Đi ++

Tất bật khuya sớm vớt "lộc biển" mùa sứa nổi

10/04/2018, 16:05

Người dân xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa những ngày này đang tất bật đánh bắt sứa.

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (14)

Những con sứa trong veo như nước được sơ chế ngay trên bãi biển trước khi mang ra chợ bán

Khoảng chục năm chở lại đây, mùa sứa nổi (sau Tết nguyên đán đến cuối tháng 3 âm lịch) là thời điểm ngư dân xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa huy động mọi nguồn lực tham gia đánh bắt. 

Không như các loại khác phải đánh bắt xa bờ, đánh sứa chỉ cần ở ven bờ. Việc đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt cũng đơn giản, ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiện đang là chính vụ nên sứa rất to, trung bình mỗi con nặng hơn 10kg, cá biệt có con nặng đến 20kg. Đêm đến, sứa thường nổi lên mặt biển để kiếm ăn nên đây chính là thời khắc vàng để khai thác sứa. Ngư dân chỉ cần tìm đúng luồng sứa đi ăn, thả lưới 2-3 tiếng đồng hồ là có thể thu lưới.

Ngoài đánh bắt, nghề thu mua chế biến sứa biển cũng đang giúp những những người dân nghèo ở vùng biển Hải Hòa nói riêng và dọc các vùng biển Thanh Hóa nói chung có thu nhập tốt hơn.

Một số hình ảnh thu hoạch sứa tại biển Hải Hòa những ngày đầu tháng 4 này:

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (11)

Biển Hải Hòa từ sáng tinh mơ đã xuất hiện "đội quân" thu mua sứa đợi sẵn trên bờ. Họ đều là người ở địa phương, làm nghề buôn bán nhỏ. Mùa sứa nổi, họ lại tham gia thu mua nhưng cũng chỉ mang tính chất nhỏ lẻ, góp thêm nguồn thu cho gia đình. Chuyện làng, chuyện xóm và đặc biệt là kinh nghiệm bảo quản, buôn bán sứa được chia sẻ rôm rả trong lúc chờ thuyền đánh bắt về bờ 

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (7)

Bác Hải, một người thu mua sứa kể trong lúc chờ thuyền: “Khoảng hơn chục năm trước, mùa sứa nổi là mùa buồn nhất của bà con ngư dân, bởi sứa nổi đồng nghĩa với việc lượng cá đánh bắt ít đi. Có những năm khi bão lớn đổ bộ, sứa bị đánh dạt vào bờ chất cao từng đống, chết thối chẳng ai thèm mua, phải đào hố chôn nhằm tránh ô nhiễm môi trường. Khoảng chục năm trở lại đây mọi chuyện hoàn toàn khác..."

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (9)

Chiếc thuyền đánh bắt sứa của một gia đình trở về sau chuyến ra khơi. Nếu thời tiết thuận lợi, không có gió mùa thì mỗi thuyền cũng bắt được từ 200 - 300 đầu sứa/đêm. Cá biệt, có hộ đánh bắt được hơn 500 đầu sứa/đêm

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (12)

Một ngư dân nhanh chóng neo thuyền cho các lái buôn thu mua sứa. Đây là chiếc ra khơi từ nửa đêm, đi tầm 20 cây số và bắt được khoảng hơn 200 con sứa

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (10)

Ngư dân vớt sứa từ thuyền xuống giao cho lái buôn. Công đoạn vớt sứa rất vả, mỗi con sứa nặng trung bình hơn 10kg, cá biệt có con nặng hơn 20kg mà phải vớt hoàn toàn bằng tay

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (3)

Hai bố con trong một gia đình ngư dân khệ nệ khiêng thùng sứa nặng trĩu lên bờ

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (13)

Chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1965) là một trong những người thu mua sứa tại thuyền, chị chia sẻ: “Chúng tôi phải ra bờ biển từ 5-6h sáng để đợi thuyền. Sứa mua tại thuyền với giá 20.000đ/con, chế biến ngay tại chỗ rồi đem ra chợ huyện bán với giá 20.000 - 25.000đ/kg”

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (5)

Mấy đứa nhỏ nhà chị Hoa (một người mua sứa, bán lẻ) sáng nào cũng theo mẹ ra biển. Mùa này biển vẫn khá lạnh vào sáng sớm

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (6)

Bé Phạm Thị Ngân (sinh năm 2004, con gái đầu của chị Hoa) tha thẩn chơi cát lúc mẹ làm sứa

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (1)

Sứa mua tại thuyền 20.000đ/con, bán hơn 20.000đ/kg, mỗi con hơn 10kg vậy là lãi "khủng"? Tuy nhiên, để bán được giá đó, người làm sứa phải cắt chân, bóc nhớt, nạo gai ở lưng, đánh bóng, sau đó ngâm phèn với muối cho teo lại. Sứa phải được đưa về các cơ sở chế biến hoặc được những người thu mua lẻ sơ chế ngay nếu không sẽ tan thành nước 

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (2)

Chú Lê Sen Vỹ (47 tuổi, sống tại thôn Đông Hải, xã Hải Hòa) chậm rãi kể: “Ngoài đánh bắt hải sản, đa số người dân vẫn trồng lúa và chăn nuôi lợn, gà bởi đó cũng là nguồn sống khi không thể ra khơi trong mùa bão. Vào vụ sứa, cả xã chỉ có người già và trẻ em ở nhà, còn hầu hết đều tham gia vào việc khai thác”

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (4)

Bé Toàn sáng nào cũng theo bố mẹ ra biển làm sứa từ sớm. Trẻ em vùng biển rắn rỏi hơn cõ lẽ cũng nhờ thói quen này 

ngu-dan-hai-hoa-hao-huc-vot-loc-bien (8)

Những chậu sứa sơ chế được chuyển ra chợ huyện mang theo nỗi vất vả của người dân Hải Hòa. Mùa sứa nổi là mùa tất bật, thức khuya, dậy sớm nhưng cũng là mùa hy vọng của người dân nghèo không có điều kiện sắm tàu lớn đánh bắt xa bờ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.