Kinh tế

Thủ tướng cam kết quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh

03/12/2014, 07:21

"Việt Nam sẽ hành động đồng bộ hơn, quyết liệt hơn trong tái cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tạo thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp (DN)"...

Cải cách hành chính là một trong những lĩnh vực sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp
Cải cách hành chính là một trong những lĩnh vực sẽ tiếp tục được thực hiện quyết liệt để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

Quy trình cấp phép còn phức tạp

Tháng 4/2013, công ty TNHH Nhóm liên kết Châu Quốc Đạt (TP HCM) ngã ngửa khi nhận thông báo đóng tiền phạt từ cơ quan thuế vì “tội” sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đại diện công ty cho biết, trước đó đã đến Chi cục Thuế Gò Vấp (nơi doanh nghiệp - DN đặt trụ sở) để hỏi thủ tục đổi mẫu hóa đơn thuế Giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định mới của Bộ Tài chính và được hướng dẫn vẫn có thể sử dụng hóa đơn cũ vì DN quá nhỏ. “Từ đó tới nay, cơ quan thuế đã gửi 14 thông báo xử phạt đến công ty chúng tôi, đồng thời quyết định cưỡng chế phong tỏa tài khoản tại ngân hàng”, đại diện DN bức xúc.  

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, từ năm 2011-2013, Diễn đàn DN Việt Nam đã nêu 170 vấn đề liên quan đến môi trường hoạt động của DN. Đến nay, 107 vấn đề (trên 70%) đã được xem xét, xử lý, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phục vụ tốt hơn cộng đồng DN, góp phần thúc đẩy kinh tế. 

Tình trạng “cán bộ thuế không thuộc bài, áp dụng sai và thiếu trách nhiệm với DN” - theo nhận xét của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn về trường hợp này, tiếc thay không phải cá biệt, không chỉ riêng trong lĩnh vực thuế mà còn ở không ít cơ quan công quyền. Thậm chí, một bộ phận cán bộ cố tình làm khó buộc DN phải tìm cách lót tay, hối lộ để công việc được giải quyết. 

Đây chính là tình trạng Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Gaurav Gupta đề cập khi thẳng thắn nhận xét: “Đối với các công ty và nhà đầu tư có tính tuân thủ pháp luật cao, Việt Nam là nơi rất khó để thành công”. Ghi nhận một số thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài dựa trên sự mong đợi về ổn định kinh tế và chính trị, song ông Gaurav Gupta cũng không khỏi lo lắng khi “một số nhà đầu tư tiềm năng của AmCham đã không hiện thực hóa được mục tiêu ban đầu vì liên tiếp phải đối phó với những thách thức về tham nhũng, hạn chế nguồn nhân lực và quy trình cấp phép cũng như môi trường pháp lý chưa rõ ràng, còn nhiều hạn chế và phức tạp, khiến họ phải suy nghĩ về những kế hoạch kinh doanh hay mở rộng đầu tư tại Việt Nam”. 

Để xử lý vấn đề này, đồng Chủ tịch Liên minh VBF Virginia Foote, cho rằng, Việt Nam cần giảm đáng kể tỷ lệ sử dụng tiền mặt và các giao dịch tài chính trực tiếp giữa DN với DN cũng như giữa DN với Nhà nước.

 “Sẽ hành động đồng bộ, quyết liệt hơn”

Chia sẻ với cộng đồng DN về mối quan tâm này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Công tác phòng chống tham nhũng, như các bạn đã đề cập, chúng tôi rất quan tâm và chúng tôi lắng nghe các bạn”. Thủ tướng cam kết Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường, tăng công khai, minh bạch trong quản lý tài sải, tài chính - ngân sách; cải cách hành chính liên quan đến người dân, DN, xử lý nghiêm vi phạm để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng. 

Thủ tướng cũng ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp thực tế, thẳng thắn, xây dựng về hoạt động điều hành của Chính phủ Việt Nam và khẳng định sẽ tiếp thu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, điều hành sát thực tế hơn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng DN cũng như sự phát triển kinh tế. Năm 2014, mặc dù đã đạt được một số kết quả kinh tế, xã hội nhất định, song người đứng đầu Chính phủ cho rằng, “chưa tương xứng với tiềm năng cũng như chưa đạt yêu cầu, mong muốn của chúng tôi cũng như của các bạn”. 

Thủ tướng cam kết, năm 2015, Việt Nam sẽ hành động nhiều hơn, đồng bộ hơn và quyết liệt hơn, trong đó chú trọng một số nhiệm vụ chủ chốt, như: Bảo đảm ổn định vĩ mô vững chắc hơn, kiểm soát lạm phát ở mức 5% cả năm; tăng trưởng GDP 6,2%; giảm bội chi ngân sách còn 5%; bảo đảm nợ công không vượt trần cho phép. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung đột phá trong một số lĩnh vực như hạ tầng, phát triển nguồn lực, đầu tư công, hệ thống tài chính, ngân hàng, hệ thống DN Nhà nước… Thủ tướng nói: “Tại cuộc họp Chính phủ ngày 1/12, chúng tôi đã đánh giá và khẳng định sẽ đưa nợ xấu về mức 3% trong năm 2015; cổ phần hóa 432 tập đoàn, tổng công ty, giảm mạnh tỷ trọng vốn Nhà nước nắm giữ trong các DN này”.

Thảo Nguyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.