Hàng không

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công "siêu" sân bay Long Thành

05/01/2021, 09:42

Sáng 5/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát lệnh khởi công Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 109 nghìn tỷ đồng

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cùng nhiều quan chức và lãnh đạo ACV bấm nút khởi công dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: Phan Công

Top 16 dự án cảng hàng không được mong chờ nhất thế giới

Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hạ tầng cơ sở đóng vai trò mạch máu quan trọng trong phát triển KTXH, đảm bảo an ninh quốc phòng. Hạ tầng hiện đại mới đón được “đại bàng lớn” vào đầu tư.

Vì vậy, Chính phủ luôn chú trọng việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông hàng không. Nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa lớn, trong khi hạ tầng hàng không chậm cải thiện sẽ tạo “điểm nghẽn” phát triển.

Trong khi đó, tại Việt Nam, sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất đang quá tải, điều này làm mất cơ hội thu hút đầu tư.

img

Thời khắc quan trọng đánh dấu sự khởi đầu của một trung tâm hàng không tầm cỡ khu vực. Ảnh: Theo Quang Hiếu/VGP

“Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là 1 trong 16 dự án cảng hàng không đáng chú ý nhất thế giới, sự phát triển của Cảng Hàng không này sẽ góp 3-5% tăng trưởng GDP của đất nước” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý.

4 dự án thành phần, tổng mức đầu tư 109 nghìn tỷ

Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD.

Mục tiêu xây dựng cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373.000 m2; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Thời gian thực hiện Dự án từ 2020 đến 2025.

img

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công dự án CHKQT Long Thành. Ảnh Phan Công

Dự án được chia thành 4 dự án thành phần. Trong đó, Dự án thành phần 1 - các công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước được Thủ tướng giao các cơ quan quản lý nhà nước liên quan (Hải quan, Công an, Công an cửa khẩu, Cảng vụ, Kiểm dịch y tế) bố trí nguồn vốn thực hiện.

Trường hợp không có khả năng bố trí vốn, các cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BTL hoặc BLT.

Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay, chủ đầu tư được Thủ tướng giao cho TCT Quản lý bay VN làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 3 - các công trình thiết yếu trong cảng, bao gồm: nhà ga hành khách, hạ tầng hàng không, hệ thống cấp nước, xử lý nước thải; nhà ga hàng hóa số 1, nhà để xe; hệ thống giao thông kết nối tuyến số 1 và số 2… sẽ do TCT Cảng hàng không VN (ACV) làm chủ đầu tư.

Dự án thành phần 4 - các công trình khác sẽ thực hiện bởi các nhà đầu tư, chủ đầu tư do Bộ GTVT chủ trì lựa chọn.

img

Nhà ga hành khách - cảng HKQT Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu

Tháng 12/2025 sẽ đưa siêu sân bay Long Thành vào khai thác

Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết: Theo Quyết định được Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ký phê duyệt, ACV được giao nhiệm vụ là chủ đầu tư đối với Dự án thành phần 3 với tổng mức đầu tư lên tới hơn 99 nghìn tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.

Ngay khi Chính phủ trình Quốc hội thông qua Báo cáo NCKT của Dự án vào tháng 9/2019, ACV đã bắt đầu triển khai xây dựng Phương án thực hiện.

Trong đó trọng tâm là kế hoạch, tiến độ thực hiện; cân đối nguồn vốn, kế hoạch giải ngân.

Riêng về nguồn vốn, ông Thanh cho biết: Vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29.225 tỷ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020 - 2025 dành riêng cho Dự án là 6.877 tỷ đồng.

Số còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế...

Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143.000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động

Theo tiến độ phê duyệt, dự án sẽ được triển khai trong giai đoạn 2020 - 2025.

Mặt bằng sạch, vốn đã sẵn sàng

Theo ông Lại Xuân Thanh, có 2 yếu tố thuận lợi với ACV trong việc thực hiện Dự án.

Thứ nhất là công tác GPMB do UBND Tỉnh Đồng Nai thực hiện, phần đất cần thiết cho Giai đoạn 1 đã được Tỉnh bàn giao cho Bộ GTVT. Thứ hai là nguồn vốn được đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng.

Để thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng, ngoài việc chỉ đạo, giám sát của các cơ quan Nhà nước, đảm bảo tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, ACV đang rà soát, rút ngắn tối đa thời gian dự kiến thực hiện các công việc nội bộ như xây dựng hồ sơ, tài liệu, thẩm định, phê duyệt.

img

Các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng sẵn sàng triển khai hạng mục rà phá bom mìn

Dự kiến, sau khi khởi công dự án thành phần 3 và triển khai các hạng mục rà phá bom mìn, xây dựng tường rào, san lấp mặt bằng, từ tháng 1-9/2021 sẽ triển khai công tác thiết kế kỹ thuật.

Tháng 7/2022, xây dựng nhà ga hành khách. Tháng 8/2022, xây dựng các hạng mục hạ tầng kỹ thuật.

Tháng 12/2025, hoàn thành các hạng mục công trình và đưa cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác.

ACV sẽ tăng cường tối đa năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ chủ đầu tư, quản lý dự án, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các nhà thầu tư vấn, thi công, giám sát, cung cấp hàng hóa, dịch vụ để đảm bảo chất lượng, tiến độ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Nhà nước để thực hiện các quy trình, thủ tục liên quan đến dự án trong thời gian ngắn nhất.

img

Hệ thống làm thủ tục xuất nhập cảnh tự động

Cũng theo ông Thanh, Cảng HKQT Long Thành được đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm hàng không của khu vực.

Theo Nghị quyết 94 của Quốc hội và Quyết định 1777 của Thủ tướng Chính phủ, Cảng HKQT Long Thành sẽ được đầu tư xây dựng đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO với các công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý và vận hành khai thác tương đương các Cảng HKQT tiên tiến trên thế giới.

Đây là cảng hàng không thông minh (Smart Airport), đáp ứng các tiêu chuẩn sinh thái về bảo vệ môi trường (Eco Airport) và phù hợp với xu hướng chung về phát triển bền vững (Sustainable Development) đang được áp dụng cho các cảng hàng không mới, hiện đại trên thế giới.

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Dự án có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200ha.

Tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng, tương đương 16 tỷ 030 triệu USD, được chia làm 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 sẽ đầu tư 01 đường cất hạ cánh và 01 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.