Hồ sơ tài liệu

Thế giới triển khai “visa vaccine” như thế nào?

27/03/2021, 08:06

Trong khi Trung Quốc và Israel đã triển khai “Visa vaccine” trên diện rộng thì châu Âu chỉ mới đưa ra bàn bạc và Mỹ, Anh còn đang rất nghi ngại.

img

Nhiều nước đã cấp “visa vaccine” tháo gỡ rào cản phòng dịch cho người đã tiêm phòng.

“Visa vaccine” đang là một trong những biện pháp phổ biến mà nhiều quốc gia/khu vực trên thế giới cân nhắc thực hiện với kỳ vọng có thể sớm đưa cuộc sống, hoạt động du lịch trở lại bình thường.

Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc và Israel đã triển khai chương trình này trên diện rộng thì châu Âu chỉ mới đưa ra bàn bạc và Mỹ, Anh còn đang rất nghi ngại.

Mỹ, châu Âu còn nhiều vướng mắc

Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu đề xuất cấp “Giấy chứng nhận xanh điện tử” (còn được biết là visa vaccine) không chỉ với những người đã tiêm phòng Covid-19 mà còn cả với những người có kết quả xét nghiệm âm tính hoặc đã hồi phục sau khi nhiễm virus Covid-19, cho phép người dân di chuyển tự do trong khối 27 quốc gia vào mùa hè tới.

Theo đề xuất, Ủy ban này sẽ chấp nhận tất cả những người đã tiêm phòng các loại vaccine mà Cơ quan Y tế châu Âu đã thông qua, đồng thời mở cửa cho chính phủ các nước thành viên đưa thêm một số loại vaccine của các nước ở ngoài khối như Sputnik V của Nga hay Sinovac của Trung Quốc vào danh sách được cấp thị thực.

EU cũng cam kết sẽ đảm bảo an toàn dữ liệu ở mức cao nhất. Giấy chứng nhận sẽ được cấp qua định dạng điện tử. Châu Âu khẳng định sẽ dừng cấp phép ngay khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố đại dịch Covid-19 chấm dứt.

Sở dĩ châu Âu gấp rút như vậy vì mùa hè sắp tới, như mọi năm, là thời điểm du lịch bùng nổ, kích thích kinh tế. Nếu không sớm có biện pháp hữu hiệu, các quốc gia phụ thuộc vào du lịch tại châu Âu như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp sẽ ảnh hưởng nặng nề.

“Tất cả chúng tôi đều muốn khởi động mùa du lịch mới. Chúng ta không thể để lỡ thêm một mùa hè nữa”, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Vera Jourova chia sẻ trên Đài phát thanh quốc gia của Séc.

Song, kế hoạch xây dựng và cấp phép giấy chứng nhận vaccine đang vấp phải bất đồng sâu sắc giữa các thành viên EU. Một số quốc gia Nam Âu phụ thuộc vào du lịch như Hy Lạp và Tây Ban Nha muốn nhanh chóng hiện thực hóa “visa vaccine” để sớm nới lỏng những quy định đang cản trở khách du lịch như cách ly và bắt buộc tiêm phòng.

Trong khi đó, một số thành viên EU như Pháp lại cho rằng, lúc này còn quá sớm để triển khai visa khi phần lớn công dân châu Âu vẫn chưa được tiếp cận vaccine. Theo dữ liệu từ Trung tâm Ngăn chặn và Kiểm soát dịch bệnh EU, đến thời điểm này, chưa đến 5% người dân châu Âu được tiêm chủng vaccine đầy đủ.

Ủy ban châu Âu tự tin toàn khối sẽ đạt được mục tiêu có 70% dân số trưởng thành được tiêm chủng vào cuối mùa hè 2021. Nhưng, khu vực này đang gặp nhiều vấn đề trong khâu sản xuất và giao vaccine.

Mặt khác, một số nước còn e ngại về vấn đề đạo đức và phân biệt đối xử. Nếu triển khai cấp “visa vaccine”, những người được tiêm phòng sẽ được đi lại thoải mái trong khi những người chưa có điều kiện tiêm lại bị hạn chế.

Chia sẻ với CNN Travel, cô Kaye Mclntosh, cựu biên tập viên của Tạp chí Tiêu dùng Health Which và Wl Life phàn nàn: “Với tình hình tiêm phòng vaccine, ưu tiên người cao tuổi như hiện nay, đến hè vẫn chỉ có những người trên 50 tuổi được tiêm phòng. Như vậy, chắc chắn những người trẻ hơn sẽ phản đối rất mạnh”.

Ngoài EU, còn có Mỹ, Anh... cũng đang cân nhắc sáng kiến này và còn nhiều e ngại. Ngoài các vấn đề kể trên, một trong những khúc mắc quan trọng nhất với các quốc gia/tổ chức trên thế giới trong triển khai “visa vaccine”, đó là chưa biết cách xác minh dữ liệu tiêm chủng như thế nào. Hiện tại, mỗi nước sử dụng một loại vaccine khác nhau, do các nhà cung cấp, phòng thí nghiệm khác nhau thực hiện.

Trung Quốc, Israel đã cấp “visa vaccine” điện tử

Trong khi các nước phương Tây còn đang nghiên cứu, Israel, quốc gia dẫn đầu về chiến dịch phân bổ vaccine với tỉ lệ 55,8% người dân được tiêm phòng, đã ra mắt “thẻ xanh điện tử” từ tháng 2 vừa rồi cho những người đã tiêm phòng vaccine Covid-19. Những người được cấp thẻ này sẽ được hưởng những đặc quyền mà người chưa tiêm phòng không có như được đến quán bar, khách sạn, phòng gym và bể bơi.

Bên cạnh đó, từ đầu tháng này, Trung Quốc cũng thực hiện, cấp “visa vaccine” điện tử tới người dân đã tiêm vaccine phòng Covid-19. Visa sẽ được cấp trên ứng dụng WeChat mà hầu như người Trung Quốc nào cũng cài trên điện thoại.

Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ứng dụng này cho phép quyét mã QR để xác nhận người dân trong nước và nước ngoài đã tiêm phòng Covid-19, tạo điều kiện cho 52 triệu người tại Trung Quốc tự do đi lại. Hiện tại, Bắc Kinh đang đàm phán với một số quốc gia để công nhận “visa vaccine” do nước này cung cấp, từ đó, sớm mở cửa với thế giới.

Tính đến cuối tuần qua, Bắc Kinh đã tiêm 75 triệu liều miễn dịch cho người dân nhưng so với tổng dân số 1,4 tỉ người của nước này, tỉ lệ tiêm chủng vẫn là thấp so với các quốc gia khác.

Trên quy mô toàn cầu, Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) cũng đang tự phát triển “visa vaccine” thông qua một ứng dụng và kỳ vọng sẽ được công nhận tại các sân bay trên khắp thế giới.

Áp dụng “visa vaccine” là không công bằng cho người trẻ

Norbert Hidi, nữ sinh viên 24 tuổi, đến từ Thủ đô Budapest, Hungary, là một trong số nhiều người trẻ khác đã xác định sẽ khó có thể đi đâu trong mùa hè tới. “Nói một cách thẳng thắn, việc áp dụng chứng nhận vaccine là không công bằng. Tính đến mùa hè này, hầu hết các sinh viên như chúng tôi sẽ chưa được tiêm phòng. Điều đó đồng nghĩa chúng tôi không thể đi đâu. Những người cao tuổi được ưu tiên tiêm phòng vì họ có nguy cơ nhiễm bệnh cao nhưng không có nghĩa là nhờ đó họ có nhiều quyền lợi hơn chúng tôi”, Hidi bức xúc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.