Chuyện dọc đường

“Thành trì” của bến cóc!

09/04/2021, 06:30

Hai bến cóc 391 và 397 trên đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh ngày càng rộng lớn, bề thế. Vì sao như vậy?

img

Bến cóc 391 vẫn ngang nhiên tồn tại hàng chục năm nay giữa thành phố (Ảnh nhỏ chụp năm 2016 và ảnh lớn chụp năm 2021)

Ngang nhiên hoạt động hàng chục năm nay ngay trước bến xe Miền Đông (TP HCM), hai bến cóc 391 và 397 trên đường Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, quận Bình Thạnh ngày càng rộng lớn, bề thế. Vì sao như vậy? Có ai chống lưng chăng?

TP HCM lúc này lúc nọ, năm này hoặc năm khác, vẫn thường ra quân dẹp xe dù, bến cóc nhưng chẳng bao giờ dẹp được bến… cóc cụ này! Bởi nó là thành trì, là đế chế của bến cóc ở TP HCM - thành phố văn minh, hiện đại bậc nhất cả nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bãi giữ xe 391 có giấy phép do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp tháng 10/2008 (với danh nghĩa công ty); còn bãi giữ xe 397 do UBND quận Bình Thạnh cấp tháng 10/2008 (danh nghĩa cá nhân).

Theo quy định, trách nhiệm chính kiểm tra, xử lý các bến cóc thuộc về lực lượng thanh tra giao thông (TTGT). Nhưng ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng, hoạt động đón trả khách tại hai bến cóc này diễn ra “bên trong trụ sở” nên TTGT không đủ thẩm quyền vào kiểm tra.

Khoảng 5 năm trở lại đây, UBND TP HCM đã nhiều lần chỉ đạo bằng văn bản, giao các quận huyện, địa phương siết chặt quản lý và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng bến cóc hoạt động trên địa bàn.

Mặc dù vậy, UBND quận Bình Thạnh cho biết, tuyến đường Đinh Bộ Lĩnh thuộc địa bàn tuần tra, kiểm soát của Đội CSGT Hàng Xanh. Công an quận chỉ có thể thực hiện chức năng xử lý vi phạm khi có kế hoạch phối hợp của Công an TP hoặc có kế hoạch phối hợp liên ngành với TTGT.

Ngoài ra, theo các quy định về xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô thì chỉ có cơ sở xử phạt người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện hoặc đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm mà không thể xử phạt đơn vị kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (cho thuê xe, bãi giữ xe).

Mặt khác, trong trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động với hình thức vận tải hành khách theo hợp đồng, nếu đơn vị đó ký kết hợp đồng thỏa thuận điểm đón trả khách tại số 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh thì chỉ có thể xử phạt khi có căn cứ xác định việc đón trả khách đó thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày.

UBND quận Bình Thạnh cho rằng, đơn vị kinh doanh đã đối phó bằng cách tổ chức đón trả khách tại bãi xe 391, 397 Đinh Bộ Lĩnh không thường xuyên, nên việc xác định hành vi để xử lý theo quy định là rất khó(?!).

Về việc hai bến xe này lấp sông Sài Gòn (đoạn qua Bình Triệu) để tăng diện tích từ lâu ai cũng biết! Đơn cử, từ năm 2006, sau khi được UBND quận Bình Thạnh cấp quyền sử dụng đất, bãi xe 391 “lớn lên” từng ngày giữa thanh thiên bạch nhật nhưng 13 năm sau (2019), quận mới phát hiện nơi đây bỗng nhiên “thừa” hơn 450m2. Phát hiện được rồi nhưng đến nay đã 18 tháng, quận vẫn chưa rào chắn được phần đất lấn chiếm…

Để dẹp bỏ hai bến lậu này, đã nhiều lần lãnh đạo Thanh tra, lãnh đạo Sở GTVT TP HCM kiến nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM rút giấy phép nhưng chỉ nhận được câu trả lời “không đủ điều kiện để rút giấy phép” từ Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ông Võ Khánh Hưng cho rằng, muốn xóa sổ hai bãi xe trên thì chỉ có cách tước giấy phép kinh doanh. Nhưng để đủ thẩm quyền tước giấy phép thì cần chuyển danh mục kinh doanh bãi xe thành danh mục “kinh doanh có điều kiện”.

“Nếu đây là loại hình kinh doanh có điều kiện thì chúng tôi đã dùng luật để tước giấy phép kinh doanh”, ông Hưng khẳng định.

Và cứ thế, khi cơ quan quản lý nhà nước loay hoay thì các hoạt động vận tải trái phép xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng vẫn thản nhiên diễn ra trước mắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.