Hồ sơ tài liệu

Thế giới toàn cảnh: Tê tái 2015, kỳ vọng gì 2016?

29/12/2015, 08:06

Nội chiến, xung đột tại các "điểm nóng", bị khủng bố tấn công, tiêu diệt IS... khiến bức tranh thế giới ảm đạm.

Nước cờ của Nga tại Syria đã cân bằng cán cân Nga
Nước cờ của Nga tại Syria đã cân bằng cán cân Nga - Mỹ trên trường quốc tế

"Lò lửa" Trung Đông...

Năm nay, khủng hoảng tại Trung Đông, chủ yếu ở Syria, Iraq dần thay thế điểm nóng Ukraine. Nhưng dù ở vấn đề nào, đều không vắng bóng sự can thiệp của Nga, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Trong đó, Nga nổi lên trong vấn đề chống khủng bố, cụ thể là chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) bằng việc thực hiện chiến dịch không kích của Nga tại Syria. Đây là một trong những nước cờ của Nga trong việc lấy lại thế cân bằng quyền lực với Mỹ trên trường quốc tế.

Thực hiện không kích IS tại Syria không chỉ có Nga mà còn có liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu và liên minh Ả-rập. Khi Nga quyết định can thiệp vào cuộc chiến Syria cuối tháng 9, Mỹ đã cảnh báo Nga đang đổ thêm dầu vào lửa ở Syria và “không chuyên nghiệp” khi chỉ thông báo với Mỹ 1 giờ đồng hồ trước khi triển khai chiến dịch không kích. Thế nhưng chỉ vài tuần sau, Nga đã chứng minh hiệu quả của mình bằng những kết quả cụ thể với các mục tiêu của IS tại Syria bị phá hủy. Điều đó không chỉ chứng tỏ khả năng của Nga mà còn chỉ ra sự thất bại của Mỹ.

Trong năm 2016, các chuyên gia nhận định, 3 liên minh chống khủng bố tại Syria sẽ tiếp tục chiến dịch không kích chống khủng bố để theo đuổi những mục tiêu khác nhau tại đây. Nhà quan sát, nhà báo Maurizio Molinari dự báo, khi các bên đều nỗ lực bằng mọi giá đạt được mục tiêu, rất có thể “xuất hiện nguy cơ đụng độ ở tầm lợi ích quốc gia”. 

...Dẫn đến khủng hoảng tị nạn

Bức ảnh em bé bên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ chạm
Bức ảnh em bé bên bờ biển Bodrum, Thổ Nhĩ Kỳ chạm tới trái tim giới chức Châu Âu để quyết định mở cửa biên giới cho người tị nạn

Hệ lụy từ cuộc nội chiến, xung đột cùng khủng bố ngày càng gia tăng và phức tạp tại Syria và Iraq dẫn đến cuộc di cư lớn nhất toàn cầu và là nơi nảy sinh làn sóng khủng bố trên toàn thế giới.

Sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, Iraq, chiếm phần lớn lãnh thổ tại hai nước này để lập thành nhà nước riêng đẩy cuộc sống của người dân tại hai nước vào cảnh khốn cùng. Nghèo đói, chiến tranh, khủng bố buộc người dân tại Syria và Iraq liều mình tìm lối thoát sang Châu Âu, dẫn đến cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu. Làn sóng người di cư ồ ạt từ các nước Trung Đông và Bắc Phi đổ vào châu Âu đã biến thành cuộc khủng hoảng di cư nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, gây ra hậu quả về an ninh, kinh tế - xã hội cho châu Âu và thế giới, đồng thời gây bất đồng về chính sách ứng phó trong nội bộ Liên minh châu Âu.

....Hệ lụy khủng bố

Sự trỗi dậy của IS đẩy thế giới vào nỗi lo ngại kh
Những "tế bào ung thư" khủng bố đang lan rộng ra toàn thế giới

 Cùng với đó, bất ổn xã hội, chính trị tại Syria, Iraq tạo điều kiện cho “những tế bào ung thư” khủng bố IS lớn dần và ngấm ngầm lây lan ra toàn thế giới. Chúng gây ra hàng loạt vụ đánh bom, bắt cóc con tin, xả súng, đặc biệt là các vụ tấn công đẫm máu tại tòa soạn báo Charlie Hebdo (ngày 7/1) và nhà hát Bataclan (ngày 13/11) ở Paris (Pháp), vụ đánh bom máy bay Nga ở Ai Cập (ngày 31/10)..., làm chấn động toàn cầu. Không chỉ vậy, lợi dụng làn sóng di cư, hàng trăm chiến binh thánh chiến trà trộn, "chuồn" vào các nước Châu Âu để thực hiện âm mưu đen tối.

Do đó, có thể nói, vấn đề Trung Đông, người tị nạn và khủng bố làm nóng thế giới năm qua liên quan mật thiết đến nhau. Hiện nay, thế giới đặc biệt là Mỹ và các nước phương Tây luôn trong tình trạng cảnh giác cao, thắt chặt an ninh, chống khủng bố nhưng không thể quên giải quyết gốc rễ của vấn đề đó là làm thế nào để lập lại hòa bình, ổn định, đưa cuộc sống người dân tại các điểm nóng Trung Đông trở lại bình thường.

Thảm họa công nghiệp

Vụ nổ ở Thiên Tân đánh dấu thảm họa công nghiệp tồ
Vụ nổ ở Thiên Tân đánh dấu thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất Trung Quốc

Năm 2015, thế giới tiếp tục chứng kiến hàng loạt thảm hoạ khiến hàng trăm người thiệt mạng, để lại hậu quả nặng nề và buộc giới chức phải nhìn nhận lại cách quản lý như vụ nổ kinh hoàng tại Thiên Tân (Trung Quốc), vụ tai nạn máy bay Germanwing (Đức)….

Vụ nổ kinh hoàng tại Thiên Tân cướp đi sinh mạng của 173 người trong đó có 100 lính cứu hoả, 700 người bị thương, hàng nghìn người mất nhà cửa, đánh dấu thảm hoạ công nghiệp tồi tệ nhất Trung Quốc. Sự kiện ở Thiên Tân cùng nhiều vụ tai nạn khác thời gian gần đây đã phơi bày những vấn đề nghiêm trọng về an toàn lao động – hệ quả của việc “tăng trưởng nóng” ở Trung Quốc. Thảm họa này được coi là dấu hiệu báo trước những nguy cơ từ quả bom nổ chậm Trung Quốc nơi vốn được coi là “công xưởng” của toàn cầu. Qua đây, Trung Quốc phải giật mình nhìn lại, họ không thể mãi tự xưng là động lực của nền kinh tế thế giới trong khi không bảo đảm vấn đề an ninh và an toàn công nghiệp. Năm tới, các chuyên gia kinh tế thế giới cũng khó dự đoán được tình hình kinh tế Trung Quốc nhưng họ biết chắc, Trung Quốc sẽ phải "dọn dẹp" những đống lộn xộn mà những quả "bong bóng" kinh tế nổ tung để lại.

Hiện trường vụ máy bay Germanwing rơi tại Pháp
Hiện trường vụ máy bay Germanwing rơi tại Pháp

Một trong những thảm hoạ khác khiến toàn ngành hàng không Đức nói riêng, Châu Âu nói chung phải chỉnh đốn lại quy định hàng không là vụ tai nạn máy bay Germanwing (Đức) hồi tháng Ba. 150 con người mất cuộc sống chỉ vì phi công thất tình. Điều đáng nói, phi công có tâm lý thất thường, trầm cảm nặng vẫn lên máy bay chót lọt để thực hiện âm mưu tự sát. Vụ tai nạn xảy ra ở một hãng hàng không được coi là uy tín của Đức đã khiến ngành hàng không nước này phải nhìn nhận lại chính sách quản lý nhân sự cấp cao hàng không. Hồi tháng bảy Cơ quan quản lý an toàn hàng không Châu Âu đã đề xuất kiểm tra tâm sinh lý của các phi công mới, kêu gọi thiết lập cơ sở dữ liệu về bệnh án của nhân viên hàng không.

Mới đây, Đức dự kiến đề xuất luật kiểm tra bất kỳ nồng độ cồn và thuốc phiện của phi công, ngăn chặn nguy cơ xảy ra vụ tai nạn Germanwings thứ hai. Với dự đoán, năm 2016, ngành hàng không thế giới sẽ phục vụ lên tới 3,7 tỉ lượt khách, báo hiệu một năm đầy bận rộn trong việc nâng cấp cải tạo, mở rộng cơ sở hạ tầng cũng như nhân lực để đáp ứng nhu cầu. Song song đó, hàng không thế giới không thể lơ là các biện pháp an toàn để tránh những thảm họa nhân tai như Germanwing tiếp diễn.

Điểm sáng hy vọng

Các lãnh đạo vui mừng khi thỏa thuận lịch sử về kh
Các lãnh đạo vui mừng khi thỏa thuận lịch sử về khí hậu được thông qua

Bên cạnh những mảng tối, năm 2015 thế giới đạt được không ít thành tựu quan trọng, được đánh giá sẽ mang đến hy vọng về kinh tế, môi trường và xã hội. Điển hình, lần đầu tiên trên thế giới, hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử với đồng nhất của 195 quốc gia thành viên Công ước khung của LHQ và nhiều điều khoản cam kết mạnh mẽ. Thỏa thuận này đã kết thúc những tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu. 

Lãnh đạo 10 nước ASEAN ra tuyên bố chung về thành
Lãnh đạo 10 nước ASEAN ra tuyên bố chung về thành lập cộng đồng ASEAN

Bên cạnh đó, năm 2015 đánh dấu sự kiện quan trọng của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khi Cộng đồng ASEAN đã ra đời sau 13 năm kể từ khi Hiệp hội đề xuất ý tưởng về cộng đồng chung, ngày 31/12/2015. Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời với 3 trụ cột chính là Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong tiến trình liên kết sâu rộng của ASEAN, hướng tới mục tiêu “Một tầm nhìn – Một bản sắc – Một cộng đồng”. “Sự hình thành của Cộng đồng ASEAN đã tạo ra một dấu mốc trong tiến trình liên kết, đảm bảo hòa bình, an ninh và tự cường dài lâu trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng, và một cộng đồng thu nạp dựa trên ý thức mạnh mẽ về sự gắn kết và bản sắc chung” các lãnh đạo ASEAN hy vọng.

Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ
Bộ trưởng các nước đàm phán TPP tại Atlanta, Mỹ.

Một thỏa thuận quan trọng khác cũng được thông qua trong năm 2015 đó là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. TPP sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do chiếm tới 40% kinh tế và 30% thương mại toàn cầu, và được dự báo sẽ bổ sung cho GDP thế giới thêm gần 300 tỷ USD mỗi năm. Đặc biệt, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số các nước thành viên TPP.

Do đó, TPP mang đến hy vọng sẽ tạo ra một bước nhảy vọt để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.