Thời sự Quốc tế

Tin thế giới mới nhất 14/4: Amazon tuyển 75 nghìn lao động bất chấp dịch

14/04/2020, 20:30

Cập nhật tin thế giới mới nhất 14/4: Đi ngược suy thoái, Amazon tuyển thêm 75 nghìn lao động giữa mùa dịch; Virus Corona vẫn sống ở 60 độ C...

Tin tức thế giới mới nhất hôm nay, những phát ngôn được chú ý của người nổi tiếng liên tục được cập nhật:

img
Dịch vụ thương mại điện tử của Amazon đang ăn nên làm ra vào thời điểm hiện tại. Ảnh Reuters

Đi ngược suy thoái toàn cầu, Amazon tuyển thêm 75 nghìn lao động giữa mùa dịch

Công ty Amazon.com Inc hôm thứ hai cho biết họ sẽ thuê thêm 75.000 người ở nhiều vị trí, từ nhân viên kho đến tài xế giao hàng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh người dân Mỹ phải ở nhà, để ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, và vì thế nhu cầu đặt hàng trực tuyến tăng cao, theo Reuters.

Trong bối cảnh nhiều khách hàng đã 'càn quét' khắp các siêu thị để mua đồ tích trữ vì lo bị cách li dài hạn và nhiều trường hợp thiếu hụt hàng hoá, Amazon đang nỗ lực duy trì đủ lượng thực phẩm và các sản phẩm y tế trong kho hàng và có đủ nhân viên để làm việc tại cửa hàng và giao hàng.

Amazon cũng cho biết họ dự kiến sẽ chi hơn 500 triệu USD để tăng tiền lương cho công nhân trên toàn cầu trong đại dịch, tăng đáng kể so với ước tính trước đó là 350 triệu USD.

Phát hiện virus Corona vẫn sống sót dù được xử lý ở 60 độ C

Các nhà khoa học Pháp thử nâng nhiệt độ đến gần ngưỡng đun sôi mới có thể vô hiệu hóa toàn bộ mẫu virus được tiến hành thí nghiệm.

Trong thí nghiệm, nhóm các nhà khoa học Pháp ghi nhận virus Corona chủng mới có khả năng tồn tại trong thời gian dài dưới điều kiện nhiệt độ cao, theo South China Morning Post.

img
Quân nhân Anh hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại London. Ảnh: Reuters

Cụ thể, giáo sư Remi Charrel và các đồng nghiệp tại Đại học Aix-Marseille, miền Nam nước Pháp, xử lý mẫu thí nghiệm ở mức 60 độ C trong vòng 1 giờ. Sau đó, họ phát hiện một số mẫu virus vẫn có khả năng nhân bản.

Các nhà khoa học phải nâng nhiệt độ lên gần mức đun sôi mới có thể tiêu diệt hoàn toàn số virus còn lại, theo kết quả nghiên cứu được chia sẻ trên nền tảng tài liệu y học bioRxiv.org ngày 11/4. Nghiên cứu này chưa nhận được phản biện khoa học.

Số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất Đông Nam Á, Indonesia ban bố thảm họa quốc gia

“Sắc lệnh tuyên bố thảm họa phi tự nhiên do Covid-19 gây ra là thảm hoạ quốc gia” - tờ Jakarta Post dẫn sắc lệnh ban hành hôm 13/4 cho biết.

img
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: AFP

Sắc lệnh cũng nêu rõ rằng các nỗ lực giảm thiểu dịch bệnh sẽ do lực lượng đặc trách Covid-19 phối hợp với chính quyền khu vực, các bộ và các cơ quan quốc gia thực hiện.

“Thống đốc, thị trưởng, với tư cách là lãnh đạo của lực lượng đặc trách Covid-19 (trong khu vực tương ứng của họ), phải ghi nhớ các chính sách của chính phủ trung ương khi đưa ra bất kỳ chính sách nào", sắc lệnh nêu rõ.

Một số khu vực có số lượng lớn các ca nhiễm Covid-19 tuyên bố giãn cách xã hội quy mô lớn (PSBB), bao gồm Jakarta; các thành phố và thị trấn của Bogor, Depok và Bekasi, Tangerang, Nam Tangerang và Pekanbaru.

Trên toàn quốc, chính phủ khuyến cáo người dân nên ở nhà và duy trì khoảng cách trong các tương tác xã hội.

Thách thức ông Trump, 6 thống đốc Mỹ tuyên bố tự quyết việc dỡ phong tỏa

Bất chấp Tổng thống Donald Trump tuyên bố có toàn quyền quyết định việc dỡ bỏ mọi sắc lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19 trên khắp cả nước, 6 thống đốc Mỹ thống nhất sẽ cùng nhau tự quyết thời điểm làm việc đó tại bang của họ.

img
Thống đốc New York Andrew Cuomo (trái) khẳng định bang của ông sẽ tự quyết việc dỡ bỏ phong tỏa chống Covid-19, trong khi Tổng thống Donald Trump muốn các bang làm việc đó vào ngày 15. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 13/4 theo giờ địa phương, Andrew Cuomo, Thống đốc bang New York thông báo sẽ cùng lãnh đạo các bang New Jersey, Connecticut, Pennsylvania, Delaware và đảo Rhode quyết định khi nào gỡ bỏ các biện pháp hạn chế tại những khu vực họ phụ trách.

Ông Cuomo cho biết, mỗi bang sẽ đề cử một quan chức y tế cộng đồng và một quan chức chuyên trách về kinh tế để cùng họp bàn với nhau trước khi ra quyết định gỡ bỏ sắc lệnh phong tỏa. Ông khẳng định, quyết định sẽ được đưa ra một cách thận trọng, căn cứ vào tình hình thực tế, cảnh báo của các chuyên gia cũng như bài học kinh nghiệm từ các quốc gia khác, chứ "không mang tính chính trị và ý kiến chủ quan".

Theo báo RT, cả 6 vị thống đốc nói trên đều là chính khách thuộc đảng Dân chủ đối lập. Động thái mới được tin sẽ đẩy họ vào thế đối đầu với Tổng thống Trump.

Mỹ cấp phép xét nghiệm Covid-19 đầu tiên bằng nước bọt

AP đưa tin, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn xét nghiệm Covid-19 bằng nước bọt đầu tiên theo điều lệ quyền hạn khẩn cấp của cơ quan này, nhằm nhanh chóng cho phép các xét nghiệm và trị liệu mới có thể tham gia ứng phó đại dịch, Đại học Rutgers ở bang New Jersey thông tin ngày 13/4.

img
Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi thứ trong xã hội Mỹ. Ảnh: Reuters

Xét nghiệm Covid-19 bằng nước bọt ban đầu sẽ có sẵn với các bệnh viện và phòng khám liên kết với Đại học Rutgers.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh khắp nước Mỹ đang tiếp tục đối phó với dịch bệnh Covid-19. Các phương pháp sàng lọc hiện tại yêu cầu nhân viên y tế phải lấy dịch từ họng hoặc mũi của bệnh nhân. Để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm, nhiều bệnh viện và phòng khám hướng dẫn nhân viên vứt bỏ găng tay và khẩu trang sau khi tiếp xúc gần với bất kỳ ai có thể nhiễm virus. Và nhiều tổ chức đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt các vật tư y tế cơ bản, trong đó có găng tay, khẩu trang...

Với xét nghiệm dựa trên nước bọt, bệnh nhân được đưa một ống nhựa để cho nước bọt vào. Sau đó, họ đưa ống lại cho nhân viên y tế để đưa vào phòng thí nghiệm.

Triều Tiên bất ngờ phóng nhiều tên lửa chống hạm ra biển

Yonhap dẫn nguồn tin quốc phòng cho biết Triều Tiên ngày 14/4 bất ngờ phóng nhiều tên lửa chống hạm tầm ngắn ra vùng biển phía đông bán đảo.

img
Máy bay chiến đấu Triều Tiên trình diễn khả năng truy kích trong dịp ông Kim Jong Un kiểm tra Phi đội Truy đuổi Không kích. Ảnh: KCNA

Các tên lửa chống hạm tầm ngắn của Triều Tiên di chuyển khoảng 150 km ra vùng biển phía đông bán đảo, theo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS).

Các tên lửa được phóng từ khu vực thị trấn duyên hải Munchon, vào khoảng 7h ngày 14/4. Tên lửa bay theo hướng đông bắc, di chuyển khoảng 40 phút trước khi rơi xuống biển.

Hãng tin Yonhap sau đó dẫn nguồn tin quốc phòng cho biết Triều Tiên còn cho chiến đấu cơ phóng thêm tên lửa không đối đất ra biển.

Mỹ cảnh báo sẽ truy cứu trách nhiệm về Covid-19

Ngoại trưởng Mỹ Pompeo khẳng định sẽ có thời gian khiển trách những ai chịu trách nhiệm về Covid-19, song không nói rõ có nhằm vào Trung Quốc hay không.

"Sẽ tới lúc để đảm bảo rằng tất cả chúng ta phải biết điều gì đã xảy ra và những người chịu trách nhiệm phải đưa ra lý do thỏa đáng. Tôi rất tự tin rằng quá trình đó sẽ được thực hiện", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời tờ Bild của Đức hôm 13/4.

img
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 7/4. Ảnh: AFP

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có phải "trả giá" cho những thiệt hại của Covid-19 hay không, Ngoại trưởng Mỹ đã bác bỏ bất cứ biện pháp trừng phạt tức thời nào với Bắc Kinh, nhấn mạnh điều quan trọng lúc này là phải hợp tác toàn cầu để ngăn chặn đại dịch.

Pompeo cho biết cần phải tiến hành tranh luận toàn cầu về việc liệu chính phủ Trung Quốc có phải chịu trách nhiệm cho Covid-19 hay không. "Điều quan trọng là phải hiểu rõ dịch đã bắt đầu như thế nào, xuất hiện ở đâu và có nguồn gốc từ đâu", Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.

Tổng thống Putin thừa nhận, tình hình Covid-19 tại Nga chuyển biến xấu

Tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 ở Nga không thay đổi theo hướng tốt hơn, Tổng thống Nga Vladimir Putin thẳng thắn thừa nhận như vậy vào hôm thứ Hai tại một cuộc họp trực tuyến về tình hình dịch bệnh ở nước này.

"Chúng tôi thấy rằng tình hình đang thay đổi mỗi ngày và thật không may, số người nhiễm bệnh đang gia tăng. Một số lượng lớn các ca bệnh trong tình trạng xấu, chính xác là ở dạng nghiêm trọng", hãng Tass dẫn lời nhà lãnh đạo Nga nói.

Tổng thống Putin yêu cầu giới chức Nga phải công bố thông tin cập nhật về tình hình dịch cũng như các biện pháp đang được thực hiện để chống dịch Covid-19.

Theo ước tính của Tổng thống Nga, những tuần tới sẽ có ý nghĩa quyết định. Do đó, tất cả các hành động của Nga cần phải được tối ưu, tăng dự trữ dồi dào và tính đến tất cả các yếu tố.

Hiện tại, Nga đã ghi nhận 18.328 ca nhiễm Covid-19, 1.470 ca đã bình phục và 148 người đã chết.

WHO: Covid-19 chết chóc gấp 10 lần cúm lợn

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định Covid-19 sẽ gây nên mức độ chết chóc gấp 10 lần cúm lợn, vốn đã trở thành đại dịch toàn cầu trong năm 2009, và cần phải có vắc xin nếu muốn ngăn chặn hoàn toàn tình trạng lây nhiễm.

img
WHO đang được cập nhật thông tin liên tục về dịch Covid-19

WHO đưa ra thống kê cho thấy 18.500 người đã thiệt mạng vì cúm lợn, do virus H1N1 gây ra. Lần đầu tiên cúm lợn phát hiện là vào tháng 3/2009 ở Mexico và Mỹ.

Cúm lợn được công bố đại dịch vào tháng 6 cùng năm và được xem chấm dứt vào tháng 8/2010. Lúc đó WHO bị chỉ trích vì “phản ứng quá mức” vì chỉ tính dịch cúm mùa mỗi năm cũng đã cướp đi mạng sống từ 250.000 đến 500.000 người trên toàn cầu.

WHO chỉ ra trong khi Covid-19 bùng phát nhanh chóng, tốc độ suy giảm của đại dịch lại chậm hơn gấp nhiều lần.

Nam giới béo phì bị nhiễm Covid-19 nặng hơn?

Những số liệu thống chính thức tại Anh về bệnh nhân Covid-19 bị đưa vào điều trị tích cực cho thấy thực tế đáng ngại: 73% là nam và 73,4% là người thừa cân hoặc đến mức béo phì.

img
Chữa cho bệnh nhân Covid-19 trong đơn vị hồi sức tích cực ở Payerne, Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Theo bác sĩ Matthieu Schmidt thuộc Bệnh viện Pitié- Salpêtrière tại Paris, "tất cả các khoa hồi sức cấp cứu tại Pháp đều ghi nhận một tỉ lệ rất cao các đối tượng bệnh nhân thừa cân hay béo phì. 3/4 bệnh nhân của chúng tôi là nam giới".

Tại London (Anh), giáo sư Derek Hill cho biết ông quan sát thấy "có nhiều bệnh nhân nam hơn nữ" bị các biến chứng nặng do virus SARS-CoV-2 gây ra và "những bệnh nhân thừa cân hoặc có vấn đề về sức khỏe từ trước thường có nguy cơ bị nặng hơn".

Ngày 3/4, tổ chức nghiên cứu độc lập của Anh là ICNARC đưa ra nhận định rằng các bệnh nhân bị thừa cân ít có khả năng hồi phục dù được chăm sóc tích cực: Chỉ có 42,4% bệnh nhân béo phì, với chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30, là hồi phục so với 56,4% đối với những người có cân nặng trung bình hoặc nhẹ cân (BMI dưới 25).

Phu nhân Thủ tướng Singapore gây bão cộng đồng mạng Đài Loan

Bà Hà Tinh, vợ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ngày 13/4 phải sửa ngôn từ trong bài đăng trên Facebook của mình khi bình luận của bà bị dư luận coi là "vô ơn" đối với Đài Loan.

img
Bà Hà Tinh cùng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm Indonesia năm 2019. Ảnh: Reuters

Theo South China Morning Post, bà Hà Tinh đã tìm cách "chữa cháy" với người dùng mạng xã hội Đài Loan sau khi bình luận cuối tuần qua của bà về việc quyên góp khẩu trang của Đài Bắc cho Singapore nhận về nhiều chỉ trích.

Trên Facebook hôm 11/4, bà Hà Tinh, Giám đốc Điều hành công ty đầu tư nhà nước Singapore Temasek Holdings, đã chia sẻ bài báo tiếng Anh của Taiwan New về việc quyên tặng khẩu trang với dòng chữ “Errrr”, thán từ biểu thị thái độ khó chịu, chê bai.

Bài đăng của phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long đã kịp thu hút sự chú ý của đông đảo người dùng mạng xã hội. Nhiều bình luận cho rằng phản ứng trước tin tức về quyên góp khẩu trang cho thấy thái độ vô ơn của bà Hà Tinh giữa lúc khẩu trang vẫn khan hiếm giữa mùa dịch.

Cuộc tranh luận không có hồi kết kéo dài đến chiều 13/4. Bà Hà đã sửa một từ ban đầu thành một thông điệp dài hơn, trong đó bà nói rằng bà “mãi mãi biết ơn tất cả bạn bè của chúng ta và những người bạn ở Đài Loan”.

Mỹ kỳ vọng dỡ phong tỏa vào tháng 5

Đài CNN hôm qua dẫn lời Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ Anthony Fauci cho biết nước này có thể sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế tiếp xúc xã hội vào tháng tới, sau khi vượt đỉnh dịch Covid-19.

img
Mọi người cố giữ khoảng cách an toàn tại khu Manhattan thuộc TP.New York (Mỹ)

Ông Fauci cho hay đà bùng phát của dịch bệnh đang chậm lại. Theo ông, một số nơi tại Mỹ có thể bắt đầu nới lỏng các hạn chế từ tháng tới song cần phải thận trọng. Chuyên gia Fauci nhấn mạnh các vùng ở Mỹ sẽ có thời điểm dỡ phong tỏa khác nhau, thay vì cả nước Mỹ cùng “mở cửa”.

Ông đưa ra nhận định trên giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 ở Mỹ đang lên đến đỉnh điểm. Mỹ ghi nhận khoảng 2.000 ca tử vong/ngày trong 4 ngày qua, hầu hết là người có hệ miễn dịch suy yếu. Trong khi đó, số ca nhập viện và số bệnh nhân phải điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt ở Mỹ đã bắt đầu giảm. Chuyên gia Fauci nói thêm ông lạc quan dù vẫn thận trọng về diễn tiến này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.