Chuyện dọc đường

Tăng giờ làm thêm, ai được, ai mất?

25/10/2019, 06:48

Giảm giờ làm bao giờ cũng là một tiêu chí đánh giá xã hội phát triển. Xã hội ở trình độ phát triển càng cao thì giờ làm càng giảm và ngược lại.

img
Phần đông người lao động làm thêm giờ, tăng ca không phải vì họ muốn mà là họ cần để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình Ảnh: N.Lam

Người hàng xóm nhà tôi có cô con dâu làm việc cho một ngân hàng nước ngoài. Trước đây, ông tự hào bao nhiêu thì giờ đây lo lắng, buồn phiền bấy nhiêu. Nguyên nhân là ngân hàng liên tục yêu cầu làm thêm giờ, nhiều hôm 21h đêm con dâu mới về đến nhà. Đồng lương cao nhưng nhận được không đơn giản, sinh hoạt gia đình thì đảo lộn hết cả.

Câu chuyện này là thực tế diễn ra trong nhiều gia đình, không chỉ ở thành phố mà còn cả ở các tỉnh với hàng triệu công nhân đang phải làm tăng ca trong các khu công nghiệp. Đây cũng là câu chuyện làm nóng nghị trường Quốc hội vài ngày nay. Tại phiên thảo luận sáng 23/10, quan điểm khác nhau về giờ làm việc bình thường của người lao động là 48 giờ (như hiện nay) hay giảm xuống 44 giờ như ý kiến nhiều đại biểu từ kỳ họp trước, có nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ theo quy định hiện hành lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ hay không đã gây ra những tranh luận nảy lửa.

Nảy lửa là phải. Bởi “giảm giờ làm” là thành tựu đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới đối với giới chủ. Thực tế là giảm giờ làm bao giờ cũng là một tiêu chí đánh giá xã hội phát triển. Xã hội ở trình độ phát triển càng cao thì giờ làm càng giảm và ngược lại.

Đối với những nước đang phát triển như Việt Nam thì câu chuyện không đơn giản. Ta có thể nhìn rộng ra: Ví dụ luật pháp cấm bóc lột lao động trẻ em, nhưng thực tế, nhiều trẻ em rất cần lao động để đỡ đần bố mẹ, có thêm thu nhập để trang trải chi phí học hành. Đối với những em do khó khăn, không tiếp tục được đi học lên cấp 3 thì rõ ràng càng cần việc làm. Thứ hai, người lao động rất cần làm thêm, không phải là họ muốn mà là họ cần. Bởi thực tế, dù cải cách liên tục nhưng tiền lương không đủ sống. Mỗi lần tăng lương, tiền chưa về tài khoản thì giá cả đã tăng.

Trong hoàn cảnh như vậy, phần đông người lao động mong muốn được làm thêm để thêm thu nhập, để trang trải các chi phí sinh hoạt đang thiếu hụt.

Trên thực tế, chưa đợi đến Quốc hội “tranh luận”, hiện nay khối doanh nghiệp dân doanh, rất nhiều cơ sở sử dụng lao động làm trong ngày thứ 7. Đối với nhiều nghề “đặc thù” khác thì gần như người lao động ít để ý đến “trong giờ” hay “ngoài giờ” và quyền lợi được pháp luật bảo vệ mà chỉ biết nhận khoán, lương như vậy phải làm xong việc mới về.

Như vậy, việc vi phạm pháp luật lao động thường được “bỏ qua” một cách tự giác bằng “thỏa ước” giữa người sử dụng và người lao động. Trước mắt, người lao động được tiền, nhưng về lâu dài họ mất đi sức khỏe, hạnh phúc gia đình. Doanh nghiệp mất đi động lực thay đổi công nghệ, tăng năng suất lao động.

Cần phải nhắc lại, quyền lao động đã được Hiến định, thời gian làm việc 400 giờ/năm đã được Luật định. Có nên tăng giờ làm thêm chỉ để tạo điều kiện cho sản xuất như một số ý kiến phát biểu tại Quốc hội? Một quốc gia không thể dừng lại ở “tự hào” nhân công rẻ mà chất lượng lao động ngày càng đi xuống vì không đủ sức khỏe; một doanh nghiệp không thể cạnh tranh thành công nếu chỉ nhăm nhăm tăng giờ làm.

Trách nhiệm của quản trị quốc gia là phải đảm bảo đồng lương cho người lao động tối thiểu ở mức đủ sống. Trách nhiệm của người lập pháp là tạo hành lang pháp lý bảo vệ quyền lợi của người lao động, để người sản xuất có thời gian tái tạo sức lao động; tạo cơ chế thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững. Trách nhiệm của giới chủ là đầu tư công nghệ mới, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Vậy nên, việc Quốc hội cần làm là hoạch định được số giờ lao động tối thiểu và giờ lao động tối đa. Khi sử dụng lao động vượt quá khung giờ tối thiểu, chủ sở hữu lao động phải tuân theo quy định trả thù lao ở mức nào đó. Ví dụ, tối thiểu gấp rưỡi hoặc gấp đôi và không hạn chế mức thù lao thỏa thuận, càng cao càng tốt. Việc này, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của doanh nghiệp và sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Như vậy, vừa tiếp thu các giá trị văn minh, phổ quát, bảo vệ đời sống người lao động, vừa là bước chuyển phù hợp với thời kỳ quá độ của đất nước.

Việc phân biệt giữa các loại ngành nghề, khu vực công, khu vực tư về giờ làm... là sự “tủn mủn” của tư duy. Về quản trị quốc gia, tự “trói” mình vào kỹ thuật lập pháp không tính đến các giá trị phổ quát là phi hội nhập.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.