Chuyện dọc đường

Tâm thế cán bộ

27/09/2019, 07:22

Trước khi ứng cử ai cũng “vâm vấp” khỏe mạnh, khi nhúng chàm lại viện lý “vì sức khỏe” để thoái lui.

img
Minh họa: Khánh Linh

Mới đây, ông Lê Thanh Quang, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa có đơn gửi Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan Trung ương nghỉ hưu trước tuổi vì “lý do sức khỏe”.

Không chỉ mình ông Quang, chỉ hơn một năm trở lại đây, có ba cán bộ đã “tự nguyện” làm đơn xin thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội khóa XIV cũng vì “lý do sức khỏe”, đó là: Bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai; ông Lê Đình Nhường, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; ông Hồ Văn Năm, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Khá đặc biệt khi ông Năm mới chỉ vừa đảm nhận vị trí của bà Phan Thị Mỹ Thanh khoảng một năm.

Những quan chức này trước khi viết đơn nghỉ hưu, từ nhiệm sớm đều đã bị xử lý kỷ luật vì có những sai phạm trong thời gian đương chức. Riêng trường hợp ông Lê Phước Thanh, Bí thư Quảng Nam thì sau khi viết đơn nghỉ hưu sớm mới bị phanh phui khuyết điểm và bị xử lý kỷ luật.

Dẫu sao, nhìn một khía cạnh nào đó, họ đã phần nào chấp hành đúng Quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” khi: “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.

Chắc hẳn ở góc độ của mình, những người xin thôi làm nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội cũng hiểu rằng, khi họ không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì nếu không xin nghỉ, sớm muộn cũng sẽ “bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm” như Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định.

Chỉ tiếc rằng, khi các quan chức nêu trên làm đơn xin nghỉ hưu sớm hay thôi làm nhiệm vụ, dư luận đã không còn tin vào lý do họ đưa ra. Còn nhớ, cách đây vài năm, khi một ĐBQH thông báo xin thôi nhiệm vụ đại biểu chuyên trách vì lý do cá nhân, các báo đồng loạt đăng tải. Với nhiều thiện cảm, không ít người chia sẻ và mong vị đại biểu này sẽ hoàn thành tốt công việc hiện tại. Thật tiếc rằng sau đó không lâu, đã có những thông tin về việc thăng tiến thần tốc của vị đại biểu này trước sự bất ngờ của dư luận.

Ông cha ta đã đúc kết: “Có chí làm quan, có gan làm giàu”. “Có chí” nghĩa là có ý chí, nghị lực mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng, dám đương đầu với khó khăn, không nề gian khổ, sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ phức tạp, nặng nề mà người bình thường khó đảm đương nổi. Cái “chí” ở đây còn được hiểu là tinh thần khảng khái, dũng khí dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Dân gian cũng có câu “Miệng nhà quan có gang có thép”. Khi đứng trên đỉnh cao quyền lực, danh vọng, không ít quan chức miệng hét “ra lửa”, diễn thuyết rất hay nhưng khi làm lại bất chấp pháp luật, đạo lý để rồi khi cái sai đã rành rành “hai năm rõ mười”, vẫn tìm cách chối bỏ trách nhiệm cá nhân, đổ lỗi cho cơ chế, chỉ đạo các bên liên quan “chữa cháy” bưng bít như vụ Mobifone mua AVG.

Xét về mặt tâm lý, khi ai đó cảm thấy mình không còn xứng đáng với trọng trách được giao thì tự nguyện xin rút lui để trao, nhường vị trí cho người xứng đáng hơn mình cũng là điều dễ cảm thông, chia sẻ, thậm chí còn rất đáng biểu dương. Biết từ chức đúng lúc, đúng chỗ là góp phần làm cho văn hóa từ chức dần trở thành một điều bình thường, hiển nhiên trong bộ máy công quyền.

Nhưng từ chức mà lại thiếu dũng khí, thiếu tâm thế đàng hoàng của người cán bộ lãnh đạo thì lại là biểu hiện chưa chuẩn mực của văn hóa từ chức. Nếu đủ dũng khí viết đơn từ nhiệm, sao không nêu rõ lý do là bản thân không còn đủ tư cách, uy tín để xứng đáng với vị trí đảm nhiệm?

Trước khi ứng cử ai cũng “vâm vấp” khỏe mạnh, khi nhúng chàm lại viện lý “vì sức khỏe” để thoái lui. Cảm thấy “đau” cho tâm thế của họ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.