Giao thông

Thợ cầu 473 nối nhịp bờ vui trên "quê lúa"

27/10/2014, 16:43

Ngày 29/10, người dân hai bên sông Trà Lý (Thái Bình) sẽ được chứng kiến cầu Trà Giang khánh thành và đưa vào sử dụng sau 18 tháng thi công.

Cầu vượt sông Trà Lý khi hoàn thành sẽ trở thành một công trình mỹ thuật tô điểm vẻ đẹp không gian kiến trúc TP Thái Bình
Cầu vượt sông Trà Lý khi hoàn thành sẽ trở thành một công trình mỹ thuật tô điểm vẻ đẹp không gian kiến trúc TP Thái Bình

Đi lên nhờ những cây cầu

Thái Bình là một tỉnh ven biển vốn được biết đến là vùng đất trù phú với nền nông nghiệp lâu đời và nguồn thủy, hải sản dồi dào. Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một bài toán khó cho Thái Bình khi hệ thống giao thông chưa thực sự phát triển. Hệ quả của việc  thiếu cầu, thiếu đường là giao thương khó khăn, hàng hóa, nông sản chậm tiêu thụ...

Cầu Tân Đệ bắc qua sông Hồng, nối liền hai tỉnh Thái Bình và Nam Định được xây dựng và hoàn thành năm 2001 đã phá thế “ốc đảo” của Thái Bình, mở ra thời kỳ mới cho việc thông thương và phát triển KT-XH.  Từ đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông, trong đó có việc xây dựng mới những cây cầu bắc ngang sông ngày càng được Thái Bình chú trọng.

Giám đốc Sở GTVT Thái Bình - ông Phạm Quang Đức cho biết: Những năm gần đây, Thái Bình đã tập trung cho nhiều công trình giao thông, trong đó chủ yếu là những cây cầu được xây dựng bằng cả nguồn vốn của Trung ương lẫn địa phương. Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng hàng loạt cây cầu để thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương như: Cầu Hiệp nối hai tỉnh Thái Bình và Hải Dương, cầu Thái Hà vượt sông Hồng, cầu Trà Linh bắc qua sông Diêm Hộ và một số cây cầu trong quá trình thi công như: Cầu Trà Giang bắc qua sông Trà Lý nối hai huyện Kiến Xương và Thái Thụy, cầu Tịnh Xuyên nối hai huyện Vũ Thư và Hưng Hà…

Dấu ấn thợ cầu 473 trên “quê lúa”

Đặt chân đến đến mảnh đất Thái Bình vào năm 2008, những người thợ cầu Công ty CP 473 lần lượt ghi dấu ấn qua các cây cầu đã đưa vào sử dụng như cầu Hiệp năm 2011, cầu Trà Linh năm 2013. Tới đây, cầu Trà Giang sẽ là cây cầu thứ ba trên “quê lúa” do Công ty CP 473 thi công được hoàn thành, đưa vào sử dụng đảm bảo chất lượng, mỹ thuật cao và an toàn tuyệt đối.

Cầu Trà Giang bắc qua sông Trà Lý là cây cầu nối liền huyện Kiến Xương và huyện Thái Thụy do Sở GTVT Thái Bình làm chủ đầu tư. Cầu nằm trong Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường từ QL39 đi phà Cồn Nhất, đặc biệt khi kết nối với dự án Đường 217 đang triển khai sẽ trở thành một hệ thống giao thông đồng bộ nối Thái Bình với các tỉnh Hải Dương, Nam Định và Hải Phòng.

Được khởi công tháng 4/2013, trải qua 18 tháng thi công, ngày 29/10 tới đây, liên danh các nhà thầu Công ty CP 473, Công ty CP Xây dựng Xuân Quang và Công ty CP Nhân Bình sẽ làm lễ khánh thành đưa cây cầu vào sử dụng, rút ngắn 5 tháng về tiến độ.

Trong dự án cầu Trà Giang, với vai trò là nhà thầu thi công phần việc khó nhất, Công ty CP 473  chịu trách nhiệm hạng mục đúc hẫng cân bằng nhịp chính giữa sông.

Những người anh cả về xây dựng cầu, những người thợ 473 với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” đã nỗ lực ngày đêm, thi công ba ca liên tục, không kể ngày nghỉ, ngày lễ để sớm đưa cây cầu vào sử dụng. Ông Nguyễn Xuân Hải – Giám đốc Công ty CP 473 cho biết: “Dù đúc hẫng cân bằng không phải là công nghệ mới ở Việt Nam nhưng nó luôn đòi hỏi tính kỹ thuật và sự chính xác cao, nhất là đối với cầu Trà Giang. Quá trình thi công, đơn vị phải vượt qua hàng loạt các khó khăn từ việc khắc phục mặt bằng thi công chật hẹp, thiếu đường vận chuyển vật liệu, cho đến việc phải đối mặt những bất lợi về thời tiết mưa bão của vùng đất Duyên hải phía Bắc”.

Để hóa giải những khó khăn bằng sự mưu trí, sáng tạo và kinh nghiệm thực tế, những người thợ cầu 473 đã áp dụng linh hoạt các biện pháp thi công, chủ động vận chuyển hàng nghìn tấn vật liệu bằng cả đường bộ và đường sông. Đồng thời, huy động tối đa nhân công, thiết bị, thi công hai mũi độc lập đẩy nhanh tiến độ. Lúc cao điểm, công trường có tới hàng trăm kỹ sư, công nhân tay nghề cao được tuyển từ các đội thi công cầu của 473 cùng làm việc trên hệ giá đỡ ván khuôn tiến hành đúc dầm bằng công nghệ đúc hẫng cân bằng từ hai đỉnh trụ chính. Cứ như vậy, lần lượt các phân đoạn dầm được thi công đối xứng từng cặp nối gần hai đầu cầu.

Đến ngày 28/8/2014, trước sự chứng kiến của các đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương cùng đông đảo bà con nhân dân hai huyện Kiến Xương và Thái Thụy, những người thợ cầu 473 đã đổ bê tông phân đoạn dầm cuối cùng, chính thức hợp long cầu Trà Giang để hai tháng sau đưa vào sử dụng.

Đánh giá về quá trình thi công cầu Trà Giang, Giám đốc Sở GTVT Thái Bình - ông Phạm Quang Đức cho rằng, Công ty 473 và các nhà thầu tham gia dự án đã phối hợp tốt với chính quyền, nhân dân trong công tác GPMB. Quá trình thi công đã đảm bảo được yêu cầu chất lượng mà chủ đầu tư đặt ra, đáng lưu ý là đã chủ động khắc phục khó khăn về nguồn vốn để đưa công trình vượt tiến độ.

Cũng theo ông Phạm Quang Đức, cầu Trà Giang được đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng ước mơ ngàn đời của người dân hai bên sông thoát đò ngang, nước dữ mà còn có ý nghĩa lớn với người dân Kiến Xương, Thái Thụy và khu vực Đông Bắc của tỉnh: “Cầu Trà Giang đưa vào sử dụng góp phần nối liền trục giao thông Bắc-Nam từ Cồn Nhất đi Nam Định, là tiền đề phát triển KT-XH của các huyện cũng như giữa Thái Bình với các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ tới đây”, ông Phạm Quang Đức nói.

Riêng với những người thợ cầu 473, việc hoàn thành đưa vào sử dụng cầu Trà Giang còn là một dấu mốc đặc biệt quan trọng. Bởi đây đã là cây cầu thứ ba hoàn thành trong bốn cây cầu do Công ty CP 473 thi công sau 6 năm “đặt chân” vào đất Thái Bình.

Cầu Trà Giang hoàn thành vượt tiến độ 5 tháng
Cầu Trà Giang hoàn thành vượt tiến độ 5 tháng

Cầu dây văng đầu tiên ở Thái Bình

Hòa trong niềm vui ngày khánh thành cầu Trà Giang, những người thợ cầu 473 lại nhận thêm nhiệm vụ mới, đó là việc khởi công xây dựng cầu vượt sông Trà Lý, TP Thái Bình, hay còn gọi là cầu Quảng Trường. Đây là Dự án do UBND TP Thái Bình làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Liên danh Công ty CP 473 và Công ty CP xây dựng Xuân Quang. Toàn cầu gồm một liên nhịp dầm EXTRADOS ba nhịp và bốn nhịp dẫn giản đơn Super T bằng bê tông cốt thép dự ứng lực; Phần cầu chính liên nhịp dầm EXTRADOS 3 nhịp bằng bê tông cốt thép dự ứng lực sơ đồ (68 + 120 + 68) m, bề rộng mặt cầu 18,5m. Các nhịp dầm dẫn bằng bê tông cốt thép dự ứng lực giản đơn tiết diện Super T, L=38m được thiết kế khấc đầu dầm để tạo mỹ quan.

Công nghệ thi công cầu Quảng Trường được xem là còn khá mới lạ ở Việt Nam, đang được đơn vị áp dụng tại công trình cầu An Đông, tỉnh Ninh Thuận. Bên cạnh đòi hỏi công nghệ mới thì theo ông Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Công ty CP 473, cầu Quảng Trường sau khi hoàn thành không chỉ đơn thuần là cầu dây văng đầu tiên của tỉnh mà nó còn là một tác phẩm nghệ thuật tô điểm thêm vẻ đẹp của TP Thái Bình.

Cầu vượt sông Trà Lý nằm ở phía Nam Quảng trường thành phố, nơi đang triển khai xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nông dân” và Công viên sinh thái. Khi các dự án hoàn thành sẽ tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo, điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị của TP Thái Bình. Mặt khác, công trình sẽ kết nối với tuyến đường phía Nam qua sông Trà Lý sang QL10 nhằm giảm gánh nặng giao thông cho TP thời gian tới.

Anh Đức - Văn Thanh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.