Y tế

Sự thật về bài test nhanh "đứng co chân đo nguy cơ đột quỵ"?

10/12/2020, 15:21

Sau khi nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời vì đột quỵ, thử thách "nhắm mắt, co chân, đo nguy cơ đột quỵ" được lan truyền chóng mặt trên MXH.

img

Hình ảnh nghệ sĩ Chí Tài tham gia thử thách

Thực hư "nhắm mắt, co chân đo nguy cơ đột quỵ"?

Sau thông tin nghệ sĩ Chí Tài đột ngột qua đời vào ngày 9/12 vì đột quỵ, nhiều người phát hiện ra trước đó nam danh hài đã tham gia một chương trình về sức khỏe và được nhận định "tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ cao".

Kết luận này đưa ra khi Chí Tài thực hiện thử thách đứng 1 chân nhưng chỉ giữ được thăng bằng trong vòng 4-7 giây, trong khi người thường có thể đáp ứng tối thiểu là 20 giây.

Bài thử nghiệm này yêu cầu người thực hiện nhắm mắt, đứng 1 chân... và có thông tin cho rằng "đây là 1 chương trình thử nghiệm từng sử dụng ở Nhật và kết quả cho thấy những người có khả năng giữ thăng bằng kém, chỉ đứng được trung bình tối đa 2 giây, có nguy cơ tử vong cao gấp 3 lần trong 13 năm tiếp theo so với những người có thể đứng được 10 giây trở lên. Thời gian giữ thăng bằng có xu hướng giảm xuống nhanh chóng ở người lớn tuổi.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết: "Nguyên nhân tử vong của danh hài Chí Tài, do đột quỵ não hay tim, chắc chắn sẽ được làm rõ bởi các bác sỹ pháp y.

Tuy nhiên, bất ngờ hơn khi nhìn thấy clip do nghệ sỹ thực hiện cách thời điểm tử vong chỉ 2 ngày nhằm cảnh báo nguy cơ đột quỵ. Kết luận của clip, với những ai không thể giữ thăng bằng một chân trên 20 giây, nguy cơ đột quỵ sẽ cao và để tránh đột quỵ nên... sử dụng dược phẩm chức năng Nhật Bản!!!". (Clip này đã bị gỡ xuống rất nhanh sau cái chết của nghệ sỹ).

Theo BS. Thắng, phong trào “đứng giữ thăng bằng một chân” để đo nguy cơ đột quỵ đang được lan truyền trên khắp MXH bấy lâu được bắt nguồn từ nghiên cứu tại Nhật Bản, công bố trên tạp chí “Stroke Journal” năm 2014.

Nghiên cứu bao gồm gần 1.400 người với độ tuổi trung bình 67, kết quả cho thấy việc không thể giữ thăng bằng với một chân quá 20 giây có liên quan đến việc suy giảm nhận thức và các tổn thương não không triệu chứng do tổn thương mạch máu nhỏ.

Tuy nhiên, về mặt khoa học, những tổn thương do mạch máu nhỏ này chưa thể được xem là đột quỵ não thật sự.

Nó chỉ đơn thuần phản ánh đến tình trạng tổn thương xơ vữa mạch máu nhỏ trong não, mà gần như không thể tránh khỏi khi con người trên 60 tuổi, đặc biệt nếu đi kèm với bệnh nền tăng huyết áp hay đái tháo đường.

"Để giữ được thăng bằng cơ thể, chúng ta cần não (đặc biệt là tiểu não), hệ thống thị giác và cả hệ cơ xương khớp.

Theo y văn, có đến 1/3 người trên 65 tuối bị té ngã do mất thăng bằng, nguyên nhân do mắc phải một hay nhiều khiếm khuyết về mặt chức năng trên. Ngoài ra trọng lượng cơ thể và sự tập luyện cũng ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng này (với những người tập Yoga chắc chắn khả năng giữ thăng bằng trên 20 giây).

Quan trọng hơn, nghiên cứu này chỉ được làm trên một nhóm dân số lớn tuổi (67 tuổi) Nhật Bản có kèm theo nhiều bệnh nền, và không được đánh giá khả năng này trước đó, do vậy cần thiết phải kiểm định lại trên các nhóm dân số khác ngoài Nhật Bản (như Việt Nam…) hoặc trên các lứa tuổi khác trẻ hơn với cỡ mẫu lớn trước khi ra khuyến cáo một cách rộng rãi trong cộng đồng và xem như là một yếu tố nguy cơ đột quỵ mới (?)", BS. Thắng nhận định.

Các nguy cơ dễ gây đột quỵ

Cùng quan điểm, BSCKI. Nguyễn Đình Tuấn, Khoa Thần kinh, BV ĐK Medlatec cũng nhận định: "Chưa có cơ sở khoa học nào chứng mình bài "đứng 1 chân thăng bằng" có thể đo được "nguy cơ đột quỵ". Và đột quỵ có thể phòng tránh được".

Theo BS. Tuấn, khi một người có càng nhiều yếu tố nguy cơ thì càng dễ bị đột quỵ hơn. Các nguy cơ này bao gồm các yếu tố có thể kiểm soát được và không thể kiểm soát được. Do vậy bạn cần kiểm soát các nguy cơ có thể thay đổi nhờ chế độ ăn, tập luyện như:

Tăng huyết áp: Cao huyết áp, nguyên nhân hàng đầu của đột quỵ, làm tổn thương thành động mạch và có thể làm tăng hoạt động đông máu, dẫn đến sự hình thành các cục máu đông gây đột quỵ. Lối sống tích cực, chế độ ăn giảm muối, chất béo, tránh căng thẳng… có thể giảm nguy cơ mắc tăng huyết áp.

Hút thuốc: làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh việc gây hại cho phổi, hút thuốc cũng làm tổn thương thành mạch máu, làm tăng quá trình xơ cứng động mạch, khiến tim làm việc nhiều hơn và làm tăng huyết áp. Hút thuốc thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quy.

Cholesterol cao và thừa cân, béo phì: Cholesterol thừa có thể tích tụ trên thành động mạch và dẫn đến xơ vữa, tắc mạch. Thừa cân làm quá tải toàn bộ hệ tuần hoàn và mở đường cho các yếu tố nguy cơ khác của đột quỵ, như là cao huyết áp. Lối sống ngồi yên ít vận động làm gia tăng nguy cơ.

Đái tháo đường: Gây ảnh hưởng bất lợi hệ thống tuần hoàn động mạch não, giống như ảnh hưởng trên mạch vành và mạch chi. Bệnh nhân ĐTĐ xơ vữa mạch ngoài sọ nhiều hơn. Bệnh nhân ĐTĐ có tỷ lệ calci hóa động mạch cảnh gấp 5 lần. Nguy cơ đột qụy ở bệnh nhân ĐTĐ tăng lên 2-4 lần so với bệnh nhân không bị đái tháo đường, và kiểm sóat đường huyết kém có liên quan trực tiếp đến nguy cơ đột qụy.

Căng thẳng cũng là yếu tố nguy cơ của đột quỵ.

Lạm dụng rượu bia: Uống rượu yếu tố tăng huyết áp, vữa xơ động mạch. Ngoài ra, uống rượu nhiều trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu. Để giảm nguy cơ đột quỵ thì mọi lứa tuổi, mọi thời điểm chúng ta nên kiểm soát các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được sẽ giảm nguy cơ đột quỵ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.