Xã hội

Tăng mức phạt, công an phường nọ kiểm soát vỉa hè phường kia có được không?

30/03/2023, 14:49

Trước đề xuất đảo công an phường trong việc xử lý vi phạm vỉa hè, thượng tá Lương Anh Tuấn cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện được.

Vì sao vỉa hè dẹp khó, tái diễn dễ?

Sáng 30/3, trao đổi tại buổi tọa đàm "Cách nào dẹp loạn vỉa hè?" do Báo Giao thông tổ chức, Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội đã nêu ra những nguyên nhân dẫn đến thực trạng vi phạm trật tự vỉa hè kéo dài và dễ tái lấn chiếm.

Theo đó, mặc dù Ban chỉ đạo 197 của TP Hà Nội chỉ đạo đồng bộ các biện pháp, giải pháp. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện ở một số quận (huyện), phường (xã) chưa bền bỉ và chưa mang tính bền vững.

img

Toàn cảnh buổi tọa đàm "Cách nào dẹp loạn vỉa hè?"

"Những ngày đầu thì tích cực, sau đó thì thưa dần nên không hiệu quả. Việc vào cuộc này phải xuyên suốt và cần cả hệ thống chính trị của cơ sở thì mới bền vững", ông Tuấn cho hay.

Thứ 2 là công tác phối hợp giữa các cấp, ngành chưa đồng bộ, chưa thường xuyên.

img

Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội

Tiếp đến, ông Lương Anh Tuấn cho rằng, còn có hiện tượng nể nang, né tránh trong xử lý vi phạm trật tự vỉa hè.

"Những người dẹp trật tự vỉa hè thường xuyên tiếp xúc với người dân, nên đôi lúc, đôi nơi vẫn còn né tránh, nể nang", Thượng tá Lương Anh Tuấn nói.

Tham góp giải pháp để xử lý triệt để vi phạm lấn chiếm vỉa hè, đại biểu quốc hội khóa XIII Bùi Thị An đề xuất để công an phường này xử lý vi phạm phường kia.

Bà An giải thích, tôi chưa nói đến có lợi ích nhóm, chỉ riêng việc trong phường quen biết nhau dễ nể nang, du di không xử lý. Rất nên đảo vị trí để anh em làm việc hiệu quả cao hơn.

Thượng tá Lương Anh Tuấn cho rằng đề xuất này hoàn toàn có thể thực hiện được. Tùy vào sự chỉ đạo, điều hành của từng Quận.

Bổ sung thêm, Thượng tá Uông Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) cho biết, giành lại vỉa hè khó khăn có một phần do ý thức của người dân chưa được nâng cao.

"Mỗi người có sự tôn trọng, ý thức chấp hành pháp luật khác nhau", ông Thành nói.

Theo ông Thành, một khó khăn trong xử lý vi phạm vỉa hè là lực lượng mỏng, để thường xuyên túc trực trên các con đường, ngõ phố thuộc địa bàn quản lý là cả một vấn đề.

"Một đồng chí trưởng, hay phó công an quận, phường có thể ở trong rất nhiều ban chỉ đạo khác nhau, không phải có mỗi việc trật tự đô thị. Xử lý trật tự đô thị hiện nay giao chính cho lực lượng cảnh sát trật tự của quận, phường, nhưng một phường lại có rất nhiều tuyến phố, chính vì thế khối lượng công việc là rất lớn", ông Thành cho biết.

img

Thượng tá Uông Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội)

Kế hoạch "giành lại vỉa hè" của Hà Nội lần này có gì mới?

Thời gian qua, Báo Giao thông đã tổ chức diễn đàn “Dẹp loạn vỉa hè – Đừng hô hào nữa” nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc.

Tiếp nối chủ đề này, sáng nay (30/3), Báo Giao thông tổ chức buổi tọa đàm "Cách nào dẹp loạn vỉa hè?", với sự tham gia của các khách mời: Thượng tá Lương Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP Hà Nội; Thượng tá Uông Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội); Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên - môi trường và phát triển cộng đồng.

Tại buổi tọa đàm các vị khách mời đã chỉ ra các nguyên nhân và những giải pháp nhằm giải quyết thấu đáo những vấn đề đang thách thức lãnh đạo các thành phố lớn trong việc lấy lại trật tự vỉa hè.

Chia sẻ về Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 của Ban chỉ đạo 197 TP Hà Nội về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự ATGT, đô thị, công cộng đang được quyết liệt triển khai, ông Lương Anh Tuấn cho biết, đây là kế hoạch xuyên suốt năm 2023 chứ không phải kế hoạch triển khai trong 1 giai đoạn ngắn.

Kế hoạch này không phải ra quân là xử lý ngay, mà đã có lộ trình, từ điều tra, thống kê, tuyên truyền, rồi mới ra quân xử lý. Giai đoạn tuyên truyền kéo dài đến hết ngày 28/2; giai đoạn đồng loạt ra quân tổng kiểm tra và xử lý vi phạm từ ngày 1-31/3. Từ ngày 1/4 đến hết năm 2023 sẽ tăng cường kiểm tra, chống tái lấn chiếm.

"Kế hoạch phân công trách nhiệm cho từng Ban chỉ đạo các cấp, chỉ rõ trách nhiệm cá nhân. Với sự quyết liệt và có lộ trình như vậy, qua công tác kiểm tra cho thấy, toàn thành phố đã có chuyển biến tích cực về trật tự công cộng, phong quanh sạch sẽ hơn, các vỉa hè được sắp xếp gọn gàng hơn", ông Tuấn cho hay.

Theo Thượng tá Tuấn, giai đoạn 3 của Kế hoạch 01 mới là quan trọng. Công an 1 phường chỉ có 4-5 đồng chí phụ trách trật tự công cộng, có khi quản lý vài km2, lực lượng mỏng thì không thể bám mãi 24/24h trên các tuyến phố.

"Để chống tái lấn chiếm rất khó khăn, do đó cần sự vào cuộc quyết liệt từ người đứng đầu, ban chỉ đạo cấp xã, phường để tạo được sự đồng thuận của nhân dân và sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị", ông Tuấn đề xuất.

Trực tiếp tham gia xử lý vi phạm vỉa hè trên địa bàn, Thượng tá Uông Viết Thành chia sẻ cách làm quyết liệt ở quận Tây Hồ. Theo đó, triển khai Kế hoạch 01, lãnh đạo Quận uỷ, UBND quận cùng Ban chỉ đạo 197 quận và các phường họp thường xuyên, cập nhật số liệu ra quân, mỗi ngày xử lý được bao nhiêu vi phạm vỉa hè trên nhóm zalo của lãnh đạo quận.

"Trong thời gian vừa qua, Ban chỉ đạo 197 của quận Tây Hồ và các phường đã nỗ lực cả ngày và đêm không quản nắng mưa để duy trì trật tự vỉa hè. Đồng chí Bí thư và Chủ tịch quận, buổi đêm rồi khi thấy phản ánh có vi phạm ở điểm A, điểm B vẫn chỉ đạo lực lượng công an để tiến hành giải tỏa", ông Thành cho hay.

Nâng mức xử phạt, tính bài toán kinh tế vỉa hè

Đưa ra những giải pháp để việc dẹp loạn vỉa hè đi vào thực chất và có hiệu quả bền vững, Đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An cho rằng cần phải gắn trách nhiệm cho người đứng đầu.

"TP Hà Nội cũng đưa ra những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc dẹp loạn vỉa hè. Điều cần thiết lúc này cần phải có sự giám sát việc thực hiện đó. Cần phải cương quyết xử lý trách nhiệm, không thể à ơi, làm cho có được", bà An nói.

Bà An cũng cho rằng, cần phải thống kê rõ ràng, hiện nay có bao nhiêu người phụ thuộc hoàn toàn vào vỉa hè để kiếm sống mưu sinh từ đó có giải pháp cụ thể.

"Không phải ai cũng phụ thuộc hoàn toàn vào vỉa hè để mưu sinh. Tôi thấy có những nhà hàng, quán ăn lớn vẫn lợi dụng vỉa hè để kinh doanh. Chúng ta cần phải điều tra cụ thể để có hướng giải quyết đối với những người này", bà An nêu quan điểm.

img

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên - môi trường và phát triển cộng đồng

Nói về giải pháp, Thượng tá Lương Anh Tuấn cho rằng cần phải nâng mức phạt đối với hành vi lấn chiếm vỉa hè thì mới có sự răn đe.

"Có những lỗi vi phạm, lấn chiếm vỉa hè hiện nay chỉ bị phạt 100 - 200 nghìn đồng nên vì lợi ích nhiều người sẵn sàng vi phạm để kiếm khoản lợi nhuận lớn hơn", ông Tuấn nói.

Đồng tình với quan điểm này, Thượng tá Uông Viết Thành chia sẻ câu chuyện đi xử lý vi phạm, nhiều người sẵn sàng "bỏ của chạy lấy người".

"Dụng cụ bán nước chè chỉ là một vài cái ghế nhựa, bàn làm bằng xốp nên khi thấy lực lượng, người bán hàng vứt lại hàng hóa, bỏ chạy. Mức phạt cá nhân vi phạm vỉa hè thì chỉ 100 - 200 nghìn nên không tạo được sự răn đe. Chính vì thế cần phải nâng mức xử phạt lên", ông Thành nói.

Một trong những giải pháp mang tính căn cơ và lâu dài được đưa ra là nghiên cứu để khai thác kinh tế vỉa hè.

"Nhiều vỉa hè có chiều rộng đến 6 mét nhưng lại bỏ không thì thật lãng phí. Vì người dân chỉ đi bộ một phần trên đó. Nếu đồng bộ hệ thống pháp luật thì có thể cho người dân thuê lại để phục vụ mục đích để xe, để kinh doanh tạo nguồn thu cho nhà nước", Thượng tá Lương Anh Tuấn đề xuất.

Đồng tình với quan điểm này, nhưng bà Bùi Thị An lưu ý, việc cho thuê vỉa hè để mục đích kinh doanh cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và phải đảm bảo diện tích cho người đi bộ.

"Yếu tố hàng đầu là phải bảo đảm diện tích cho người đi bộ, sau đó có thể tính toán để cho người dân thuê lại, từ đó tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước", bà An nói.

Thượng tá Uông Viết Thành, Phó trưởng Công an quận Tây Hồ (TP Hà Nội) cho rằng, thực tế ở nhiều tuyến phố vỉa hè rất rộng, người dân rất muốn thuê để phục vụ kinh doanh nhưng cũng không thể thực hiện vì vướng những quy định pháp luật.

"Tôi cho rằng cần phải nghiên cứu để làm sao hài hòa giữa nhu cầu của người kinh doanh và không gian của người đi bộ, từ đó khai thác hiệu quả giá trị của vỉa hè", ông Thành nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.