Công nghệ

Tàu CSB 4032 đã về Đà Nẵng sửa chữa

17/05/2014, 11:25

16h chiều qua (16/5), tàu cảnh sát biển Việt Nam đã cập quân cảng Đà Nẵng để sửa chữa do hơn 10m lan can bị gãy, 3 ống thông gió cùng 4 trụ thông hơi và 2 lỗ phun sương bị hư hại.

16h chiều qua (16/5), tàu cảnh sát biển Việt Nam đã cập quân cảng Đà Nẵng để sửa chữa do hơn 10m lan can bị gãy, 3 ống thông gió cùng 4 trụ thông hơi và 2 lỗ phun sương bị hư hại.
Tàu CSB trên đường về đất liền để sửa chữa (Ảnh: ANTĐ)

Đây là tàu thứ ba của Cảnh sát biển Việt Nam (CSB) phải vào bờ sửa chữa sau khi bị tàu Trung Quốc đâm. 

Trước đó sáng ngày 13/5, tàu chấp pháp 4032 nhận lệnh từ Sở chỉ huy tiến sâu vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 để phát loa tuyên truyền, yêu cầu nước này rút ngay giàn khoan cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam. Khi tàu 4032 cách giàn khoan chừng 5,5 hải lý, bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 7028 và 46001 áp sát, uy hiếp.

Sau khi mở vòi rồng đe dọa nhưng không tấn công, tàu hải cảnh Trung Quốc hướng thẳng mũi và tăng tốc húc vào tàu Việt Nam. Cú tông mạnh khiến con tàu bị chao đảo, lan can bên mạn trái bị mũi tàu Trung Quốc trườn lên trên, ủn gãy. Sau đó, tàu Trung Quốc tiếp tục bám sát tàu Việt Nam hơn 2 hải lý nữa.

Lực lượng chấp pháp trên tàu cảnh sát biển 4032 vẫn quyết tâm ở lại Hoàng Sa để thực thi pháp luật. Tuy nhiên do lan can bị hư hỏng không đảm bảo cho cán bộ, chiến sĩ di chuyển trong điều kiện biển có sóng to cấp 4, tàu theo lệnh về Công ty Sông Thu (Đà Nẵng) sửa chữa, và sẽ tiếp tục trở lại Hoàng Sa trong vài ngày tới.

Hơn 10 ngày làm nhiệm vụ trên biển, tàu cảnh sát biển Việt Nam 4032 luôn cơ động trong biên đội tàu tiến vào khu vực giàn khoan để phát loa tuyên truyền. Có thời điểm, tàu bị 5 tàu hải cảnh trọng tải lớn, tốc độ cao của Trung Quốc uy hiếp, bám sát nhưng vẫn linh hoạt di chuyển để thực thi nhiệm vụ.
 

nn

Các trụ lan can tàu bị bật ra. (Ảnh: Tiền phong)

Cũng trong chiều 16/5, Cục Kiểm ngư Việt Nam cho biết, đến hôm qua, Trung Quốc tiếp tục tăng số tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981 lên 126 tàu, tăng 27 tàu so với hôm trước đó. Trung Quốc vẫn duy trì 2 máy bay tuần thám. 

 

Tàu Trung Quốc thường xuyên áp sát, vây ép và phun nước vào vào tàu chấp pháp của Việt Nam trong quá trình tiếp cận khu vực giàn khoan để làm nhiệm vụ. 

 

Theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, dù gặp những trở ngại, nhưng được sự hỗ trợ của các tàu chấp pháp của Việt Nam, ngư dân ta vẫn kiên quyết khắc phục khó khăn, tiếp tục sản xuất.

 

Tại chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, ngày 16/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự xâm phạm nghiêm trọng Công ước quốc tế về luật biển 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên về biển Đông (DOC) và các thỏa thuận cấp cao hai nước.

 

Chủ tịch nước nói: "Từ khi xảy ra vụ việc, chúng ta trao đổi cấp cao hơn 10 lần, kể cả cử người gặp, điện đàm. Trung ương đã lên tiếng, kỳ họp tới, Quốc hội cũng sẽ lên tiếng... Mình phải bình tĩnh xử lý phù hợp lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế... Cùng với đó, các nước lớn, các tổ chức quốc tế, rất nhiều học giả và nhân dân trên thế giới lên tiếng phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam”.

 

Chủ tịch nước cũng khẳng định: "Lập trường chúng ta là kiên định phản đối. Lịch sử đã chứng minh, sức mạnh dân tộc trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chúng ta phải hết sức bình tĩnh đấu tranh bằng biện pháp hòa bình, càng khó thì càng phải đoàn kết thống nhất với nhau một ý chí".

 

Chủ tịch nước cũng một lần nữa nhấn mạnh sự đoàn kết một lòng để bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hòa bình, chống kích động phá hoại, đồng thời phải đoàn kết để phát triển kinh tế nâng cao tiềm lực đất nước.

 

P.Vy (tổng hợp)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.