Chuyện dọc đường

Thu phí chống ngập, vẫn ngập có trả lại tiền?

03/06/2020, 06:11

Dư luận có nhiều quan điểm trái chiều về đề án xã hội hóa chống ngập của TP HCM, trong đó có phương án thu phí chống ngập.

img
"Siêu máy bơm" không làm đường Nguyễn Hữu Cảnh hết ngập nước trong trận mưa ngày 20/5

Để cứu “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, năm 2018 TP HCM đồng ý chi 14,2 tỷ đồng/năm để thuê Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung lắp “siêu máy bơm” công suất 27.000 - 96.000 m3/giờ.

Khi đó, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc Tập đoàn Quang Trung tuyên bố “không hết ngập không lấy tiền”. Thế nhưng, trận mưa ngày 20/5, một đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn chìm trong nước. Không rõ lúc này vị tổng giám đốc “siêu máy bơm” đang ở đâu?

Vừa qua, khi đón nhận thông tin về việc TP HCM đang nghiên cứu đề án xã hội hóa chống ngập, trong đó có phương án thu phí chống ngập, dư luận có nhiều quan điểm trái chiều.

Theo thông tin, Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam là đơn vị phối hợp với Sở Xây dựng để xây dựng phương án giá dịch vụ chống ngập. Theo đó, mức giá dịch vụ chống ngập trên địa bàn TP HCM được xác định là 3.668 đồng/m2/tháng. Mặc dù đây chỉ là phương án đưa ra để có cơ sở kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa vào công tác chống ngập, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng về lâu dài cần thu phí chống ngập.

Trả lời báo chí, một chuyên gia ủng hộ phương án này cho rằng đây là giải pháp chống ngập lâu dài. Dẫn chứng các dịch vụ công khác, mặc dù người dân đã đóng thuế, nhưng khi đi bệnh viện phải đóng viện phí, đi học phải đóng học phí, di chuyển đóng phí đường bộ thì tại sao chống ngập phải giữ bao cấp? Đối với tất các lĩnh vực, phải dựa trên quy luật kinh tế chung: Thu đủ bù chi. Nếu ngân sách không đáp ứng được thì phải thu thêm.

“Trên miếng đất 100m2, có 60m2 đất không thấm, không có chỗ cho nước mưa ngấm xuống thì chủ sở hữu phải trả tiền cho 60m2 đất gây ngập đó. Nếu hộ nào điều tiết được, cải tạo được thành đất thấm thì không phải trả. Đối với 1 dự án cũng vậy, tỷ lệ mặt phủ không thấm tăng lên thì phần nước mưa thặng dư phải do doanh nghiệp trả tiền”, vị này lý luận.

Nguồn căn của phương án xã hội hóa chống ngập này được lý giải là do thiếu tiền. Bởi theo Sở Xây dựng, trong giai đoạn 2016 - 2020, TP cần 96.527 tỉ đồng để chống ngập nhưng huy động từ ngân sách, xã hội hóa cũng chưa được một nửa khiến việc chống ngập chắp vá, không giải quyết tận gốc.

Trái với những ý kiến trên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, nguyên nhân của nạn ngập ở các đô thị Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng là quy hoạch và quản lý quy hoạch. Quy hoạch đô thị thiếu không gian cho nước và cây xanh. Một số khu vực quy hoạch tốt nhưng sau đó lại điều chỉnh, tăng mật độ xây dựng khiến mỗi lần mưa nước không có chỗ thoát. Cụ thể nhất là đường Nguyễn Hữu Cảnh trước đây không hề ngập. Từ khi các cao ốc mọc lên, tuyến đường này bị thấp xuống như một cái ao, vậy là mỗi lần mưa nước đổ xuống như dòng sông.

Muốn trị dứt bệnh, phải chẩn đoán đúng bệnh, bốc đúng thuốc. Người dân khó có thể hiểu những cụm từ hoa mỹ như “xã hội hóa chống ngập”, “siêu máy bơm thông minh chống ngập”… Họ chỉ cần biết, khi đã xã hội hóa, thu phí chống ngập, mà nếu không hết ngập thì có trả tiền lại cho dân không?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.