Thời sự

Thủ tục xây dựng làm lỡ cơ hội phát triển

18/08/2014, 06:02

Tình trạng chậm trễ trong hoàn tất thủ tục xây dựng, theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, là do nhiều bộ, ngành liên quan chỉ muốn ôm quyền riêng ...

TIN LIÊN QUAN


 

TS. Phạm Sỹ Liêm
TS. Phạm Sỹ Liêm


Càng chậm càng mất cơ hội


Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc ngày 14/8/2014, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian thực hiện thủ tục xây dựng để được khởi công một dự án không sử dụng ngân sách Nhà nước lên tới 392 - 447 ngày, còn dự án ngân sách Nhà nước là 260 - 280 ngày. Tại sao thủ tục xây dựng lại kéo dài như vậy, thưa ông?


Thủ tục xây dựng liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội, đất đai, môi trường, an toàn con người... do đó phải có sự quản lý của nhiều bộ, ngành, địa phương. Hiện một dự án xây dựng muốn hoàn tất thủ tục hành chính, thì chủ trương đầu tư, đấu thầu phải thông qua Bộ Kế hoạch - Đầu tư; vấn đề đất đai lớn thì thuộc quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhỏ hơn thuộc chính quyền địa phương và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Những vấn đề có liên quan đến thiết kế, thẩm định, đưa vào kế hoạch thì tùy thuộc các bộ, ngành, như dự án giao thông thuộc Bộ GTVT, dự án thủy lợi thuộc Bộ NN&PTNT... Bộ Xây dựng thì cấp giấy phép xây dựng, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng. Các thủ tục tài chính, thuế thì liên quan đến Bộ Tài chính và Kho bạc...

Thủ tục xây dựng liên quan đến hàng chục bộ, ngành, cả địa phương, nhưng sự phối hợp lại thiếu đồng bộ. Nhiều bộ, ngành chỉ lo ôm phần công việc của mình, muốn ôm quyền riêng nhưng lại muốn trách nhiệm chung, để phòng ngừa khi có sự cố xảy ra thì có lý do đổ tại phần việc này, đơn vị nọ...

"Phải có hệ thống, đơn vị giám sát chủ trương này để tránh tình trạng chủ trương đưa ra là đúng nhưng thực hiện qua loa, thậm chí không thực hiện, không hiệu quả. Nếu chúng ta không giám sát chặt, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống, đến năm 2015 liệu có còn ai nhớ đến chỉ đạo cắt giảm thủ tục xây dựng này nữa hay không?”.

TS. Phạm Sỹ Liêm

Theo ông, sự kéo dài của thủ tục xây dựng ảnh hưởng thế nào tới môi trường đầu tư và nền kinh tế đất nước?


Trong thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa, một dự án đầu tư công từ khi có ý tưởng đến khi hoàn thành thường mất 10 năm: 5 năm đầu đưa vào kế hoạch, rồi tới kế hoạch 5 năm tiếp theo mới đưa ra thực hiện. Như thế, đã làm lỡ mất bao nhiêu cơ hội phát triển.

Bây giờ, chúng ta vẫn giữ cơ chế chậm chạp này thì rất tai hại vì cạnh tranh giữa các quốc gia, trong nền kinh tế toàn cầu hóa rất khẩn trương, bỏ lỡ cơ hội sẽ đem lại nhiều thiệt hại cho nền kinh tế. 


Thủ tục xây dựng góp phần tạo nên hiệu quả của dự án và thể hiện môi trường đầu tư của quốc gia này thuận lợi hay chưa thuận lợi. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số về thủ tục cấp  phép xây dựng của Việt Nam đứng thứ 28/185 quốc gia, đây là điều khiến nhà đầu tư phải cân nhắc khi có ý định đầu tư vào Việt Nam. Và khi thủ tục đầu tư dây dưa, kéo dài nhiều năm, sẽ phải điều chỉnh dự án, thêm vốn… ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư.
 

Để rút ngắn thủ tục xây dựng cần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức chịu trách nhiệm giải quyết thủ tục xây dựng
Để rút ngắn thủ tục xây dựng cần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ, viên chức chịu trách nhiệm giải quyết thủ tục xây dựng


Không giám sát, khó thành công


Vậy theo ông, Việt Nam cần làm gì để rút ngắn thủ tục xây dựng?


Để rút ngắn thủ tục xây dựng, trước tiên chúng ta phải nâng cao tính chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp này nằm ở đội ngũ cán bộ, viên chức chịu trách nhiệm giải quyết thủ tục xây dựng. Họ phải am hiểu công việc, thực hiện công việc nhanh nhẹn, có trách nhiệm. Các thủ tục cần giải quyết cùng một lúc thay vì cứ đợi cái nọ xong mới giải quyết cái kia. 


Đối với người cần giải quyết thủ tục xây dựng thì không cần phải có tính chuyên nghiệp, nhưng họ cần có dịch vụ tư vấn pháp luật xây dựng để tư vấn cho họ, thay mặt họ triển khai thủ tục, giải quyết vấn đề sao cho nhanh chóng, đúng quy định.

Ở các nước trên thế giới, dịch vụ tư vấn thủ tục xây dựng luôn là đội ngũ lớn nhất, mạnh nhất trong đội ngũ dịch vụ tư vấn pháp luật của quốc gia đó, thậm chí nó là đội ngũ dịch vụ đa quốc gia.

Thưa ông, dịch vụ tư vấn thủ tục này có giống như “cò” dịch vụ ở Việt Nam?


Không, “cò” dịch vụ ở ta chủ yếu chỉ “bôi trơn”, đi cửa sau. Cái tôi nói đến là dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp, có trình độ, làm đúng thủ tục. Đội ngũ tư vấn pháp luật này không chỉ cần thiết trong quá trình làm thủ tục đầu tư, mà còn cần cả trong quá trình xây dựng, lúc kết thúc thủ tục… Bởi khi những người không chuyên nghiệp làm việc với nhau, mọi việc chậm trễ và rắc rối dễ nảy sinh và khó giải quyết hơn. Hiện Việt Nam chưa hề có đội ngũ này.

Thủ tướng Chính phủ đã giao thời hạn trong năm 2015, phải rút ngắn ít nhất 1/3 thời gian làm thủ tục xây dựng. Theo nhận định của ông, thời hạn này có khó thực hiện khi thời hạn 2015 đã cận kề?


Tôi thấy việc rút ngắn thủ tục hành chính nói chung đã được Chính phủ, các bộ, ngành triển khai từ vài năm nay, do đó, nếu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành khác đã có sự chuẩn bị trước, có thể thực hiện được chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015.


Tuy Thủ tướng giao nhiệm vụ này cho Bộ Xây dựng, nhưng chỉ là giao Bộ Xây dựng chủ trì, phải có nhiều bộ, ngành khác tham gia thì mới thành công được.

Mong rằng Bộ Xây dựng sau khi nhận chỉ đạo, phải có kế hoạch hành động rõ ràng, rành mạch, năm nào làm gì, bao giờ hoàn thành, ai làm việc gì... rồi trình Thủ tướng phê duyệt kế hoạch ấy. Đừng để chỉ đạo, thậm chí kế hoạch đưa ra không biết bao giờ xong, nói mà không làm. 

Cảm ơn ông!

Xuân Thu (Thực hiện) 
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.