Hồ sơ tài liệu

Tiền tỷ đô chạy đua làm Tổng thống Mỹ có từ đâu?

08/05/2015, 18:25

Nhiều người tò mò về chi phí được đồn đoán là lớn khủng khiếp của những chiến dịch vận động tranh cử Tổng thống.

Bà Clinton chính thức tuyên bố ra tranh cử Tổng th
Bà Clinton chính thức tuyên bố ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bắt đầu nóng lên khi bà Hilary Clinton chính thức công bố quyết định tranh cử. Bên cạnh chuyện ai sẽ là Tổng thống mới của nước Mỹ sau cuộc bầu cử năm 2016, người ta còn tò mò về chi phí được đồn đoán là lớn khủng khiếp của những chiến dịch vận động tranh cử.

Để đảm bảo sự minh bạch trong quá trình đóng góp tiền cho quỹ vận động tranh cử cũng như chi tiêu của ứng viên, một Ủy ban Bầu cử liên bang (FEC) đã được thành lập để giám sát toàn bộ hoạt động này.

Cuộc chơi chính trị - chi phí khủng

Các ứng viên tranh chức Tổng thống thường dựa vào bốn nguồn tài chính để huy động tiền cho chiến dịch tranh cử: Cá nhân, các nhóm lợi ích; các Ủy ban hành động chính trị; đảng chính trị họ tham gia; và tiền của họ hoặc gia đình. Bên cạnh những nguồn chính này, ứng cử viên tranh cử Tổng thống được tài trợ một khoản tiền từ quỹ Bầu cử Tổng thống cho các hoạt động vận động của mình. Quỹ này được thành lập vào năm 1971, theo đó mỗi người dân đóng thuế sẽ trích 1 USD để ủng hộ vào Quỹ Bầu cử. Năm 1994, mức này được nâng lên thành 3USD.

Các nhân viên của FEC sẽ tham gia quá trình quyết định những ứng viên tranh cử Tổng thống nào đủ điều kiện được nhận tiền từ Quỹ này và giám sát quá trình sử dụng tiền quỹ của họ. Ngày 3/4/2014, ông Obama đã kí đạo luật chấm dứt việc sử dụng tài chính công cho các hội nghị Đảng cử ứng viên Tổng thống Mỹ. Bản thân ông cũng từ chối nhận khoản tài chính công từ Quỹ Tổng thống khi vận động tranh cử  vào năm 2008.

Sự phụ thuộc vào truyền thông ngày càng lớn và cuộc chơi chính trị ngày càng chuyên nghiệp đã đẩy chi phí các cuộc vận động tranh cử này lên mức khó tưởng tượng. Năm 2000, chi phí cho riêng hoạt động tranh cử Tổng thống Mỹ là 1,413 tỉ USD, năm 2004 là 1,91 tỉ USD, năm 2008 là 2,799 tỉ USD và năm 2012 là 2,621 tỉ USD - đây cũng là năm có chi phí cho cuộc đua vào Nhà Trắng tốn kém nhất trong lịch sử bầu cử nước Mỹ. Nếu tính chi phí cho toàn bộ cuộc tổng tuyển cử bao gồm cả cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của ông Obama, ông Romney và tranh cử vào Quốc hội của các nghị sĩ hai Đảng đối lập, số tiền lên tới gần 6,3 tỷ USD.

Chuẩn bị cho cuộc chạy đua chức Tổng thống năm 2016, các tổ chức đã bắt đầu ráo riết lên kế hoạch vận động gây quỹ. Đáng chú ý là mạng lưới vận động chính trị của Tổ chức Đối tác tự do (Freedom partners) của anh em nhà Koch tuyên bố sẽ dành gần 900 triệu USD cho cuộc bầu cử Tổng thống lần này. Chi phí này gần gấp đôi số tiền họ tiêu tốn cho cuộc bầu cử năm 2012. Được biết, phần lớn số tiền này do các nhà tài trợ đóng góp, anh em nhà Koch chỉ đóng góp một phần.  

Luật nào kiềm chế sự thao túng của giới tài phiệt?

Mặc dù số tiền bỏ ra ngày càng lớn nhưng thực tế chi tiêu của ứng viên lại chiếm tỉ lệ ngày càng ít, phần lớn chi phí tập trung vào việc gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Đó là do các Ủy ban hành động chính trị (PAC) và nhóm lợi ích ngày càng đóng vai trò lớn trong những cuộc đối thoại trực tiếp với cử tri, hoạt động gây quỹ và quảng bá cho ứng viên mà họ ủng hộ. Các hoạt động chủ yếu được chi tiền là vận động cử tri ủng hộ qua thư điện tử, quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh và tổ chức các cuộc gặp mặt gây quỹ.

Lo sợ việc nhóm lợi ích và những cá nhân giàu có có thể ảnh hưởng đến nhiều chính sách công, FEC được thành lập vào năm 1974 để giám sát toàn bộ nguồn tiền quyên góp cho tranh cử, từ số tiền cụ thể đến danh sách các nhà tài trợ lớn nhất. Được hỗ trợ bằng đạo luật Cải cách tranh cử lưỡng đảng (BCRA) do Tổng thống Mỹ Bush kí vào năm 2002, FEC ra quy định về mức hỗ trợ của các cá nhân và tổ chức cho từng chiến dịch tranh cử nhất định. Với cuộc bầu cử năm 2016, FEC đã thông báo về giới hạn mức đóng góp.

Theo đó, cá nhân được đóng góp tối đa 2.700 USD (tăng 100USD so với bầu cử năm 2014) cho mỗi ứng cử viên trong mỗi cuộc bầu cử. Như vậy, với cuộc bầu cử sơ bộ và tổng tuyển cử, mỗi người sẽ được đóng góp 5.400 USD cho một ứng viên theo chu kì bầu cử hai năm.

Ngoài ra, mỗi năm, một cá nhân còn có thể quyên góp 33.400 USD cho mỗi đảng phái chính trị, tăng 1.000 USD so với cuộc vận động bầu cử 2011 - 2012. Đối với tổ chức chính trị, lãnh đạo các tổ chức đảng phái, ứng cử viên nhận tiền của các nguồn vận động hành lang, FEC cũng yêu cầu phải có báo cáo về nhà tài trợ nếu kinh phí quyên góp của họ vượt quá 17.600 USD/6 tháng (năm 2012 con số này là 17.000 USD). 

“Dòng thác” tiền ủng hộ tranh cử

Tháng Tư năm ngoái, Tòa án Tối cao Mỹ thông qua quyết định nâng trần định mức mà các cá nhân được phép ủng hộ cho ứng cử viên Tổng thống.

Theo đó, mỗi cá nhân được đóng góp cho bầu cử tối đa 3,6 triệu USD (mức cũ là 123.200 USD - PV) và không giới hạn tổng tiền tối đa mà mỗi ứng viên được nhận. Với quyết định này, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm nay được “thả cửa” nhận tiền ủng hộ tranh cử. Tờ New York Times dự tính, số tiền các ứng viên Tổng thống Mỹ năm 2016 nhận được sẽ gấp đôi tiền ủng hộ thời Tổng thống Barack Obama và ông Mitt Romney chạy đua năm 2012.

“Dòng thác” tiền ủng hộ tranh cử khiến không ít chuyên gia Mỹ e ngại sẽ xảy ra bê bối dùng tiền để đổi lấy quyền lợi. Trước đây, mạnh thường quân cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton năm 2008 - ông Yung Yuen Hsu từng phải chịu án phạt 24 năm tù trước cáo buộc gian lận khi tham gia thao túng nhiều sự kiện chính trị “phá vỡ những quy tắc dân chủ của Mỹ”.

Có lỗi trong tờ khai thuế

Lần tranh cử thứ hai, bà Clinton lại gặp rắc rối liên quan tới tài chính khi Quỹ Clinton của gia đình bà bị cáo buộc: Sử dụng ảnh hưởng chính trị thời bà Hillary làm Ngoại trưởng để chính phủ nước ngoài đóng góp tiền, gây ảnh hưởng tới chính sách Mỹ; cũng như sai sót trong khi liệt kê một số nhà tài trợ của chính phủ trên tờ khai thuế.

Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng chứng minh gia đình bà Clinton lạm dụng chức quyền, đồng thời Giám đốc điều hành Quỹ Clinton Maura Pally xác nhận có lỗi trong tờ khai thuế và đã kịp thời bổ sung sửa đổi. Thông tin này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới số phiếu trong cuộc tranh cử Tổng thống sắp tới của bà Clinton. 

T.T

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.