Ngay gần nhà mình, cũng có cậu em nghỉ taxi chuyển sang bán đồ ăn để sống qua những ngày khó khăn", anh Hạnh nói.

Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ

Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, đợt dịch Covid-9 bùng phát thứ 4 lan ra hơn 30 tỉnh, thành trên cả nước, khiến các DN taxi lao đao.

“Lượng khách của xe taxi giảm tới 80 - 90%. Doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động bấp bênh, không có thu nhập. Hàng loạt DN taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng cũng cho biết, bản thân các DN đã bị ảnh hưởng từ năm 2020, chưa kịp phục hồi, trong khi doanh thu nhỏ giọt, nợ thì phình ra. Thậm chí, đã có DN phải bán tài sản đi để trả nợ. Từ đầu năm 2020 đến nay, các DN taxi mới chỉ được hỗ trợ chậm nộp thuế một chu kỳ 6 tháng dù càng lúc càng chìm sâu vào khó khăn. Còn giai đoạn sau này, DN chậm nộp thuế theo quy định của Nhà nước vẫn sẽ bị cưỡng chế hóa đơn, không cho xuất hóa đơn hoặc thậm chí nặng hơn nữa là đóng mã số thuế. Bên cạnh đó, tiền bảo hiểm xã hội DN chậm nộp cũng tính lãi, rồi thanh tra xuống DN...

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, theo dự thảo của Bộ LĐTB&XH gửi Bộ KH&ĐT, tới đây sẽ cho các DN, trong đó có DN taxi ngừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất nhưng phải đạt điều kiện trả hết nợ cũ từ tháng 4/2021 trở về trước. Muốn ngừng, hoãn, giãn, chậm nộp thuế cũng phải trả nợ cũ đến tháng 3/2021. Với các ngân hàng, trường hợp đồng ý cho DN vay nợ, chậm nộp, giảm lãi suất thì phải thành lập quỹ trích lập dự phòng.

Ông Hùng cho biết thêm, đối với ngân hàng, DN taxi không mong muốn phải giảm lãi sâu mà chỉ đề xuất giảm từ 3 - 5%. Bởi lãi suất tiền gửi hiện ngân hàng chi trả cho khách là 4%.

“Các ngân hàng cần khoanh nợ của DN đến thời điểm này, cho trả chậm, giảm lãi suất và bỏ điều kiện trích lập quỹ dự phòng. Nếu để DN không phục hồi, không cứu vãn nổi, bơm tiền mà vẫn phá sản thì các bên đều phải gánh hậu quả và thiệt hại”, ông Hùng bày tỏ.

Để đảm bảo an toàn cho lái xe, ông Hùng đề xuất, hiện nhóm người lao động trong ngành vận tải gồm lái xe, phụ xe, người phục vụ có nguy cơ rất cao lây nhiễm Covid-19, bởi họ thường xuyên tiếp xúc với nhiều hành khách, đi đến nhiều địa điểm. Vì vậy, thành phố Hà Nội cần sớm tiêm vaccine cho toàn bộ lái xe, phụ xe taxi để tránh lây lan dịch.

Nói về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên các phương tiện taxi, ông Hùng cũng cho biết, các tài xế đều đang phải tự trang bị đầy đủ các thiết bị cho bản thân trong suốt quá trình làm việc như: cốc nước dùng riêng, khẩu trang, khăn giấy, găng tay, sản phẩm vệ sinh tay có chứa cồn hoặc nước rửa tay khô, quần áo sử dụng riêng khi làm việc, túi đựng rác.

Sau khi kết thúc buổi làm việc, các tài xế phải tiến hành vệ sinh dọn rửa, lau chùi các bề mặt vô lăng lái, tay nắm cửa xe, cửa sổ, ghế ngồi, sàn xe, điều hòa xe và các các bề mặt trên phương tiện tham gia giao thông. Tiến hành sát khuẩn, khử trùng không khí trong xe bằng các chất tẩy rửa, dung dịch sát khuẩn, dung dịch có chứa cồn, xà phòng.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.