Đường bộ

Tham gia giao thông dịp Tết cần lưu ý gì?

02/02/2022, 07:59

Lực lượng chức năng sẽ tăng cường xử lý vi phạm nên người dân tham gia giao thông dịp Tết cần hết sức chú ý.

Để bảo đảm trật tự, ATGT trong dịp Tết và Lễ hội xuân 2022, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự, ATGT từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/02/2022.

Trong thời gian này, lực lượng CSGT tại các địa phương sẽ đẩy mạnh việc ra quân tuần tra để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Người dân khi đi đường cần chú ý và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về giao thông.

img

Nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng nặng mà lái xe dịp Tết cần chú ý để tránh bị phạt - Ảnh minh họa

Ngoài việc xử phạt vi phạm, Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định về giao thông và phòng chống Covid-19 khi đi đường với những nội dung như: Đã uống rượu, bia - không lái xe; không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn; đeo khẩu trang khi tham gia giao thông.

Mọi hành vi vi phạm giao thông nếu bị phát hiện thì đều bị xử phạt vi phạm.

Theo Công điện của Thủ tướng, trong đợt cao điểm tuần tra giao thông dịp Tết này, CSGT sẽ tập trung kiểm tra để phát hiện và xử lý đối với các lỗi như không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ, chở quá số người quy định. Rất nhiều hành vi vi phạm được tăng nặng mức xử phạt quy định tại Nghị định 123/2021 vừa được Thủ tướng ban hành.

Bà Hoàng Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Nghị định 123/2021 vừa được Chính phủ ban hành chỉ sửa đổi, bổ sung một số hành vi để phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính. Mức phạt một số hành vi vi phạm chưa điều chỉnh tại Nghị định 123 nên vẫn thực hiện theo Nghị định 100/2019.

Nghị định 123 quy định: Người đi xe máy, xe máy điện, xe đạp điện hoặc người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm nhưng cài quai không đúng quy cách sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.

Còn theo Nghị định 100/2019, chỉ cần có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc trong máu, người điều khiển phương tiện sẽ bị xử phạt vi phạm. Tùy vào phương tiện và mức độ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở mà mức phạt với người vi phạm sẽ là khác nhau.

Người điều khiển ô tô sẽ bị phạt từ 6 - 40 triệu đồng tùy theo mức độ vi phạm. Người điều khiển xe máy sẽ bị phạt từ 2 - 8 triệu đồng. Từ 3 - 18 triệu đồng đối với xe máy chuyên dùng, máy kéo. Người đi xe đạp cũng sẽ bị phạt từ 80.000 - 600.000 đồng nếu vi phạm nồng độ cồn.

Theo Nghị định 100/2019, khi điều khiển phương tiện mà trong người có chất ma túy, người điều khiển xe ô tô bị xử phạt từ 30 - 40 triệu đồng, xe máy từ 6 - 8 triệu đồng.

Đối với hành vi vi phạm tốc độ, tùy thuộc vào tốc độ vượt quá và phương tiện vi phạm, người điều khiển ô tô có thể bị phạt từ 800.000 - 12 triệu đồng theo Nghị định 100/2019. Người đi xe máy bị phạt từ 300.000 - 5 triệu đồng. Riêng với xe máy kéo, xe máy chuyên dùng đã được nâng mức phạt từ 400.000 - 5 triệu đồng theo Nghị định 123/2021 sửa đổi bổ sung Nghị định 100/2019.

Hành vi chở quá số người quy định, tùy theo từng loại, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt từ 400.000 - 2 triệu đồng/người vượt quá nhưng tổng mức phạt tối đa là 70 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định 123/2021 cũng xử phạt hành vi đua xe trái phép từ 10 - 20 triệu đồng, tùy vào loại phương tiện vi phạm.

Liên quan đến nâng giá vé xe khách, Nghị định 100/2019 xử phạt người điều khiển phương tiện từ 600.000 - 800.000 đồng trong trường hợp tự ý thu giá vé xe khách cao hơn quy định, phụ xe bị phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.