Tài chính

Thành quả tăng trưởng ấn tượng đến từ đâu?

27/04/2022, 06:00

Quý I/2022, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá ấn tượng, lọt top các nước có mức tăng trưởng cao.

Thành quả này có được là nhờ chính sách nhanh nhạy và điều chỉnh linh hoạt, kịp thời của Chính phủ.

img

GDP quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021

Niềm tin của người dân, doanh nghiệp

Tổng cục Thống kê vừa công bố mức tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ 2021.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%.

Khu vực dịch vụ tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại…

Kết quả này tạo đà tăng trưởng cho những quý tiếp theo của năm 2022.

Đánh giá về các kết quả kinh tế quý I, PGS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân bày tỏ ấn tượng với sự phục hồi có tính khá toàn diện của nền kinh tế.

“Tăng trưởng không chỉ ở chỉ số GDP mà còn ở các lĩnh vực trụ cột như công nghiệp, xuất khẩu.

Hay số doanh nghiệp tái nhập thị trường cao, vốn đầu tư mới tăng nhanh, kể cả vốn tăng thêm cũng có tỷ lệ cao”, ông Cường nói.

Khi phân tách các ngành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương đặc biệt nhấn mạnh đến sản xuất công nghiệp.

Quý I/2022, lĩnh vực này khởi sắc khi các doanh nghiệp chủ động hơn về lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn để phục hồi, mở rộng sản xuất.

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 3 khá sôi động, còn hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa hồi phục mạnh với tổng kim ngạch 176,35 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ 2021.

Riêng với kiểm soát lạm phát, bà Hương nhìn nhận đây là kết quả đáng ghi nhận trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang gánh chịu cơn “bão giá” chưa từng có trong vài chục năm qua.

Phân tích động lực của tăng trưởng, PGS. TS. Hoàng Văn Cường cho hay, tác động của chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khá bền vững.

Đặc biệt chính sách giãn, hoãn các khoản nghĩa vụ thuế giúp doanh nghiệp giảm bớt được gánh nặng.

Bên cạnh đó là chính sách tài chính tiền tệ, trong đó gói kích thích kinh tế mới được Chính phủ thông qua phát huy tác dụng.

Điển hình là giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% nhiều mặt hàng đã đi ngay vào cuộc sống, kích thích tiêu dùng.

“Một yếu tố nữa là niềm tin của người dân và doanh nghiệp.

Niềm tin này có được trên cơ sở các cam kết của Chính phủ và sự đồng hành của Chính phủ.

Trên cơ sở đó, họ đã đầu tư thêm các nguồn lực cho sản suất, kinh doanh”, ông Cường phân tích.

Trước mặt còn khó khăn

Mặc dù kinh tế quý I đạt được những thành quả rất tích cực, song theo PGS. TS. Hoàng Văn Cường, kết quả này vẫn chưa thể so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Tăng trưởng hơn 5% trong quý I/2022 chưa phải là quá cao, quá ấn tượng nhưng nhìn vào bức tranh kinh tế thế giới thì con số này cũng thuộc top những nước cao nhất.
Có được thành quả này là do Chính phủ sớm ban hành những quyết sách nhằm “chung sống, thích ứng an toàn với Covid-19”. Chính việc kiểm soát được dịch bệnh cũng là yếu tố quan trọng để nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng rót vốn vào Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 4,42 tỷ USD trong quý I/2022, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức cao nhất của quý I trong 5 năm qua.

GS. TS. Đinh Trọng Thịnh


Ông cho hay, trước đại dịch có những năm tăng trưởng kinh tế của quý I rất cao, như năm 2019 là 6,85%, năm 2018 là 7,38%.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tại Học viện Tài chính, năm 2022 các nền kinh tế trên thế giới vẫn phải đối mặt với nhiều cú sốc khi giá nhiên liệu (xăng, dầu), nguyên liệu đầu vào liên tục tăng phi mã, có mặt hàng tăng giá đến 30 - 40%.

“Không những vậy, biến chủng của Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Rồi những bất ổn do xung đột, do dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ phát triển kinh tế của toàn cầu, Việt Nam cũng không nằm ngoài sự tác động đó”, ông Thịnh nói và cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6- 6,5% cả năm 2022 là một thách thức lớn.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, động lực tăng trưởng thời gian tới sẽ đến từ các ngành thế mạnh như: Nông nghiệp, công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến do cầu thế giới tăng và thị trường được khôi phục.

Bên cạnh đó, các ngành bán buôn, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, vui chơi, giải trí sẽ có lực tăng trưởng cao trong năm do suy giảm âm hơn 1 năm qua và chính sách mở cửa thị trường du lịch...

“Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ sớm khôi phục cầu sản xuất, đầu tư và tiêu dùng trong nước từ đó thúc sản xuất phát triển”, bà Hương nhận định.

Thúc đẩy giải ngân đầu tư công

PGS. TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, điều cần phải làm lúc này là Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt mở cửa nền kinh tế; quyết liệt cắt bỏ các biện pháp hành chính gây cản trở doanh nghiệp, giúp tập trung nguồn lực cho phục hồi.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ trong chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và các gói hỗ trợ.

“Với hệ thống ngân hàng, chú ý gói hỗ trợ lãi suất 2% phải thay đổi phương thức triển khai khi doanh nghiệp đang tăng cường nguồn lực và có nhu cầu vốn lớn.

Cần mở rộng danh sách các ngân hàng được tham gia, thay đổi phương thức kiểm soát dòng tiền cho vay theo phương án kinh doanh chứ không phải theo biện pháp truyền thống như phải có tài sản bảo đảm, không có nợ đọng, nợ xấu”, ông Cường góp ý.

Đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố vốn đầu tư công, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh đề nghị phải có giải pháp bảo đảm giải ngân hết 100% số vốn đầu tư công được giao. Bởi đây sẽ là yếu tố tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một trong những yếu tố khiến cho tăng trưởng của quý I/2022 chưa đạt được như kỳ vọng một phần là do giải ngân đầu tư công vẫn thấp, chỉ đạt hơn 11%.

Đầu tư công sẽ đóng góp từ 1 - 2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng, vì thế phải có những giải pháp căn cơ để thực hiện việc này.

Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia cũng khuyến nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu nhất là mặt hàng xăng dầu, xây dựng các phương án điều tiết nguồn cung, hạn chế việc tăng giá đột biến nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến lạm phát và đời sống người dân.

Ngoài ra, cần khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh đón mùa du lịch sắp tới.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt 5,3%, sau đó sẽ ổn định lại quanh mức 6,5%.

Tuy nhiên, triển vọng trên còn phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực đang gia tăng.

Đó là tăng trưởng chậm lại ở các đối tác thương mại chính cùng với cú sốc tỷ giá thương mại do ảnh hưởng cuộc chiến Nga - Ukraine và các biện pháp trừng phạt liên quan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.