Đô thị

Taxi “đói khách” sau gần một tháng tái khởi động, gỡ khó cách nào?

08/11/2021, 14:00

Gần 1 tháng tái khởi động sau thời gian dài giãn cách, loại hình vận tải khách bằng taxi ở Hà Nội vẫn rất ít khách, sản lượng chỉ đạt 25 - 30%.

Tài xế ngao ngán vì vắng khách, thường xuyên chạy “rỗng”

Có mặt tại BX Giáp Bát những ngày đầu tháng 11, hình ảnh PV chứng kiến là hàng chục lái xe thuộc hãng Taxi Group tụ tập tán gẫu “đốt” thời gian thay vì cấp tập phục vụ hành khách như thời điểm trước dịch.

img

Lái xe taxi ngán ngẩm vì không có khách trong nhiều giờ chờ đợi

“10 xe trực chờ từ 6h nhưng đến 9h30 mới có một xe “bắt” được khách. Xe liên tỉnh èo uột, taxi cũng “đói ăn”, ngày cao điểm chỉ chạy được 6 - 7 cuốc ngắn (50.000 - 80.000 đồng/chuyến), chủ yếu là người di chuyển đến bệnh viện”, anh Lập, một lái xe taxi chia sẻ.

Cũng theo tài xế Lập, nếu bến xe quá ít khách, anh em tài xế sẽ di chuyển lên phố vào giờ nghỉ trưa để tìm khách, chấp nhận chạy những cuốc ngắn chỉ 1 - 2km (20.000 - 30.000 đồng/chuyến) để gỡ gạc.

Tại khu vực BX Mỹ Đình cũng thường xuyên có tới 25 - 30 chiếc xe taxi đủ các hãng trực sẵn ở điểm chờ khách. Nhiều lái xe tìm đủ mọi cách để “câu” thêm khách, thậm chí vào tận trong bến chờ xe khách về để chèo kéo.

Anh Nguyễn Văn Hùng, lái xe hãng taxi Mỹ Đình cho biết, vợ chồng anh có 2 con nhỏ và bố mẹ già yếu đều đang nằm viện nên cuộc sống rất khó khăn.

Gần một tháng nay, dù được tái hoạt động sau dịch Covid-19 nhưng thu nhập “bập bõm”, chỉ khoảng 4.000.000 đồng/tháng.

“Nhiều đồng nghiệp của tôi trước cũng lái taxi nhưng do thu nhập quá thấp hiện đã nghỉ. Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, nhiều người dân Hà Nội còn “e dè” khi sử dụng phương tiện công cộng nên hoạt động của taxi còn ảm đạm. Nếu kéo dài, chắc tôi cũng phải tìm việc khác để tăng thu nhập”, anh Hùng chia sẻ.

Không chỉ ở bến xe, trực tiếp qua những khu vực tập trung đông người như các cơ quan, bệnh viện, điểm ăn uống… PV đều chứng kiến những chiếc xe taxi tập kết trong cảnh vắng khách.

Đơn cử tại khu vực Bệnh viện Bạch Mai, nơi nhiều lái xe taxi từng “sứt đầu, mẻ trán” do tranh nhau chỗ đỗ, nhưng quan sát 30 phút trôi qua cũng chỉ có duy nhất 2 hành khách chọn đi taxi.

Đang chờ người thân đến đón sau khi vừa khám ở Bệnh viện Bạch Mai, chị Hoàng Thị Hồng (quận Cầu Giấy) cho biết, trước đây mình thuê taxi để đi kiểm tra định kỳ ở bệnh viện.

“Tuy nhiên, hệ miễn dịch kém lại đang có bệnh nền nên giờ không dám đi taxi vì sợ dịch, phải nhờ em trai đưa đón”, chị Hồng cho hay.

Doanh nghiệp taxi tính tăng giá cước để bù chi phí

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, sau khi Hà Nội cho phép loại hình taxi được phép hoạt động trở lại sau dịch Covid-19, người dân có thêm lựa chọn phương tiện đi lại.

Tuy nhiên, sau gần một tháng, taxi rất vắng khách, lượng khách chỉ đạt 25 - 30% so với thời điểm chưa dịch. Nguyên nhân do người dân hạn chế ra đường, nhiều cơ quan, ban ngành vẫn áp dụng làm việc online tại nhà.

Ông Hùng cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp taxi đang thiếu hụt lao động do đợt dịch kéo dài, lái xe chuyển sang làm việc khác.

Hiện, doanh nghiệp taxi cũng chỉ hoạt động cầm chừng. “Hà Nội tới đây có cho phép hoạt động 100% công suất, các doanh nghiệp taxi vẫn không đủ nhân lực phục vụ hành khách”, ông Hùng cho hay.

Cùng đó, giá xăng dầu vừa qua tăng kỷ lục gần 1.500 đồng/lít xăng nên người lao động lo ngại đi làm không có công nên nhiều người xin tạm nghỉ.

Tâm lý hành khách cũng ngại xăng tăng, taxi sẽ điều chỉnh giá cước cao nên càng ngại sử dụng.

“Hiệp hội đang tính toán điều chỉnh giá cước cho phù hợp, nhưng cũng đang phải cân nhắc kỹ vì lo ảnh hưởng đến thị trường.

Bởi người quyết định thị trường là khách hàng chứ không phải doanh nghiệp. Điều chỉnh giá cước lên cao khách hàng không đi, không điều chỉnh thì lái xe không có thu nhập”, ông Hùng nói.

Ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Công ty CP Quản lý G7 Taxi (Taxi G7) cho biết, dù đa phần lái xe đều đủ điều kiện hoạt động, tiêm 2 mũi vaccine, phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhưng tình trạng chung các xe taxi đều vắng khách, nhu cầu sử dụng của hành khách ít chỉ đạt khoảng 30% so với thời điểm trước.

“Giá xăng dầu trên thế giới và trong nước liên tục tăng, doanh nghiệp cũng đang tính toán điều chỉnh giá cước để bù chi phí. Tuy nhiên, chúng tôi đang cân nhắc rất kỹ, dự kiến tăng khoảng 30 - 40% trên tổng giá thành xây dựng cho từng loại xe”, ông Quân chia sẻ.

Cũng theo ông Quân, các doanh nghiệp taxi cũng đang chủ động có nhiều giải pháp linh hoạt để sớm trở lại bình thường như: Đẩy mạnh tác phòng, chống dịch cho lái xe, hành khách; tập trung tìm kiếm các nguồn khách từ việc liên kết với các cơ quan, công ty.

Đồng thời, kiến nghị với cơ quan chức năng để lái xe sớm tiếp nhận gói hỗ trợ từ Chính phủ đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp.

Tiếp tục tăng cường phòng dịch Covid-19 trên taxi

Ông Đào Việt Long, PGĐ Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở GTVT sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp taxi để sớm ổn định trở lại.

Hiện nhiều quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều có các ca nhiễm trong cộng đồng nên hành khách vẫn mang tâm lý lo ngại khi sử dụng xe taxi.

“Chúng tôi đang kiến nghị Thành phố có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp, lái xe taxi để tiếp tục phục vụ nhu cầu của hành khách.

Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp taxi tăng cường công tác phòng, chống dịch lên hàng đầu.

Hành khách đang mang tâm lý lo ngại dịch bệnh, nên phải để khách thấy yên tâm khi sử dụng taxi bằng các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19”, ông Long cho hay.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.