Đời sống

Thực hư thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Cà Mau?

12/03/2019, 23:07

Ngành chức năng của tỉnh Cà Mau khẳng định, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh không có ổ dịch tả lợn châu Phi nào.

img
Hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội Facebook. Ảnh: T.M

Chiều tối 12/3, ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Cà Mau cho biết, đơn vị đang tiến hành các bước để xử lý việc tung tin đồn thất thiệt về dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Cà Mau trên mạng xã hội.

“Theo thông tin từ Sở NN&PTNT, hiện ở Cà Mau không có ổ dịch nào, khẳng định không có dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Cà Mau. Vào sáng mai (13/3) Sở NN&PTNT sẽ có văn bản chính thức về vấn đề này”, ông Đen nói và cho biết thêm, hiện thanh tra Sở TT&TT cũng đang thu thập chứng cứ để có hướng xử lý tiếp theo, và sẽ có thông tin chính thức nhằm tránh gây hoang mang dư luận.

Theo đó, vào chiều cùng ngày, có một số tài khoản Facebook đăng tải nội dung hàm ý: “Tới Cà Mau rồi, thề không ăn thịt heo luôn” hay “Thịt heo đã tới Cà Mau rồi…”. Có tài khoản còn đăng tải nội dung: “Trung Quốc với châu Phi heo chết hết rồi, phải đi nhập khẩu heo về để thịt, còn Việt Nam mình thì mua heo bệnh về bán cho dân ăn”,...

Chỉ trong vài giờ, có tài khoản đã có đến hàng ngàn lượt chia sẻ với hàng trăm ngàn lượt thích và bình luận tỏ ra rất lo lắng về bệnh dịch.

Liên quan đến việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương; UBND huyện, thành phố Cà Mau triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, theo tinh thần Chị thị số 04, ngày 20/02/2019 của Thủ tướng Chính phủ

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các Sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh tổ chức giám sát chặt chẽ nơi buôn bán, giết mổ, trung chuyển lợn; thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn; xây dựng phương án đóng cửa chợ, cơ sở giết mổ, nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý, mức và thời gian hỗ trợ của nhà nước đối với động vật nghi mắc bệnh, đã mắc bệnh, chết và buộc phải tiêu hủy để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.