Hồ sơ tài liệu

Thế khó của Ấn Độ trong xung đột Nga-Ukraine

31/03/2022, 07:00

Trong tuần này, chính quyền Ấn Độ sẽ tiếp đón gần như cùng lúc quan chức đến từ ba nước Nga, Mỹ, Anh.

Ấn Độ lần lượt tiếp các quan chức cấp cao của Mỹ, Anh và Nga

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Daleep Singh, và Ngoại trưởng Anh Liz Truss sẽ có chuyến thăm Ấn Độ từ ngày 31/3.

Cụ thể, hôm nay (31/3), Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, chiến lược gia về các biện pháp trừng phạt chống Moscow liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine – ông Daleep Singh sẽ đến New Delhi.

Đáng nói là, gần như cùng thời điểm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tới Ấn Độ hội đàm với Ngoại trưởng S. Jaishankar và các quan chức khác của nước chủ nhà, sau khi quay về từ Bắc Kinh - nơi ông tham dự một hội nghị về Afghanistan.

img

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

Trong thời gian ở thăm Ấn Độ (từ 31/3 đến 1/4), ông Lavrov sẽ thông báo cho New Delhi về hành động của Nga ở Ukraine, tình hình hòa đàm và tập trung vào đề xuất bán dầu giảm giá cho Ấn Độ. Đây là điều New Delhi được cho là đang xem xét nghiêm túc.

Cùng thời điểm, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cũng có chuyến thăm đất nước đông dân thứ 2 tại châu Á. Tại đây, bà Liz sẽ gặp gỡ các quan chức chính quyền New Delhi và phát biểu tại sự kiện của một cơ quan nghiên cứu với sự góp mặt của người đồng cấp Jaishankar vào ngày 31/3.

Giữa lúc xung đột Nga-Ukraine leo thang, việc tiếp đón gần như cùng lúc các nhà ngoại giao, hoạch định chính sách đến từ Nga và 2 quốc gia đang đối đầu với Moscow là Anh, Mỹ, có thể khiến Ấn Độ gặp không ít khó xử.

Thận trọng cân bằng quan hệ

Từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Ấn Độ phải rất cẩn trọng để cân bằng quan hệ giữa nước này với hai đối tác lớn là Nga và Mỹ.

Trong hơn 1 tháng, Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng tại các cuộc bỏ phiếu của Liên hợp Quốc về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. New Delhi cũng như Bắc Kinh không tham gia vào các lệnh trừng phạt với nền kinh tế Nga, trái ngược với lời kêu gọi từ phía Mỹ.

Theo trang Diễn đàn Đông Á (East Asia Forum), Ấn Độ từng giải thích về quyết định bỏ phiếu trắng rằng nước này "ủng hộ lời kêu gọi từ cộng đồng quốc để chấm dứt bạo lực và thù địch, nhấn mạnh việc cần phải thúc đẩy ngoại giao, đối thoại để giải quyết khủng hoảng Ukraine”.

Theo trang East Asia Forum, có hai yếu tố khiến New Delhi phải thật thận trọng khi ứng xử liên quan tới xung đột này đó là quan hệ thân thiết giữa Ấn Độ với Nga và những vấn đề địa chính trị trong khủng hoảng Nga-Ukraine.

Mối quan hệ đặc biệt với Nga

Trang East Asia Forum cho biết, Ấn Độ và Nga có mối quan hệ rất đặc biệt, thậm chí trước cả khi Liên xô tan rã. Quan hệ giữa New Delhi với Moscow rất ấm áp, thể hiện rõ qua nhiều thỏa thuận như Hiệp ước hữu nghị năm 1971, sau này được củng cố thông qua Tuyên bố về Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2010 và đã được nhắc lại trong chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Ấn Độ năm 2021.

img

Tổng thống Vladimir Putin chụp ảnh thân mật với Thủ tướng Narendra Modi tại New Delhi ngày 6/12/2021. Ảnh - AFP

Lĩnh vực mà quan hệ Nga-Ấn nồng ấm nhất là quốc phòng. Ấn Độ là bên mua vũ khí lớn của Nga, chiếm 23% tổng lượng xuất khẩu vũ khí của Nga trong giai đoạn 2016-2020.

Ước tính, 60-85% vũ khí quân sự của Ấn Độ có xuất xứ từ Nga bao gồm tàu ngầm, xe tăng, máy bay chiến đấu.

Năm 2018, Ấn Độ đã ký thỏa thuận trị giá 5 tỉ USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga, chính thức sản xuất và hợp tác sản sản xuất tàu khu trục, súng trường tấn công AK-203.

Những đơn đặt hàng và giao hàng kể trên sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Nga trong vòng 5 năm tới.

Mặt khác, Nga cũng đóng vai trò quan trọng giải quyết nỗi lo năng lượng cho Ấn Độ, đồng thời, là đơn vị cung cấp công nghệ hạt nhân dân sự.

Về chính trị, Nga ủng hộ Ấn Độ làm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là đối tác quan trọng trong diễn đàn BRICS (bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).

Quan hệ của Ấn Độ với Nga ngày càng phức tạp khi Trung Quốc tăng cường hiện diện trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc trục trặc.

New Delhi đang duy trì quan hệ hữu nghị với Nga, hợp tác để đạt các mục tiêu song phương, ngăn chặn Nga liên kết sâu hơn với Trung Quốc.

Nga từng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Ấn Độ và Trung Quốc tiến tới một thỏa thuận sau xung đột biên giới tại Ladakh.

Tuy không chính thức được công nhận là trung gian hòa giải nhưng Nga đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giúp giảm căng thẳng.

Song, quan hệ với Nga đã đưa Ấn Độ vào thế khó khi họ đang muốn phát triển quan hệ đối tác với Mỹ.

Việc Ấn Độ quyết mua hệ thống S-400 của Nga đã khiến nước này có khả năng bị áp các lệnh trừng phạt từ Mỹ theo Đạo luật Chống lại Đối thủ của nước Mỹ thông qua trừng phạt.

Trong khi đó, Ấn Độ và Mỹ đang tham gia vào Đối thoại bốn bên (hay còn gọi là Bộ tứ), do đó, New Delhi đang là một phần quan trọng trong chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhờ đó vị thế của Ấn Độ trong khu vực cũng được nâng tầm.

Nhà nhập khẩu lớn nhất của Ukraine

Với Ukraine, Ấn Độ có nhiều quan hệ liên quan tới thỏa thuận quốc phòng. Điển hình là hợp đồng trị giá 400 triệu USD để nâng cấp dàn máy bay An-32 cho không lực Ấn Độ.

Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn nhất của Ukraine trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, từ các sản phẩm nông nghiệp, nhựa đến polymer. Ấn Độ cũng xuất khẩu dược phẩm, máy móc, hóa chất và thực phẩm cho Ukraine.

img

Ấn Độ là nhà nhập khẩu lớn nhất của Ukraine. Ảnh - Đại sứ quán Ấn Độ tại Kiev

Trong tình thế này, không khó hiểu khi New Delhi rất thận trọng khi xử lý các vấn đề liên quan tới Nga-Ukraine.

Trên trang Asia Times, nhà nghiên cứu Nate Fischler nhận định rằng Ấn Độ sẽ không dễ dàng tuân theo sức ép từ phương Tây và hoàn toàn tách rời Nga chỉ sau một đêm.

Minh chứng rõ nhất có lẽ là việc Ấn Độ đưa ra sáng kiến về hệ thống trao đổi tiền tệ giữa đồng ruble và đồng rupee. Nếu thành công, thỏa thuận này không chỉ giúp nền kinh tế Nga đang bị trừng phạt duy trì ổn định mà còn tạo ra một lỗ hổng mới trong hệ thống tài chính thương mại quốc tế mà đồng USD vốn chi phối.

Ấn Độ cũng từng tuyên bố rằng nước này sẽ theo đuổi các lợi ích của mình dựa trên nhu cầu trong nước và bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia.

Do đó, theo ông Fischler, Mỹ thực sự đã nhận ra thái độ của New Delhi và có thể sẽ đưa ra phản ứng phù hợp chứ không gây sức ép quá lớn với Ấn Độ trong vấn đề này.

Rất có thể Mỹ sẽ sử dụng chiến lược “cà rốt và cây gậy” để dần dần tách Ấn Độ ra khỏi Nga nhưng để biết chắc, cần phải quan sát thêm, ông Fischler nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.