Hạ tầng

TCT Đường sắt sẽ chỉ kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt

01/10/2014, 16:51

Tổng công ty Đường sắt VN đang xây dựng Đề án Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

Ông Nguyễn Văn Doanh
Ông Nguyễn Văn Doanh

Với vai trò Cục Quản lý Nhà nước về đường sắt, ông đánh giá thế nào về Đề án Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt mà VNR đang xây dựng?


Tách bạch hạ tầng và vận tải, phân định rõ giữa nhiệm vụ quản lý Nhà nước và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là nguyên tắc đã được quy đinh tại Luật Đường sắt. Theo đó, các doanh nghiệp khối vận tải đường sắt sẽ được cổ phần hóa, chuyển đổi hình thức sở hữu từ Nhà nước sang tư nhân với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh của dịch vụ vận tải đường sắt, dành lại thị phần tương xứng với vai trò của phương thức vận tải đường sắt. Sau khi xã hội hóa dịch vụ vận tải đường sắt, VNR sẽ phải thay đổi như thế nào? Đề án thành lập Tổng công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ phải giải đáp được câu hỏi trên.

Như vậy trong tương lai VNR sẽ là Tổng công ty kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt?


Đúng vậy, VNR sẽ chỉ tập trung vào kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Hiện nay, VNR có hai công ty vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn. Theo kế hoạch năm 2015 sẽ hoàn thành việc cổ phần hóa. Phần còn lại của VNR sẽ phải tổ chức lại, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt sẽ là nhiệm vụ trọng tâm. VNR khai thác kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư và giao cho VNR quản lý, kinh doanh. Cùng đó, VNR phải tự huy động vốn thương mại để tự đầu tư kết cấu hạ tầng để kinh doanh, thay vì phụ thuộc tất cả vào ngân sách như hiện nay.


Lợi nhuận của VNR phụ thuộc vào việc tổ chức lại bộ máy quản lý gọn nhẹ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm hoạt động có hiệu quả. Bộ GTVT đang chỉ đạo VNR nghiên cứu phương án tổ chức lại bộ máy và tái cơ cấu VNR theo định hướng trên.

VNR có quyền cho thuê, bán khoán, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắtẢnh: X.Đoàn
VNR có quyền cho thuê, bán khoán, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt


Nhiều ý kiến nghi ngại rằng, các công ty vận tải sẽ phải phụ thuộc VNR?


Các Công ty vận tải đường sắt hoàn toàn không phụ thuộc vào VNR. Khi Nhà nước đã đầu tư và giao cho VNR quản lý, khai thác hạ tầng, đồng thời Nhà nước sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp theo nguyên tắc không phân biệt đối xử. Dù VNR quản lý kết cấu hạ tầng nhưng Nhà nước sẽ quy định việc phân bổ biểu đồ chạy tàu, dịch vụ hỗ trợ vận tải tại các nhà ga không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp kể cả doanh nghiệp vận tải tư nhân.


Nhà nước giao cho VNR khai thác hạ tầng, đương nhiên sẽ phải đặt chỉ tiêu về doanh thu. Từ đó VNR phải tìm mọi cách để có khách hàng, càng nhiều đoàn tàu chạy trên đường ray của VNR thì doanh thu càng lớn. Dịch vụ của VNR mà tốt và thuận tiện để vận chuyển, khách hàng sẽ tìm đến. Các công ty cổ phần vận tải lúc này hoạt động độc lập, buộc phải tìm mọi cách nâng năng lực cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, hạ giá thành vận tải để tìm kiếm và thu khách hàng. Cuối cùng người hưởng lợi là người dân được thụ hưởng dịch vụ vận tải đường sắt chất lượng cao, giá rẻ và sức ép ngân sách Nhà nước tài trợ cho ngành Đường sắt giảm dần.

Cảm ơn ông!

Thiện Anh (Thực hiện)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.