Xã hội

Thị xã Bắc Kạn nâng cấp lên Thành phố

11/03/2015, 10:28

2 tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam có thêm Thị xã.

2
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 11/3 cho ý kiến về việc thành lập, điều chỉnh địa giới hành chính dưới cấp tỉnh

Trong tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết Thị xã Bắc Kạn sẽ được nâng cấp lên thành Thành phố Bắc Kạn vì địa phương này đã đạt 9/10 tiêu chuẩn thành lập thành phố, tiêu chí duy nhất chưa đạt là quy mô dân số.

Theo đó, Thành phố Bắc Kạn sau khi thành lập sẽ có 6 phường, 2 xã (lập thêm 2 phường từ 2 xã) và cũng sẽ không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị thành lập thêm 2 thị xã nâng cấp lên từ đơn vị cấp huyện, bao gồm: Thành lập thị xã Đông Triều từ huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Thị xã Đông Triều đạt 9/9 tiêu chuẩn thành lập thị xã, khi thành lập sẽ có 6 phường; thành lập thị xã Điện Bàn từ huyện Điện Bàn (gồm 7 phường), thuộc tỉnh Quảng Nam.

Chính phủ cũng quyết định thành lập mới huyện Iagrai trên cơ sở tách một phần diện tích từ huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Sau khi thành lập huyện Iagrai, tỉnh Kon Tum có 9 huyện, 1 thị xã, số lượng đơn vị cấp xã không thay đổi.

1
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, nhưng lưu ý việc tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết về cơ bản, Ủy ban tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Phan Trung Lý cũng lưu ý một số vấn đề liên quan như tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu quản lý đô thị…

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển lại đặt vấn đề: Tờ trình của Chính phủ đưa ra nói phần lớn các thị xã phường đều thiếu tiêu chuẩn. Vậy căn cứ nào mà trình ra? Tiêu chuẩn này còn có hiệu lực không? Tại sao không chờ đầy đủ tiêu chuẩn hãy trình? Nó tác động thế nào đến xã hội?

Trả lời những băn khoăn ấy, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết,trước đây thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh này là do Chính phủ quyết định, nay chuyển sang cho Thường vụ Quốc hội. Những quy định, tiêu chí thành lập phường, chia tách địa phận hành chính có từ khá lâu rồi. Trong quá trình tham mưu cho Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã đề nghị cho sửa 3 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc điều chỉnh các đơn vị địa giới hành chính cho phù hợp.

“Từ trước đến nay, đã có những quy định, tiêu chí, nhưng trong quá trình thực hiện các nghị định này, có 1 số địa phương còn chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn nhưng Chính phủ xét thấy đủ điều kiện thì vẫn được xét”, ông Bình trình bày.

Cho ý kiến về vấn đề trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tán thành nhiều điểm trong tờ trình và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

“Cứ nâng cấp và tách huyện thành lập mới thì chắc chắn phải tốn hơn nhiều tiền để đầu tư. Nhưng từ trước đến nay, khi chúng ta chia tách địa bàn, có một điều không thể phủ nhận được, đó là sự phát triển. Phải tốn tiền, thêm biên chế, thêm bộ máy, nhưng đạt được sự phát triển, đạt được quy hoạch chung, đáp ứng yêu cầu đặt ra thì đó là việc cần thiết nên làm”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

bac-can_copy
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các đại phương khi nâng cấp hoặc chia tách địa bàn đều rất phát triển.

Cũng theo bà Ngân, trong xu thế đô thị hóa như hiện nay thì không nhất thiết phải yêu cầu mật độ dân số đông như quy định trong các tiêu chí của nghị quyết thì mới cho nâng cấp đơn vị địa giới hành chính không.

Đồng tình với Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân, hầu hết các đại biểu đều nhất trí với tình cần thiết của việc thành lập, chia tách một số đơn vị địa giới hành chính mới nhằm tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lại cho rằng còn một điều băn khoăn không nhỏ khi việc này được đem báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhưng Thường vụ lại không quy định về tiêu chuẩn, tiêu chí mà cái này lại do Chính phủ quyết định, điều này cần phải xét lại. Nghị định về việc này ban hành đến nay đã hơn 30 năm rồi nên chúng ta cũng cần rà soát cho chặt chẽ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.