Chính trị

Thủ tướng Chính phủ: Cần đồng lòng, hài hoà lợi ích, chia sẻ rủi ro

17/12/2022, 19:06

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội chiều nay (17/12).

Kinh tế đối diện nhiều thách thức

Sau 4 hội thảo chuyên đề nằm trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức, chiều nay, Văn phòng Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Phiên toàn thể cấp cao.

img

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Phiên toàn thể cấp cao diễn ra chiều nay 17/12 tại Hà Nội

Vấn đề trọng tâm tại diễn đàn được các đại biểu tập trung thảo luận là những giải pháp liên quan đến việc "phá băng" thị trường bất động sản và ổn định thị trường tài chính.

Phát biểu khai mạc, ông Trần Tuấn Anh - Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2022 vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực và tương đối toàn diện. Kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu. Xuất khẩu trong 11 tháng của năm 2022 tăng hơn 13,4%, xuất siêu hơn 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1%...

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ý kiến của chuyên gia, bộ ngành tại diễn đàn đều “đúng và trúng”. Vấn đề đưa ra “đúng, trúng” nhưng doanh nghiệp, nhà tư vấn, nhà ngoại giao, nhà quản lý cùng nhau làm thế nào để giải quyết?

“Tôi đề nghị, tất cả phải vào cuộc. Càng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm càng phải đoàn kết thống nhất, chung tay đồng lòng. Nhà quản lý, nhà tư vấn, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người dân đều phải làm. Trong lúc này, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, quốc tế cần thiết. Chúng ta phải quyết tâm đoàn kết, đồng lòng chung sức làm với tinh thần hài hoà lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước”, Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh kết quả khả quan năm 2022, nền kinh tế Việt Nam bộc lộ nhiều khó khăn thách thức. Sự suy yếu nhanh chóng của tổng cầu thế giới đã ảnh hưởng trực tiếp lên các đơn hàng sản xuất trong nước; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lần đầu tiên đạt 47,4 điểm, giảm dưới ngưỡng trung bình 50 điểm sau 13 tháng liên tiếp ở mức cao. Hệ lụy là ở một số lĩnh vực, người lao động đã bị mất việc làm…

Bên cạnh những điểm sáng, cán cân thương mại dịch vụ vẫn đang bị mất cân đối ngày càng lớn. Tỷ giá và lãi suất trong mấy tháng gần đây có những bước tăng đột biến phản ánh mức độ căng thẳng thanh khoản trên thị trường tài chính ngân hàng.

Giải ngân đầu tư công thấp, ước chỉ đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao sau 11 tháng tạo nên nghịch lý nền kinh tế thì thiếu vốn trong khi nguồn lực của nhà nước lại không thể đưa vào lưu thông trong nền kinh tế.

Tiếp tục đề xuất hoãn thuế phí giúp doanh nghiệp phục hồi

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để tăng trưởng kinh tế, cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đột phá để khơi thông nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt lưu ý mối quan hệ mật thiết, tính liên thông giữa tín dụng, thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản để điều hành đồng bộ, phù hợp. Cùng đó, cần điều hành lãi suất, tỷ giá, dự trữ ngoại hối, cung tiền sát thực với diễn biến tình hình kinh tế xã hội của đất nước. Biên độ, thời gian điều chỉnh phải tính toán, dự báo phù hợp, có tầm nhìn, không gây sốc cho nền kinh tế.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng nêu quan điểm, với đầu tư công, Việt Nam cần đẩy nhanh tốc độ giải ngân hơn nữa.

Theo đại diện ADB, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tiềm ẩn lo ngại thanh khoản đi kèm niềm tin nhà đầu tư suy giảm. Chính phủ cần thực hiện cải cách như xếp hạng tín dụng công, phát triển quỹ trái phiếu doanh nghiệp và quỹ hưu trí và thắt chặt yêu cầu với nhà đầu tư chuyên nghiệp để đương đầu “con gió ngược” vào 2023.

Bên cạnh đó, nhiều cơ quan quản lý nhà nước cũng trình bày tham luận, định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm khơi thông "mạch máu" kinh tế trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đang chủ động xây dựng các gói hỗ trợ khác nhau. Trong đó, bộ tiếp tục đề xuất hoãn thuế phí, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn về dòng tiền và thanh khoản.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, bộ cân đối thu chi, đảm bảo các nguồn lực tài chính cho chương trình phục hồi kinh tế, đặc biệt là nguồn lực triển khai hiệu quả các dự án đầu tư công.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết, thời gian tới, bộ sẽ rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật gây cản trở đầu tư bất động sản, đồng thời giải quyết trình tự thủ tục trong xây dựng.

Ông Sinh cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục nới room tín dụng, hạ lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp bất động sản. Trền cơ sở rà soát đánh giá các dự án có khả thị, có đầy đủ pháp lý cần hỗ trợ các thủ tục triển khai vay vốn.

Trước đó (sáng 17/12), tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra 4 hội thảo chuyên đề gồm: "Kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng kinh tế mới", "Lành mạnh hoá thị trường tài chính và thị trường bất động sản để phát triển kinh tế nhanh và bền vững", "Đẩy nhanh tháo gỡ những điểm nghẽn về đầu tư công và nút thắt về vốn cho doanh nghiệp", "Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi và việc làm gắn với phát triển kinh tế năm 2023".

Tại mỗi chuyên đề, các chuyên gia, cơ quan quản lý đều đã đưa ra ý kiến, phương hướng cụ thể, giúp kinh tế trong nước tiếp tục phát triển trong năm tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.