Kinh tế

Thống đốc: Xử lý nợ xấu chưa dùng tới một phần trăm GDP nào

29/09/2014, 17:43

Trong khủng hoảng, các nước sử dụng trung bình từ 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, thậm chí có nước dùng tới 60% GDP. Còn ở nước ta chưa có một phần trăm nào, Thống đốc trả lời chất vấn chiều nay.

Trong các cuộc khủng hoảng, các nước sử dụng trung bình từ 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, thậm chí có nước dùng tới 60% GDP. Còn ở nước ta chưa có một phần trăm nào, Thống đốc nói.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 29/9. Ảnh: Vnepress

Xử lý nợ xấu:  Ở góc độ nhân văn thì vô cùng khó xử

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình trong phiên trả lời chất vấn chiều nay (29/9) đã chia sẻ một câu chuyện về một trong số các trường hợp xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng: "Có một cụ già tha thiết tới gặp tôi. Khi gặp, cụ trình bày rằng con trai cụ đã lấy sổ đỏ thế chấp NH. Nay con trai cụ đã bỏ trốn mất và cụ cũng không biết con trai mình hiện đang ở đâu. Khi NH đến siết nhà, cụ và các cháu đang ở trong nhà. Cụ nói, nếu NH siết thì cụ ở đâu. Quả thật, ở góc độ nhân văn thì vô cùng khó xử nhưng về pháp lý thì NH có đầy đủ cở sở pháp lý và tòa đã xử là phải cưỡng chế để lấy tài sản phát mại".

"Quyết định tòa án thì tất cả công dân phải thực hiện. Còn vấn đề của cụ tôi xin nghi nhận và báo cáo địa phương để hỗ trợ. Cá nhân tôi cũng cũng sẽ vận động phía NH xây dựng nhà tạm để cụ sống tạm thời. Tôi không thể làm trái với quyết định của toà", Người đứng đầu ngành NH nói.

Thu hồi tài sản đã khó khăn, phát mại tài sản cũng là một trong những khó khăn của quá trình xử lý nợ xấu hiện nay. Công ty mua bán nợ Quốc gia (VAMC) mua nợ xấu nhưng lại không phát mại được tài sản, "chúng tôi đang đề nghị các cơ quan khác như tòa án... cùng vào cuộc để xử lý", Thống đốc nói.

Chưa dùng tới một phần trăm GDP nào!

Theo số liệu báo cáo trước Thường vụ Quốc hội trong phiên trả lời chất vấn chiều nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, tổng nợ xấu đã được xử lý đến nay là 249.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số 464.000 tỷ đồng vào tháng 9/2012, thời điểm bắt đầu triển khai đề án xử lý nợ xấu.

Thống đốc nhìn nhận đây là một cố gắng rất lớn trong bối cảnh xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. "Chúng ta thấy rằng, trong các cuộc khủng hoảng, các nước sử dụng trung bình từ 20-30% GDP để xử lý nợ xấu, thậm chí có nước dùng tới 60% GDP. Còn ở nước ta chưa có một phần trăm nào", ông nói.

Thống đốc cũng cho biết, khi trao đổi với đại diện quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì họ cũng cho rằng mô hình VAMC là mô hình chấp nhận được.

Người đứng đầu ngành NH cũng cho hay đang đề xuất Chính phủ nâng cao năng lực tài chính cho VAMC từ mức vốn điều lệ 500 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng bởi so với mức nợ xấu VAMC đã mua hiện nay thì vốn điều lệ 500 tỷ đồng là hết sức yếu kém.


Cao Sơn

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.