Xã hội

Thị trường bất động sản gặp khó do hạn chế tín dụng, Thống đốc NHNN nói gì?

03/11/2022, 19:00

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã giải trình thêm về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng để xây dựng, thuê mua nhà ở xã hội.

Tín dụng bất động sản tiềm ẩn rủi ro cao

Trong phiên chất vấn chiều 3/11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản quý III năm nay khó khăn, có nguyên nhân về hạn chế tín dụng.

img

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, vốn tín dụng chỉ là một trong những nguồn lực cần có để thị trường bất động sản phát triển. Thay vào đó, thị trường này cần vốn từ đầu tư trực tiếp, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, vốn tự có của doanh nghiệp, người dân...

Nói về việc điều hành chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, bà Hồng cho biết, phải lấy mục tiêu điều hành tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn vốn cho các tổ chức tín dụng.

Chẳng hạn, trong giai đoạn cần ưu tiên kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, việc mở rộng tín dụng cho bất động sản sẽ gây khó khăn để đạt mục tiêu chính sách tiền tệ, chứ chưa nói tới đi ngược lại mục tiêu này.

"Điều hành tín dụng cho bất động sản vì thế phải cân nhắc, thận trọng", bà nói và cho biết, tín dụng bất động sản cũng tiềm ẩn rủi ro, bởi tín dụng lĩnh vực này thường là dài hạn, số tiền huy động lớn, trong khi đặc tính huy động của ngân hàng là vốn ngắn hạn.

"Vì thế, nếu không tổ chức, điều tiết tốt sẽ đối diện với rủi ro thanh khoản, khó khăn trong chi trả cho người dân", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.

Theo bà Hồng, trong chỉ đạo điều hành Ngân hàng Nhà nước đưa ra các quy định kiểm soát rủi ro gián tiếp, chẳng hạn quy định hệ số điều chỉnh rủi ro với khoản vay bất động sản là 200%, vay mua nhà giá trị trên 4 tỷ đồng là 150%; Còn hệ số điều chỉnh rủi ro với vay mua nhà ở xã hội dưới 1,5 tỷ đồng là dưới 50%... Tức là, chính sách của cơ quan quản lý tiền tệ hướng tới "ưu tiên cấp tín dụng khoản vay nhà ở phân khúc thấp".

Với tín dụng cho nhà ở xã hội, bà Hồng cho biết, Nghị định 100 của Chính phủ và Nghị định 49 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 đã giao Ngân hàng Chính sách xã hội làm đầu mối, thực hiện cho vay nhà ở xã hội, một số tổ chức tín dụng được chỉ định cũng tham gia chương trình này.

Tới nay, chương trình vay nhà ở xã hội được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân 10.584 tỷ đồng, dư nợ tới 30/9 là 9.147 tỷ đồng. Còn các tổ chức tín dụng được chỉ định thì hiện chưa giải ngân được, do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí.

Theo bà Hồng, thời gian tới, mục tiêu chính sách tiền tệ vẫn là ưu tiên ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống ngân hàng. Vì thế, các công cụ, giải pháp tín dụng cho bất động sản sẽ được cân nhắc trong tổng thể công cụ khác, để đạt mục tiêu của chính sách tiền tệ.

img

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Thanh Nghị

Doanh nghiệp gặp khó vì nợ đọng xây dựng cơ bản

Trước đó, tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) cho biết, nợ đọng xây dựng cơ bản tồn tại từ lâu, ảnh hưởng tới sự tồn tại của doanh nghiệp trong bối cảnh tín dụng siết chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao.

Ông dẫn chứng, doanh nghiệp có vốn 1.350 tỷ đồng nhưng nợ đọng xây dựng cơ bản 1.041 tỷ đồng, trong đó nợ khó đòi 879 tỷ đồng. Muốn thi công, nhà thầu phải có 4 bảo lãnh: đấu thầu, thực hiện hợp đồng, tạm ứng, bảo hành trong khi không có yêu cầu nào với chủ đầu tư phải bảo lãnh thanh toán.

Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi: Bộ Xây dựng sẽ có giải pháp gì để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong hoạt động kinh tế, cũng như cứu giúp nhiều doanh nghiệp khó khăn hiện nay, Câu hỏi này, ông cũng muốn Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời.

Ngoài ra, đại biểu cũng nêu, quản lý phát triển đô thị hiện nay tồn tại nhiều vấn đề, Chính phủ trình dự thảo Luật Phát triển đô thị, nhưng chưa đạt yêu cầu, nên chưa đưa vào chương trình. Tới nay, gần 5 năm nhưng vẫn chưa được trình lại.

"Vậy, có chuyện dễ làm khó bỏ không, tới khi nào Chính phủ trình, để Quốc hội có thể xem xét, thông qua luật quan trọng này?", đại biểu Thành đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết để đảm bảo nguyên tắc giữa các chủ thể ký kết hợp đồng xây dựng, cần quy định ràng buộc trách nhiệm giữa bên nhận thầu, giao thầu trong đó có quy định thanh toán, hành vi cấm...

Ông cho biết, Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng hiện chỉ quy định xử lý vi phạm hợp đồng xây dựng với dự án dùng vốn công, vốn Nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP. Do đó, với các dự án sử dụng vốn khác, các tổ chức cá nhân chỉ tham khảo theo Nghị định quản lý hợp đồng xây dựng.

Tức là, trách nhiệm bên giao thầu được xác định trong hợp đồng, theo Luật Dân sự... Ghi nhận ý kiến, Bộ trưởng Nghị cho biết, tới đây Bộ Xây dựng sẽ rà soát để giải quyết bất cập trong thực tiễn.

Về dự thảo Luật Phát triển đô thị được xây dựng đã lỡ hẹn khi trình 2 lần trước đây, nhưng chưa được thông qua, Bộ trưởng Nghị cho biết Bộ sẽ rà soát để có thể tiếp tục trình thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.