Xã hội

Thủy điện Đạ Dâng vận hành gây sạt lở, nhà dân treo miệng "hà bá"

16/10/2019, 11:00
image

Thủy điện Đạ Dâng vận hành từ đầu năm gây thiệt hại cho 200 hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa đền bù xong, có ngôi nhà nguy cơ sạt lở xuống suối.

img
Ngôi nhà bà Thành bên miệng "hà bá", lối vào là chiếc cầu khỉ chênh vênh trên dòng nước cuồn cuộn

Báo Giao thông nhận được phản ánh người dân 2 xã Phi Tô và Đạ Đờn, huyện Lâm Hà về việc thủy điện Đạ Dâng vận hành, dòng suối Đạ Cho Mo tiếp tục ngập nặng, xói mòn, sạt lở rẫy hoa màu của người dân.

Sáng sớm 15/10, chúng tôi có mặt tại thôn Phú Hòa, xã Phi Tô tận mắt thấy dòng suối Đạ Cho Mo ào ào như thác đổ. Dòng nước chảy xiết xói vào sát sân nhà bà Nguyễn Thị Thành khiến ngôi nhà có nguy cơ đổ xuống suối bất cứ lúc nào.

Đường vào nhà bà Thành phải đi qua chiếc “cầu khỉ”, bên dưới là dòng nước chảy xiết. Con trai bà cho biết: Trước khi thủy điện vận hành, khoảng cách từ nhà bà Thành đến bờ suối là hơn 10m. Sau đó, thủy điện Đạ Dâng đến kiểm tra và đền bù sạt lở 5m từ bờ suối vào sân nhà.

Tuy nhiên, sau khi thủy điện về nạo vét dòng suối, đất nhà bà Thành tiếp tục lở khoét sâu. Cán bộ huyện và thủy điện về kiểm tra rồi hứa, xong bỏ đi không hề liên hệ lại. Quá bức xúc, ngày 24/9, bà Thành viết đơn gửi Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Lâm Hà nhưng đã hơn 20 ngày vẫn không nhận được công văn trả lời.

img
Con trai bà Thành bức xúc trao đổi với phóng viên

Trước đó, ngày 21/8, ông Đào Hoài Nam, đại diện Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư Thủy điện Đạ Dâng) đã ký cam kết với gia đình bà Thành với nội dung: “Sau này trong quá trình vận hành kênh dẫn, đất của gia đình bà Nguyễn Thị Thành bị sạt lở. Nếu xem xét thuộc trách nhiệm của công ty thì công ty có trách nhiệm phải bồi thường. Nếu vì lý do khách quan như thiên tai, bão lũ, mưa lớn thì công ty không phải chịu trách nhiệm”.

Tuy nhiên, theo người dân ở đây thì năm nay dòng suối Đạ Cho Mo không có lụt lớn. Đặc biệt từ ngày 21/8 khi đại diện thủy điện về kiểm tra và viết cam kết đến nay không hề xảy ra trận lụt nào khiến thủy điện Đạ Dâng phải xả lũ.

“Từ ngàn năm nay bao trận lũ lụt sao không sạt lở. Bây giờ cứ đêm đêm thủy điện lại xả nước để vận hành phát điện nên mới sạt lở nhiều như vậy. Thủy điện không thể vô trách nhiệm như vậy được”, con trai bà Thành bức xúc.

Từ đầu năm 2019, Báo Giao thông có nhiều bài viết phản ánh về tình trạng thủy điện Đạ Dâng vận hành gây thiệt hại hoa màu của người dân hạ lưu mà chưa chịu đền bù. Sau khi kiểm tra thực tế và làm việc với người dân Phòng NN và PTNN, huyện Lâm Hà đã khẳng định nguyên nhân do: “Lòng hồ thủy điện Đạ Dâng - Đạ Cho Mo hợp thủy. Nước sau khi phát điện được tiêu thoát hoàn toàn về suối Đạ Cho Mo dẫn đến nước dâng, gây ngập úng một số diện tích đất sản xuất nằm thấp ven suối Đạ Cho Mo”.

Theo biên bản làm việc với các bên do UBND huyện Lâm Hà chủ trì ngày 12/7, Công ty Long Hội đã đền bù cho 189 hộ dân hai xã Mê Linh và Phi Tô. Còn 45 hộ tại xã Phi Tô bị sạt lở trực tiếp đang tiếp tục hoàn thiện công tác đền bù.

Tuy nhiên, đến nay thủy điện Đạ Dâng vẫn chưa đền bù xong cho các hộ dân. Người dân 2 xã Phi Tô và Đạ Đờn cho rằng "thủy điện lén lút thống kê thiệt hại không có sự chứng kiến của người dân". Cũng tại thôn Phú Hòa có gia đình ông Hoàng Tiến Lục đã nhiều lần làm việc nhưng vẫn chưa thỏa thuận được mức đền bù. Theo ông Lục, giá đền bù Công ty CP đầu tư và xây dựng điện Long Hội đưa ra chưa bằng 1/2 giá thị trường nên gia đình ông không chấp nhận.

img
Ban đêm thủy điện xả nước, ban ngày khi nước rút khô thiệt hại để lại cho người dân vô cùng lớn

Ông Lục cho biết: “Làm việc với lãnh đạo huyện và thủy điện họ cho rằng về kiểm tra, thống kê thiệt hại để hỗ trợ người dân là hoàn toàn sai. Thủy điện vận hành sản xuất điện làm sạt lở vùng hạ lưu thì họ phải bồi thường chứ không thể nói là hỗ trợ.

Cách làm việc của thủy điện Đạ Dâng đã sai với Khoản 1, điều 3, Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường. Sai hoàn toàn so với mục 3, Điều 5 Bồi thường về đất Quyết định 64/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong Chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện.

Đặc biệt, căn cứ mục 3, điều 2, Nghị định 114/2008/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ: Công trình có liên quan là công trình xả nước, công trình lấy nước, tuyến năng lượng, công trình thông thuyền và công trình cho cá đi, thì thủy điện Đạ Dâng phải bồi thường toàn bộ cho những hộ dân bị sạt lở 2 bên bờ suối Đạ Cho Mo theo quy định của pháp luật”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.