Xã hội

“Tay dao vàng” của ngành GTVT

18/02/2015, 08:28

Chuyên môn y khoa có thể học trên sách vở nhưng tâm hồn và tấm lòng thầy thuốc phải học nhiều ở ngoài đời.

202
Bác sỹ Tuấn Anh

Bác sỹ Bùi Sỹ Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Ngoại B1 Bệnh viện GTVT Trung ương - một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2014 mở đầu câu chuyện của mình như thế.

Con nhà tông

Sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ đều làm ngành Y, dược tỉnh Yên Bái, từ nhỏ, hình ảnh chiếc áo blouse trắng đã quá gần gũi, thân quen với Tuấn Anh. Tình yêu nghề cũng từ đấy mà nên. “Nhà ở trong khu tập thể cán bộ ngành Y, dược của tỉnh, từ nhỏ tôi đã quá quen thuộc với màu áo blouse trắng. Tôi rất yêu thích nghề y nên học xong cấp III, tôi quyết định thi vào Đại học Y khoa”, anh kể.

Từ khi còn trên giảng đường đại học, Tuấn Anh đã có mặt trong nhiều chuyến tình nguyện vùng sâu, vùng xa. Khi ra trường, trở về Hà Nội làm việc, để trau dồi nghề nghiệp và y đức, anh càng đi nhiều hơn. Tất cả cũng đều vì tình yêu với nghề, mong muốn được khám chữa bệnh, được cống hiến bằng tất cả sức lực, nhiệt huyết. Dấu chân chàng bác sỹ trẻ này in khắp các bản làng nơi vùng cao Tây Bắc, nơi các khu công nghiệp và chế xuất có những công nhân nghèo, nơi các xóm, làng quê hẻo lánh để tổ chức các chương trình tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí...

"Bác sỹ trẻ Tuấn Anh là một trong những cán bộ có tay nghề vững, rất tận tâm với nghề. Anh cũng được CBCNV bệnh viện tín nhiệm, là cán bộ nguồn có thể đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo của bệnh viện cũng như của Cục Y tế GTVT”.

Bác sỹ Trần Trung
Giám đốc Bệnh viện GTVT Trung ương

“Đến nhiều bản làng, thấy người dân nghèo còn “ngơ ngác” về sức khỏe của mình mà thương họ vô cùng. Nhiều người bệnh nặng lắm rồi, vẫn chẳng hề biết. Có những người mắc bệnh đơn giản lại “không biết đường”, đi nghe và chữa khắp nơi nên tốn kém công sức và thời gian”, bác sỹ Tuấn Anh tâm sự.

Thường sau những buổi đi về từ vùng sâu, vùng xa, người bác sỹ trẻ hay ghi nhật ký về những con người anh từng gặp. “Những ngày nghỉ, rảnh rỗi, tôi rất thích ngồi lần giở những kỷ niệm đó ra ngẫm nghĩ. Thấy mình thật hạnh phúc và càng quý những giây phút đến với cộng đồng”, anh nói.

“Bố tôi nhiều lần nói, chuyên môn y khoa con có thể học trên sách vở, kinh nghiệm những người đi trước, nhưng tâm hồn và tấm lòng thầy thuốc phải học nhiều ở ngoài đời. Con cứ đi sẽ thấy quanh mình còn rất nhiều người khổ, từ đó càng thấu hiểu về giá trị việc mình làm, đồng thời hiểu thêm những việc gì mình nên hoặc cấm kỵ không làm”, bác sỹ Bùi Sỹ Tuấn Anh mở đầu câu chuyện của mình như thế.

Trẻ tuổi, già nghề

Nói về tay nghề của vị bác sỹ từng được vinh danh là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu 2014, bác sỹ Nguyễn Đức Duy, người thường xuyên đồng hành trong kíp mổ với bác sỹ Tuấn Anh nhận xét: “Đồng nghiệp và bệnh nhân đều khen Tuấn Anh có chuyên môn cao trong phẫu thuật mổ cắt dạ dày ở Bệnh viện GTVT Trung ương. 29 tuổi, Tuấn Anh đã là một phẫu thuật viên chính, đứng mổ những ca bệnh phức tạp. Anh luôn điềm đạm, cẩn thận trong từng ca mổ”.

Chia sẻ với tôi, bác sỹ Tuấn Anh cho biết, đến giờ anh không nhớ mình đã mổ và điều trị cho bao nhiêu ca bệnh. “Những người mắc bệnh về ổ bụng phải mổ thường là khó khăn, ít có điều kiện thăm, khám sau phẫu thuật định kỳ. Vì thế tôi luôn tâm niệm làm hết sức, tốt nhất có thể. Đã là phẫu thuật viên, khi cầm dao mổ, ca nào cũng là ca quan trọng, khi phẫu thuật đều không cho phép mình được sai sót”.

Nhiều đồng nghiệp và bệnh nhân kể, bác sỹ trẻ Tuấn Anh thường nhớ rất lâu về các bệnh nhân của mình, dù mới vài ngày hay đã cả chục năm không gặp. Nhiều lần anh tình cờ gặp lại bệnh nhân đã ra viện ngoài đường, họ chào, anh đã nhớ họ mổ ca nào rồi. “Có lần hai vợ chồng về quê, đang ngồi chờ ở ga, tự nhiên có một đồng chí kiểm soát vé đến chào và đưa cho hai chai nước. Định thần, tôi nhớ ngay ra đây chính là bệnh nhân mình từng mổ cắt túi mật. Bao nhiêu năm sau, họ vẫn nhớ mình và mình vẫn còn nhớ họ, thế là vui lắm rồi. Chính từ những niềm vui như thế mà tôi thấy yêu nghề hơn”, bác sỹ Tuấn Anh chia sẻ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.