Chất lượng sống

Tăng 300% người giám định y khoa để... nghỉ hưu non

30/11/2017, 08:02

Lo ngại việc thay đổi chính sách lương hưu năm 2018, lượng người đi giám định y khoa để nghỉ hưu tăng bất thường.

19

Các chuyên gia khuyến cáo, người lao động cần cân nhắc trước quyết định nghỉ hưu sớm

Nghỉ hưu sớm người lao động có được lợi?

Theo ông Dương Đức Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Giám định y khoa T.Ư, trong những tháng cuối năm 2017, số người đến giám định y khoa để được về hưu sớm cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016. Chủ yếu trong số này là người sắp đến tuổi nghỉ hưu hoặc sắp đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm để nghỉ hưu. Có địa phương, cả đoàn 60 người đi giám định cùng lúc. Tuy nhiên, theo ông Hùng số người có bệnh thật sự, đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi chiếm tỷ lệ nhỏ. Việc gia tăng số người giám định y khoa ở thời điểm này có thể do lo ngại thay đổi chính sách và tỉ lệ lương hưu được nhận khi nghỉ hưu từ năm 2018 thấp hơn so với lương hưu của người về hưu năm 2017.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bộ LĐ,TB&XH, nhận định: “Không phải ai nghỉ hưu sớm trước năm 2018 cũng có lợi hơn và không phải cứ nghỉ hưu sau năm 2018 là thiệt hơn, tùy theo điều kiện thực tiễn của từng người lao động mà sẽ có sự lựa chọn khác nhau”.

Trình Quốc hội đề xuất tính lại lương hưu cho lao động nữ

Trong cuộc họp thường kỳ của BHXH Việt Nam chiều 29/11, câu hỏi về lộ trình tính lương hưu cho nữ lao động dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2018 liệu có thay đổi, cũng đã được đặt ra.

“Trước nhiều ý kiến về việc trả lương hưu theo cách tính mới gây thiệt cho lao động nữ, Bộ LĐ,TB&XH đã trình Quốc hội về đề xuất lộ trình tính lương hưu của lao động nữ tương ứng với lộ trình tính lương hưu của lao động nam. Vì vậy, việc quyết định có sửa theo lộ trình đề xuất hay không còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của Quốc hội”, ông Nguyễn Duy Cường, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ,TB&XH) thông tin.

Theo phân tích của ông Cường, với cách tính lương hưu mới, đối với lao động nữ có thời gian đóng BHXH trên 30 năm sẽ không có sự khác nhau về tỉ lệ hưởng lương hưu của người nghỉ hưu năm 2017 hay năm 2018, đều được hưởng tối đa 75%; có khác nhau về mức trợ cấp một lần khi nghỉ hưu (mỗi năm đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu 75% được trợ cấp một lần bằng 0,5 tháng lương).

Với người có dưới 30 năm đóng BHXH, nghỉ hưu trước năm 2018, tỉ lệ hưởng lương hưu được tính cao hơn so với nghỉ hưu từ năm 2018 nếu có cùng thời gian đóng. Tuy nhiên, mức lương hưu thực tế không chắc cao hơn vì nếu người lao động không nghỉ hưu sớm mà tiếp tục đóng BHXH thì khi nghỉ hưu sẽ có thời gian đóng BHXH dài hơn (tương ứng với tỉ lệ hưởng lương hưu cao hơn).

Cùng với việc điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng và quy định tiền lương tháng đóng BHXH từ năm 2018 bao gồm cả mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, nên tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động sẽ cao hơn.

Cùng quan điểm, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng: “Người lao động cần cân nhắc trước quyết định nghỉ hưu sớm. Bởi, đối với những người nghỉ hưu trước tuổi (nghỉ hưu do suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên), mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ phải trừ 2% tỉ lệ hưởng lương hưu. Người lao động còn đủ sức khỏe tiếp tục làm việc, tham gia BHXH để tích lũy thời gian đóng BHXH dài hơn, tiền lương tháng đóng BHXH cao hơn, khi đủ điều kiện về tuổi đời sẽ được hưởng mức lương hưu cao hơn”.

Nguy cơ khó cân đối quỹ hưu trí, tử tuất

Tại hội thảo về “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị đối với Việt Nam” ngày 29/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định: Là một quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỷ trọng lao động phi chính thức lớn, Việt Nam sẽ gặp phải nhiều thách thức khi xây dựng hệ thống BHXH.

Theo các chuyên gia, Quỹ Hưu trí, tử tuất của Việt Nam cũng đứng trước nguy cơ khó cân đối trong tương lai gần. Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH thừa nhận: “Việc cải cách tham số nhằm hướng tới tương quan đóng - hưởng trong chính sách hưu trí đã được đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật về BHXH. Tuy nhiên, trước bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho quỹ hưu trí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó cân đối trong dài hạn.”

Trước thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên thực hiện cải cách tham số, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế. Ông Chang-Hee Lee Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam nhận định, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng dựa trên các kinh nghiệm tích cực từ mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế.

“Dư địa tài khóa để mở rộng an sinh xã hội luôn tồn tại dù ở các quốc gia không có tiềm lực tài chính mạnh. Chính phủ Việt Nam cần khai thác mọi phương án tài chính để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc làm bền vững và an sinh xã hội”, ông Chang-Hee Lee nêu khuyến nghị.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.