Công nghệ

"Tàu ngầm Made in Vietnam" quyết không thử nghiệm "chui"

05/05/2014, 15:41

Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết dù được nhiều lời mời thử nghiệm của nhiều địa phương nhưng sẽ làm theo hướng dẫn từ kết luận của UBND tỉnh Thái Bình.

Tàu ngầm Trường Sa sau khi thử nghiệm thành công vào trung tuần tháng 3/2014 ở hồ rộng gần 3ha tại Thái Bình, tàu hoạt động tốt không phải sửa chữa gì. Chủ nhân của chiếc tàu ngầm đã "khoác áo" mới để chờ được thử nghiệm ở biển.

Ông Hòa đã cùng với đội kỹ sư sơn lại màu tàu ngầm Trường Sa trong vòng 2 ngày. Loại sơn ông Hòa sử dụng là loại sơn chuyên dụng dành cho tàu đi biển. “Tôi dùng loại sơn này chỉ với mục đích để tàu ngầm không bị tác động bởi môi trường nước mặn khi đem ra biển”, ông Hòa nói.

Chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa thông tin thêm, sau lần thử nghiệm ở hồ, tàu ngầm đã không phải sửa chữa gì thêm. Hiện tại, tàu ngầm đã sẵn sàng ra biển và chỉ chờ sự đồng ý từ cơ quan chức năng.

nn
Tàu ngầm thử nghiệm thành công tại hồ ngày 28/3

Đợt lễ 30/4, 1/5 vừa qua, chủ nhân của tàu ngầm rất mong muốn cơ quan chức năng cho phép thử nghiệm tại biển. “Tôi mong rằng được thử nghiệm vào dịp 30/4, 1/5 này. Không phải vì nó là ngày nghỉ lễ, mà đơn giản vì đây là những ngày lịch sử, đầy ý nghĩa. Nếu trong ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4, tôi có thể bày tỏ được khát vọng của mình với Tổ quốc cũng như sự tri ân với thế hệ đi trước" - ông Hòa mong muốn.

Được biết, trong chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình ngày 25/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Thị Hải đã đưa ra 4 điểm kết luận. Trong đó, điểm 1 và 2, tỉnh hoan nghênh tinh thần và việc làm của ông Hòa, tuy nhiên kế hoạch thử nghiệm chưa hợp lý, vì thế không đồng ý.

Điều đáng lưu ý, tại điểm 3, tỉnh Thái Bình ra chỉ thị giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở GTVT, Sở KHCN, Sở TNMT, Sở Công thương và các sở ngành liên quan hướng dẫn ông Hòa hoàn thiện thủ tục xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo điều kiện thử nghiệm. Đồng thời, đề nghị Bộ Tư lệnh Hải quân vùng I cho được thử nghiệm tại Viện Kỹ thuật Hải quân.

Như vậy, ông Hòa sẽ phải làm lại kế hoạch thử nghiệm và được sự chấp thuận, đồng ý của một loạt các Sở kể trên. Và tàu ngầm Trường Sa, từ một tàu dân sự sẽ phải được sự hướng dẫn của những cơ quan quân sự.

Trong khi đó, quan điểm của phía quân đội với tàu ngầm mini tự đóng này, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam cho biết, rất ủng hộ doanh nhân Hòa nghiên cứu chế tạo tàu ngầm Trường Sa 01.

Cụ thể, Bộ Quốc Phòng đã cử 2 đoàn công tác của Quân chủng về Thái Bình để đóng góp ý kiến cho ông Hòa trong quá trình đóng và thử nghiệm tàu ngầm. Nhưng theo Đô đốc Hiến, Trường Sa 01 không phải là một con tàu quân sự nên việc thử nghiệm nó nên giao cho một cơ quan dân sự, có thể là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Ông Nguyễn Quốc Hòa cho biết dù được nhiều lời mời thử nghiệm của nhiều địa phương nhưng sẽ làm theo hướng dẫn từ kết luận của UBND tỉnh Thái Bình.

Trao đổi với phóng viên Báo Đất Việt mới đây (3/5), ông Nguyễn Quốc Hòa, chủ nhân của tàu ngầm Trường Sa cho biết mọi kế hoạch thử nghiệm với con tàu lúc này đều phải dừng lại.

Ông Hòa cho biết: “Tất cả mọi kế hoạch với con tàu có lẽ phải gác lại, trước mắt, tôi cứ làm theo những gì trong bản kết luận của UBND tỉnh Thái Bình hướng dẫn”.

Trước đó, doanh nhân Đào Hồng Tuyển, Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu gợi ý đưa tàu ngầm ra thử nghiệm trong cảng du thuyền tại Khu du lịch Tuần Châu.

Tuy nhiên, ông Hòa chia sẻ: “Đành phải từ từ đã. Bởi chưa được cấp phép thử nghiệm, tôi chẳng thể làm gì được, mang sang tỉnh nào cũng là thử nghiệm chui, và phải chịu trách nhiệm trước luật pháp. Ngoài ra, để thử nghiệm, tôi còn phải lo cho những biện pháp an toàn của con tàu và bản thân tôi, cứu hộ cứu nạn… Đồng thời phải khảo sát lại vùng biển tại khu vực thử nghiệm, tất cả đều phải cân nhắc và mất thời gian. Quan trọng hơn, tôi cần phải được cho phép đã”.

P.Vy (tổng hợp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.