Xã hội

“Tham nhũng vặt” trở nên phổ biến

06/01/2016, 07:00

“Nếu nói về tham nhũng thì có lẽ vấn đề bây giờ là làm sao đưa ra được những giải pháp đột phá”.

11-0639
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt.

Quan điểm trên được Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt, đại diện Thanh tra Chính phủ đưa ra khi phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, tổ chức tại Bộ Công thương, sáng 5/1.

“Bôi trơn”, “tham nhũng vặt” gây bức xúc

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói trước đó về tình trạng “tham nhũng vặt” trở nên phổ biến, ông Đạt cũng cho biết, kể từ khi Cục Chống tham nhũng công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân có thể gọi điện phản ánh, trong đó có hai số điện thoại cá nhân của ông trực tiếp nhận các cuộc gọi từ người dân thì đa số đều bày tỏ thái độ bức xúc trước tình trạng "bôi trơn" và "tham nhũng vặt". “Tính đến nay đã có hơn 300 cuộc gọi phản ánh về tình trạng tham nhũng, nhưng việc tố cáo tham nhũng ở các dự án lớn chưa thấy đâu, mà đa số dân bức xúc về tình trạng "bôi trơn", "tham nhũng vặt”, ông Đạt thông tin.

Theo ông Đạt, nhằm giúp cơ quan chức năng có tư liệu về tình trạng tham nhũng để căn cứ vào đó làm cơ sở xử lý, rất cần các Bộ, ngành, địa phương báo cáo, đề xuất các giải pháp, đặc biệt với những giải pháp đưa ra thì xem giải pháp nào cần thiết, giải pháp nào không áp dụng được nữa, cần sửa đổi, bổ sung thế nào.

“Tôi lấy ví dụ như biện pháp cấm tặng quà Tết, và nếu nhận quà trị giá trên 500 nghìn đồng phải khai báo. Đã đến lúc chúng ta đánh giá giải pháp này có thực sự khả thi không? Việc khai báo nhận quà Tết trị giá 500 nghìn đồng liệu có thiết thực? Hay có người tặng nhau cây cảnh trị giá cả tỷ bạc thì chúng ta tính sao?”, ông Đạt băn khoăn và nhận định, thực tế những năm qua, việc tổng kết tặng và nhận quà Tết trái quy định vẫn không thực tế.

Theo ông Đạt, qua đánh giá của các tổ chức quốc tế và các điều tra xã hội học, xếp hạng tham nhũng của Việt Nam vẫn ở mức cao, vì chúng ta dễ dàng ban hành các chính sách, xong thực hiện chính sách ấy ra sao lại là cả một vấn đề.

Kê khai tài sản không thực chất

Liên quan đến vấn đề kê khai tài sản, ông Đạt cho biết: “Tôi đã từng sang Nga và được biết, nước Nga rộng lớn như vậy nhưng chỉ có khoảng một vạn người thuộc diện kê khai tài sản. Vậy mà ở một đất nước nhỏ bé như Việt Nam chúng ta, đối tượng kê khai tài sản lại lớn gấp 10 lần, như vậy thì làm sao hiệu quả được. Đã kê khai tài sản thì phải công khai kết quả, phải kiểm duyệt, đây chúng ta kê xong toàn bỏ trong hòm kín, có “lệnh” mới bỏ ra xem.

Về việc phát hiện tham nhũng, theo ông Đạt, cần có các cơ quan, ủy ban phát hiện và xử lý tham nhũng như các nước, bao gồm cả các cơ quan T.Ư và địa phương. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn về vấn đề này như Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an… phải quy về một đầu mối chứ không thể tản mát như hiện nay. “Chúng ta cần xem xét kỹ việc phát hiện tham nhũng, phải kiểm toán, thanh tra, nếu có dấu hiệu tham nhũng thì chuyển sang điều tra ngay.

Tuy nhiên, thanh tra chúng ta tiến hành nhiều mà hiệu quả chưa đến đâu. Thanh tra mới chỉ phát hiện dấu hiệu sai phạm chứ chưa kết luận tham nhũng. Cần chú ý rằng, tham nhũng thường xuất hiện ở những người có chức có quyền chứ nông dân chẳng bao giờ tham nhũng cả”, ông Đạt nói.

Phát hiện vi phạmhơn 97,4 nghìn tỷ đồng

Sáng 5/1, Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác thanh tra năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2016 đã được tổ chức tại Hà Nội. Đến dự và phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực cố gắng và thành tích của ngành Thanh tra trong năm 2015.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Thanh tra triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác thanh tra theo đúng định hướng và kế hoạch thanh tra năm 2016; Tập trung theo hướng tiếp tục tăng cường thanh tra trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước của các cấp, các ngành; Chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thanh tra lại theo đúng quy định pháp luật.

Trong năm 2015, toàn ngành đã triển khai 6.527 cuộc thanh tra hành chính và 243.661 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; Phát hiện vi phạm 97.423 tỷ đồng, 16.457 ha đất; Trong đó, kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước 82.104 tỷ đồng và 6.714 ha đất (đã thu hồi 16.223 tỷ đồng, 316 ha đất); Kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.683 tập thể; Ban hành 161.633 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 11.460 tỷ đồng; Chuyển CQĐT xử lý hình sự 67 vụ, 74 đối tượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.