Xã hội

Covid-19 ngày 16/4: Ba nhân viên Trường Sinh ra viện, không có ca nhiễm mới

16/04/2020, 18:40

Tin tức dịch Covid-19 ngày 16/4: Đến 18h, không có ca nhiễm mới, thêm 3 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca khỏi bệnh ở Việt Nam lên 176.

img
Đến 21h ngày 16/4, Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới, 177 ca bệnh Covid-19 xuất viện

Việt Nam có 177 ca khỏi bệnh

Tối 16/4/2020, thông tin từ Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cho biết, có thêm 1 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh, nâng tổng số trường hợp được chữa khỏi lên 177/268 ca (chiếm 66% tổng số bệnh nhân).
Cụ thể như sau: BN 211, nữ, 22 tuổi, quốc tịch Việt Nam.
- Ngày vào viện: 29/3/2020
- Trong quá trình điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 nhiều lần.
Hiện tại bệnh nhân có sức khỏe ổn định, không ho, không sốt, không khó thở, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo.
Như vậy, tính đến thời điểm này tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã điều trị và công bố khỏi bệnh cho 02 bệnh nhân mắc COVID-19. Hiện tại còn 08 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại đây, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đa số đều có tiến triển tốt.

Trước đó, hồi 16h ngày 16/4/2020, có thêm 3 bệnh nhân mắc COVID-19 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam được công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân 168, nữ, 35 tuổi, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 28/3/2020. Trong quá trình điều trị bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 7/4/2020; lần 2 vào ngày 11/4/2020 và lần 3 vào ngày 14/4/20202.

Bệnh nhân 188, nữ, 44 tuổi, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 28/3/2020. Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 11/4/2020; lần 2 vào ngày 14/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

Bệnh nhân 231, nam, 57 tuổi, quốc tịch Việt Nam, vào viện ngày 28/3/2020.

Trong quá trình điều trị tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm và có kết quả xét nghiệm 3 lần liên tiếp âm tính với SARS-CoV-2: lần 1 vào ngày 7/4/2020; lần 2 vào ngày 11/4/2020 và lần 3 vào ngày 14/4/2020, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh.

img
Thông tin mới nhất về Covid-19 từ Bộ Y tế được cập nhật liên tục

Bác sĩ CKII Đỗ Trung Đông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết: “Sau khi nhập viện điều trị, sức khỏe của các bệnh nhân tiến triển tốt lên từng ngày; hiện tại sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định, không ho, không sốt, ăn uống bình thường. Các bệnh nhân sau khi ra viện sẽ tiếp tục được cách ly và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo".

Được biết, cả ba người nói trên đều là nhân viên Công ty Trường Sinh (đơn vị chuyên cung cấp nước sôi, suất ăn cho Bệnh viện Bạch Mai). Cả ba bệnh nhân đều thuộc đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 1 Hà Nội xuống cơ sở 2 ở Hà Nam làm việc, sau đó được đưa vào cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Hà Nam và lấy mẫu xét nghiệm.

Bệnh nhân N.T.H và bệnh nhân L.T.H được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 ngày 29/3, bệnh nhân H.T.B được xác nhận dương tính ngày 6/3.

Nhiều tỉnh, thành tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách

Hà Tĩnh: Sáng 16/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Xuân Bảo – Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Sở GTVT Hà Tĩnh tiếp tục yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng ô tô tạm dừng hoạt động kể từ 0h ngày 16/4 cho đến khi có thông báo mới.

Theo ông Bảo, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính và văn bản của Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Tĩnh thông báo việc tiếp tục tạm dừng hoạt động vận chuyển hành khách các tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh; các hoạt động vận tải khách bằng xe buýt, bằng xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi đi đến địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Tạm đình chỉ hiệu lực có thời hạn các loại phù hiệu, biển hiệu của xe kinh doanh vận tải hành khách do Sở GTVT Hà Tĩnh cấp như: xe tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch và xe buýt với thời hạn nêu trên.

img
Hà Tĩnh tiếp tục tạm dừng vận tải hành khách bằng xe ô tô

Tất cả các loại phù hiệu, biển hiệu đối với các loại hình kinh doanh vận tải nêu trên sẽ không còn hiệu lực trong khoảng thời gian tạm đình chỉ (trừ xe phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 do cấp thẩm quyền quyết định, xe đang thực hiện hành trình theo Văn bản số 2917/BGTVT-VT ngày 29/3/2020 của Bộ GTVT).

Trước đó, trong cuộc họp ngày 15/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thống nhất chia các địa phương thành 3 nhóm: Nhóm có nguy cơ cao, nhóm có nguy cơ và nguy cơ thấp để có biện pháp phòng chống dịch phù hợp tương ứng. Trong đó, Hà Tĩnh thuộc nhóm “nguy cơ cao” - sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, cách ly xã hội đến ngày 22/4 và có thể kéo dài hơn nữa nếu tình trạng lây nhiễm chưa được kiểm soát.

Cần Thơ: Ngày 16/4, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, địa phương sẽ tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ 0h ngày 16/4 đến hết ngày 22/4 để phòng chống dịch Covid-19.

Cụ thể, tạm dừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách theo tuyến cố định, các tuyến vận tải hành khách cố định bằng xe buýt, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe trung chuyển. Trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ, các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và xe hỗ trợ vận chuyển người dân đi khám chữa bệnh, đi cấp cứu.

img
Cần Thơ tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách từ 0h ngày 16/4 đến hết ngày 22/4 để phòng chống dịch Covid-19.

Tiếp tục tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi, trừ trường hợp chở người dân đi khám chữa bệnh và cấp cứu. Các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi bố trí từ 20 đến 30 xe để phục vụ cho nhu cầu này.

Về hoạt động vận tải hành khách đường thủy nội địa, Sở GTVT tạm dừng hoạt động đối với tất cả các bến khách du lịch, bến tàu khách, các tuyến vận tải hành khách cố định. Các bến khách ngang sông vẫn được tiếp tục hoạt động nhưng phải chở đúng các đội tượng thật sự cần thiết như hoạt động công vụ, đi khám chữa bệnh, chở bệnh nhân đi cấp cứu, tang lễ, cung cấp và mua lương thực, thuốc men, hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, nhà máy, cơ sở sản xuất và kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động theo yêu cầu của UBND TP.

Đà Nẵng: Ngày 16/4, UBND TP Đà Nẵng có công văn về việc tiếp tục triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, tiếp tục dừng hoạt động các tuyến vận tải hàng khách cố định có tuyến đi và đến các bến xe khách trên địa bàn thành phố. Xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện thí điểm trên địa bàn Đà Nẵng cũng tiếp tục dừng hoạt động

Ngoài ra, toàn bộ hoạt động xe buýt nội thành và các tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Đà Nẵng – Quảng Nam, Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế và ngược lại cũng như các hoạt động kinh doanh vận tải khách thủy nội địa trên địa bàn cũng tạm dừng kể từ 0 giờ ngày 16/4 đến khi có thông báo mới, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

img
Hoạt động vận tải khách tại bến xe trung tâm Đà Nẵng dừng toàn bộ từ 0h ngày 1/4 để phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: Vĩnh Nhân

UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo Sở GTVT thành phố yêu cầu các đơn vị vận tải có phương tiện vận chuyển đưa đón công nhân phải gửi thông báo hợp đồng vận chuyển về Sở GTVT TP theo quy định.

Các đơn vị vận tải đưa đón công nhân phải đảm bảo số lượng hành khách trên một chuyến xe không quá 50% số ghế trên xe và không quá 20 người. Các đơn vị thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người, hành khách trên xe phải đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục dừng hoạt động tổ kiểm tra tải trọng xe để bổ sung lực lượng thanh tra giao thông tăng cường tham gia kiểm soát phòng chống dịch và kiểm tra xử lý trật tự vận tải.

Long An: Ông Đặng Hoàng Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT Long An cho biết, Long An tiếp tục tạm ngừng các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh; vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn. Đồng thời, tạm ngừng hoạt động vận tải khách bằng ô tô hợp đồng, du lịch, taxi, tuyến cố định và xe buýt có điểm xuất phát và kết thúc tại các huyện biên giới.

Riêng xe đưa rước công nhân, xe nội bộ đưa rước nhân viên của doanh nghiệp, xe phục vụ mục đích phòng, chống dịch Covid-19 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều động vẫn được phép hoạt động. Tuy nhiên, đơn vị vận tải phải báo cáo danh sách các phương tiện về Sở GTVT để tổng hợp theo dõi.

Ngoài ra, Sở cũng nới rộng hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi được phép hoạt động nội tỉnh nhưng không quá 1/3 số lượng phương tiện thuộc đơn vị kinh doanh vận tải quản lý. Trước đây, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ, hơn 440 phương tiện taxi hoạt động nội tỉnh Long An đều phải tạm ngừng.

img
Nhiều tỉnh ĐBSCL tiếp tục ngừng hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô.

Tiền Giang: Tiếp tục tạm ngừng hoạt động các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh, nội tỉnh, xe buýt; xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe trung chuyển tại các huyện, thành, thị; trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất.

Đồng thời, tạm ngừng hoạt động vận tải các tuyến cố định, hợp đồng; vận tải khách ngang sông, bến phà liên tỉnh, thành phố và ngược lại. Các bến phà, bến khách ngang sông nội tỉnh Tiền Giang tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo các yêu cầu phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19. Các bến xe khách thực hiện nghiêm việc ngừng hoạt động của các tuyến cố định liên tỉnh, nội tỉnh.

Đồng Tháp: Sở GTVT đề nghị Ban quản lý các bến xe và các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh tạm ngừng toàn bộ hoạt động vận chuyển hành khách công cộng. Theo đó, tạm ngừng các hoạt động: vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, xe taxi; vận tải hành khách theo tuyến cố định; vận tải hành khách theo hình thức hợp đồng, du lịch (trừ các trường hợp đặc biệt vì lý do: công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, xe chở bệnh nhân đi cách ly, cấp cứu, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất và các vấn đề khác mang tính cấp thiết).

img
Một trong những chốt kiểm soát y tế trên QL49 đoạn qua huyện Phong Điền (Thừa Thiên- Huế) giáp với huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) ngày 10/4

Thừa Thiên - Huế: Không thuộc nhóm 12 tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội đến hết ngày 22/4, tuy nhiên, Thừa Thiên - Huế duy trì các giải pháp đảm bảo giãn cách xã hội, phòng ngừa dịch bệnh. Các lĩnh vực tiếp tục tạm dừng hoạt động đến hết ngày 22/4, gồm: Taxi và giao thông công cộng nội tỉnh; tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí, cắm trại, tắm biển tại các địa điểm công cộng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ, lĩnh vực vui chơi giải trí tập trung đông người... Ban quản lý các chợ thực hiện kiểm soát, yêu cầu người dân vào chợ phải đeo khẩu trang; phối hợp các cơ quan chức năng xử phạt các trường hợp vi phạm.

Tiếp tục duy trì các giải pháp phát hiện, phân loại, cách ly các người đến/trở về Thừa Thiên- Huế. Duy trì các chốt kiểm tra dịch bệnh tại các tuyến đường cửa ngõ vào Thừa Thiên- Huế đến hết ngày 22/4. Thực hiện kê khai y tế theo quy định trước khi vào địa bàn tỉnh.

Quảng Nam: Quán ăn, uống được phép bán cho khách mang về

Chiều 16/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam, cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan; không buông lỏng công tác chỉ đạo, điều hành; không nới lỏng các giải pháp nhằm tập trung một cách quyết liệt, quyết tâm cao nhất để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

"Cùng 11 tỉnh, thành, Quảng Nam thuộc Nhóm có nguy cơ cao về dịch Covid-19, vì vậy toàn tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của TTCP đến hết ngày 22/4 và tùy tình hình cụ thể dịch bệnh sẽ có quyết định tiếp theo. Các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan; không buông lỏng công tác chỉ đạo, điều hành; không nới lỏng các giải pháp nhằm tập trung một cách quyết liệt, quyết tâm cao nhất để vừa phòng chống dịch hiệu quả tích cực, vừa phát triển kinh tế-xã hội", ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

img
Các chốt kiểm tra phòng dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục hoạt động bình thường như thời gian qua

Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Quảng Nam sẽ tiếp tục tạm dừng các hoạt động để phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Cụ thể, Quảng Nam tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận chuyển hành khách của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, xe buýt, xe taxi (trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất).

Các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, quán ăn, quán rượu bia, cà phê, giải khát (chủ các cơ sở này được phép bán hàng cho khách mang về hoặc sử dụng dịch vụ giao hàng trực tiếp tại nhà); quán bar, vũ trường, internet công cộng, trò chơi điện tử, karaoke, xoa bóp (massage), rạp chiếu phim, rạp hát, trị liệu, thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe tiếp tục dừng hoạt động đến 22/4.

Quảng Nam cũng dừng các hoạt động văn hóa, lễ hội, hội thi, hội diễn, lễ kỷ niệm, triển lãm; tất cả các hoạt động thể dục, thể thao và các bãi tắm; tổ chức tour du lịch, bán vé tham quan, đón khách du lịch mới tại các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cơ sở lưu trú du lịch, khu vui chơi giải trí; các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; tụ tập quá 2 người tại nơi công cộng. Các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát người, phương tiện ra, vào địa bàn tỉnh nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ninh Bình còn hơn 80 trường hợp cách ly liên quan đến BV Bạch Mai

Theo Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, qua thống kê rà soát trước đó trên địa bàn toàn tỉnh có trên 1.000 trường hợp liên quan đến yếu tố dịch tễ Bệnh viện (BV) Bạch Mai, được phân loại và đưa vào cách ly tại cơ sở y tế là 154 trường hợp, tại các khu cách ly tập trung của các huyện, thành phố là 277 trường hợp, còn lại cách ly tại cộng đồng, nơi cư trú.

Tiến hành lấy 1.054 mẫu xét nghiệm, kết quả có tới 1.050 mẫu xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Đến nay, hầu hết các trường hợp được yêu cầu cách ly đã đủ 14 ngày, đảm bảo điều kiện hoàn thành thời gian cách ly. Hiện tại còn 88 trường hợp đang giám sát, cách ly tại các cơ sở y tế, trung tâm cách ly và nơi lưu trú.

img
Ninh Bình hiện nay chỉ còn 88 trường hợp liên quan đến yếu tố dịch tễ BV Bạch Mai đang phải cách ly, theo dõi (Ảnh minh họa)

Theo Sở Y tế Ninh Bình, ngoài trường hợp bệnh nhân 170 tại xã Định Hóa, huyện Kim Sơn(Ninh Bình) được xác định lây bệnh liên quan đến yếu tố dịch tễ BV Bạch Mai, còn các trường hợp khác tại Ninh Bình đi thăm, khám, chữa bệnh tại BV Bạch Mai từ ngày 12-27/3 hoặc tiếp xúc gần với ca bệnh 170 đều không có trường hợp nào lây nhiễm SARS-CoV-2.

Ngành Y tế Ninh Bình cũng cho biết, tất cả các trường hợp liên quan đến yếu tố dịch tễ BV Bạch Mai dự kiến chỉ còn phải cách ly thêm một vài ngày nữa là hoàn thành thời hạn cách ly theo quy định của Bộ Y tế.

Gần 100 người tiếp xúc F1, F2 với bệnh nhân 268, Hà Giang phong tỏa cả thôn

Sáng 16/4, Bộ Y tế công bố bệnh nhân 268 mắc Covid-19 là Giàng Thị Chở (SN 2004, dân tộc Mông, trú tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang). Bệnh nhân nhập viện hồi 14h41 ngày 8/4, vào thẳng khu cách ly điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, trước đó bệnh nhân khám bệnh tại Phòng khám đa khoa Phó Bảng.

Về yếu tố dịch tễ, BN 268 tiếp xúc với Sùng Mí Tủa, là người đi làm thuê bên Trung Quốc về. Người này đã hoàn thành cách ly 14 ngày khi về nước trong khoảng thời gian giữa tháng 3 vừa qua. Còn lại, hầu như bệnh nhân ít đi lại, giao lưu.

Qua điều tra số người tiếp xúc gần (F1) là 56 người, trong đó có 20 nhân viên y tế tiếp xúc trực tiếp gồm 5 người tại Phòng khám đa khoa Phó Bảng, 13 người tại bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn và 2 người thuộc Trung tâm y tế huyện Đồng Văn; 29 người người tiếp xúc với người tiếp xúc gần.

Hiện, ngành y tế Hà Giang đã cử đội phản ứng nhanh tuyến tỉnh và cử đoàn công tác lên chỉ đạo, kiểm tra, hỗ trợ huyện Đồng Văn.

Tại cuộc họp BCĐ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Hà Giang sáng 16/4 đã thống nhất tiến hành phong tỏa thôn Pín Tủng, Xã Phố Là, huyện Đồng Văn, thành lập các chốt chặn tại các lối vào 24/24h. Dừng các hoạt động khám chữa bệnh và cách ly toàn bộ nhân viên y tế của phòng khám Đa khoa khu vực Phố Bảng, nơi BN 268 khám bệnh đầu tiên, đồng thời tiến hành phun khử khuẩn môi trường.

Phong tỏa khu vực điều trị cách ly của Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn bao gồm cả bệnh nhân và nhân viên y tế tại khu vực cách ly. Tiếp tục rà soát các trường hợp tiếp xúc với người tiếp xúc gần, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người tiếp xúc vòng 1, các trường hợp tiếp xúc vòng 2. Tổ chức cách ly tập trung đối với tất cả những người trong gia đình bệnh nhân tại khu vực cách ly tập trung.

Trong quá trình cách ly, cơ quan chức năng sẽ cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết cho toàn bộ các hộ dân đồng thời tuyên truyền hướng dẫn người dân tự cách ly tại nhà. Theo rà soát, hiện trong thôn Pín Tủng có 29 hộ, 192 nhân khẩu, 22 người đi lao động tại Trung Quốc trong đó 17 người vẫn chưa về địa phương.

Các ngành, thành viên Ban chỉ đạo của tỉnh Hà Giang cũng đề nghị tiếp tục kiểm soát tốt các khu vực đường mòn, lối mở giáp biên giới, cách ly đối với những người đi làm thuê bên Trung Quốc, các trạm y tế xã, phường, thị trấn, cơ sở y tế toàn tỉnh cần thực hiện tốt việc khám chữa bệnh, kiểm soát ngay từ đầu.

Cách ly toàn bộ thôn Đông Cứu, Hà Nội

Ngày 16/4 trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo huyện Thường Tín (TP Hà Nội) cho biết, hiện cơ quan chức năng huyện đã dựng lều, trại chốt tại 4 đường chính vào thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến.

“4 chốt dựng lều, trại có lực lượng chức năng công an, y tế tiến hành kiểm tra thân nhiệt, đồng thời trong thời gian cách ly này, những người trong thôn Đông Cứu không được ra ngoài. Những người ở nơi khác về, vào thôn sẽ được kiểm tra y tế và tiến hành cách ly luôn”, lãnh đạo huyện Thường Tín cho biết.

Được biết, ngay sau khi có thông tin về bệnh nhân mắc Covid-19 trú tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến), UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) đã tiến hành phun khử khuẩn diện rộng khu vực nơi ở của bệnh nhân, đồng thời cách ly toàn bộ thôn này.

Hiện ngành chức năng vẫn đang tiếp tục rà soát, phân loại cụ thể các đối tượng là F1, F2, F3. Tính đến 11h đêm ngày 15/4, trên địa bàn có 47 người thuộc diện tiếp xúc F1, 60 người F2 và 50 người F3.

Ngoài 4 chốt của công an huyện, y tế tiến hành kiểm tra thân nhiệt gác vào thôn Đông Cứu, địa phương tiến hành khoanh vùng 3 vòng kiểm soát và bố trí 10 chốt để phòng, chống dịch. Trong đó, 6 chốt là lực lượng của xã gồm dân quân, phụ nữ, thanh niên... làm nhiệm vụ tại thôn Đông Cứu.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến Đặng Văn Thắng cho biết, cứ nửa tiếng một lần, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của xã lại thông báo, đề nghị nhân dân thôn Đông Cứu và người dân 3 thôn còn lại khẩn trương khai báo y tế đối với các trường hợp nào đã từng tiếp xúc gần với bệnh nhân 266 theo đúng tinh thần chỉ đạo.

Chính quyền địa phương cũng đã giao cho tổ công tác của thôn chuẩn bị mua nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ các hộ dân bị cách ly. Cùng với đó, UBND xã bố trí nơi nấu cơm phục vụ hơn 70 cán bộ tham gia ứng trực tại các chốt trên địa bàn.

Bình Định: Người dân được tắm biển, đi bộ nhưng phải đeo khẩu trang

Ngày 16/4, sau 15 ngày thực hiện “cách ly toàn xã hội”, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

UBND tỉnh Bình Định tiếp tục yêu cầu dừng tất cả các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Tỉnh cũng yêu cầu dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

img
Chủ tịch tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng gửi lời cảm ơn đến người dân trong tỉnh đã khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm chủ trương cách ly toàn xã hội của Nhà nước trong thời gian qua

Riêng các hoạt động rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao ngoài trời của nhân dân (tắm biển, đi bộ, thể dục thể thao…) được cho phép hoạt động và phải đảm bảo không tụ tập đông người, bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2m.

Đặc biệt, tiếp tục tạm dừng hoạt động của tất cả các cơ sở kinh doanh dịch vụ, gồm: Cơ sở massage, karaoke, vũ trường, quán bar, các địa điểm, cơ sở tham quan, du lịch, các tụ điểm vui chơi, giải trí, rạp chiếu phim, cơ sở làm đẹp, phẫu thuật thẩm mỹ, vật lý trị liệu, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, phòng tập thể hình, yoga… trên địa bàn tỉnh.

img
Bình Định tiếp tục tiếp tục thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác khi hoạt động trở lại phải thực hiện đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế như: Không tập trung đông người; yêu cầu đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2m; phải có nơi rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh, lau dọn đồ dùng, phương tiện bán hàng; để thông thoáng nhà cửa, cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

“Các trường hợp không thực hiện đúng, đủ các yêu cầu, khuyến cáo nêu trên sẽ bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt và quyết định tạm dừng hoạt động để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh. Khuyến khích các nhà hàng, cửa hàng ăn uống, cà phê giải khát bán hàng qua mạng hoặc bán mang đi”, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh.

Tiếp tục cho học sinh, học viên, sinh viên của các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh nghỉ học cho đến khi có thông báo khác của UBND tỉnh. Tỉnh cũng hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các địa phương có dịch đến tỉnh. Tỉnh sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm khắc đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.

Đối với hoạt động của các cơ quan, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu thực hiện làm việc bình thường, đảm bảo thực hiện theo các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế như: Không tập trung đông người; đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2m; có nơi rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn; thường xuyên vệ sinh, lau dọn đồ dùng, phương tiện làm việc; để thông thoáng phòng họp, phòng làm việc.

img
Kiểm tra thân nhiệt tại ga Diêu Trì

Ngoài ra, đối với các cơ quan, đơn vị có cơ sở vật chất không đảm bảo việc giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu là 2m, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ động quyết định số lượng người làm việc luân phiên hàng ngày trên tinh thần phải đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu tiếp tục duy trì các Chốt kiểm tra, kiểm dịch y tế tại bến xe, các ga đường sắt, sân bay Phù Cát; xử lý nghiêm các trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang, các đối tượng cố tình chống đối thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, chống người thi hành công vụ. Tổ chức thực hiện nghiêm khai báo y tế, khai thác kỹ càng thông tin dịch tễ của người đến tỉnh nhằm phát hiện kịp thời người đến từ các địa phương có dịch để thực hiện các biện pháp cách ly phù hợp theo quy định (cách ly tại nhà, tại nơi lưu trú, tại cơ quan, đơn vị, tại khu cách ly tập trung).

Số bệnh nhân nhiễm Covid-19 lên 268 người

Tính đến 6h sáng 16/4, Việt Nam có 268 người mắc Covid-19. Trong đó, 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Nước ta đứng thứ 112 trong số 212 quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.

BN268 là bệnh nhân nữ, 16 tuổi, quốc tịch Việt Nam, dân tộc Mông, trú tại một thôn hẻo lánh ở gần biên giới giáp Trung Quốc của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Gia đình bệnh nhân có 3 anh trai làm việc tự do bên kia biên giới.

Ngày 7/4, bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, khó thở và được cách ly tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn. Bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện tại, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Trước đó, tính đến hết ngày 15/4, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới COVID - 19, số bệnh nhân hiện có vẫn là 267 ca. Trong ngày hôm qua (15/4) đã có thêm 2 trường hợp khỏi bệnh, nâng tổng số người được chữa khỏi lên 171/267 ca (đạt 64%).

Theo bản tin Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là: 68.049. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 471; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.413; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 56.165 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tình hình điều trị của BN91 có chuyển biến tích cực.

Cụ thể, bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng tích cực, đã nhận biết xung quanh mặc dù đang duy trì thuốc an thần, đồng tử phản xạ ánh sáng tốt, không sốt, mạch 84 lần/phút, huyết áp 117/69 mmHg (đã ngưng sử dụng thuốc vận mạch trong 24 giờ qua), SpO2 99%, xét nghiệm đông máu tạm ổn kèm tình trạng chảy máu mũi ít, tiểu khá hơn (1.100 ml/24 giờ).·

Bệnh nhân đang tiếp tục hồi sức tích cực với thở máy, lọc máu hấp thụ kháng thể, ECMO, kháng sinh và kháng nấm.

Yên Bái cách ly, theo dõi người trở về từ thôn Hạ Lôi, công ty Samsung

Chiều 15/4, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Công văn hỏa tốc yêu cầu các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố về việc rà soát, cách ly và lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp trở về từ thôn Hạ Lôi và Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam.

UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền cho người dân chủ động khai báo thông tin có đến/ở thôn Hạ Lôi và từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Samsung Display Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh về chưa qua 14 ngày (từ ngày 31/3 đến ngày 6/4).

Những trường hợp này sẽ thực hiện cách ly y tế tại nhà, giám sát, theo dõi sức khỏe theo quy định; khi có các dấu hiệu sốt, ho... báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ sở y tế nơi gần nhất. Các địa phương rà soát, gửi danh sách về Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh trong ngày 16/4.

Tạm dừng xuất khẩu thuốc phòng, chống Covid-19

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, Cục Quản lý Dược vừa có văn bản hỏa tốc, gửi các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc về việc tạm dừng xuất khẩu thuốc phòng, chống COVID-19.

Theo đó, để đảm bảo nguồn cung, có dự trữ thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân, Cục Quản lý Dược yêu cầu các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu thuốc tạm dừng việc xuất khuẩt thuốc theo Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19 (ban hành kèm theo công văn này) từ ngày 16/4/2020 đến khi có thông báo mới của Cục Quản lý Dược.

Danh mục thuốc sử dụng trong điều trị COVID-19 được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 941/QĐ-BYT ngày 17/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Danh mục trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao và thuốc thiết yếu của 01 khu vực điều trị cách ly người bệnh COVID-19 và Quyết định số 1344/QQĐ-BYT ngày 25/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19).

Cà Mau: Vẫn dừng hoạt động giải trí, người ra vào tỉnh phải khai báo

Ngày 16/4, tin từ Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh này vừa có Chỉ thị về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu người dân thực hiện nghiêm túc những biện pháp bắt buộc chung như: đeo khẩu trang khi ra ngoài, vệ sinh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, giữ khoảng cách 2m giữa người với người tại nơi công cộng, không tụ tập từ 10 người trở lên tại một vị trí ngoài công sở, nhà máy, xí nghiệp, trường học....

img
Cảng hàng không Cà Mau. Ảnh: Gia Minh

Đồng thời, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn như: massage, gội đầu, làm móng, hớt tóc, cơ sở thẩm mỹ, bar, vũ trường, karaoke, bida, các tụ điểm vui chơi, giải trí, các rạp chiếu phim, tiệm game, tiệm internet công cộng... Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, các hoạt động văn hóa, thể thao có tập trung đông người (từ 20 người trở lên), không tổ chức chiêu đãi, ăn uống tập trung.

Bên cạnh đó, hoạt động vận chuyển hành khách (đối với phương tiện đăng ký trên 7 chỗ ngồi chỉ được vận chuyển tối đa không quá 50% số chỗ ngồi theo đăng ký và bố trí ngồi giãn cách giữa các ghế, đảm bảo vệ sinh dịch tễ theo quy định). Các loại hình vận tải hàng hóa vẫn hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo việc phun xịt, tiêu độc, khử trùng, vệ sinh dịch tễ theo quy định của ngành y tế.

img
Chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên tuyến đường Xuyên Á qua địa bàn huyện Thới Bình (Cà Mau).

UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu tất cả người và phương tiện ra vào tỉnh phải thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, lịch trình theo mẫu quy định. Tiếp tục duy trì và tổ chức kiểm soát chặt chẽ tất cả người và phương tiện vào tỉnh (theo mẫu khai báo); xe vận chuyển hàng hóa phải tổ chức phun, xịt, tiêu độc, khử trùng trước khi bốc, dỡ hàng hóa tại các điểm giao nhận hàng.

Riêng, đối với sân bay Cà Mau, khi đường bay hoạt động trở lại, UBND tỉnh Cà Mau giao Giám đốc Cảng hàng không Cà Mau phối hợp cung cấp biểu mẫu khai báo thông tin, lịch trình của hành khách cho Công ty VASCO (đơn vị khai thác đường bay) phát cho mỗi hành khách trên chuyến bay để thực hiện khai báo theo quy định. Đồng thời, tổ chức đo thân nhiệt, kiểm tra khai báo y tế trước khi hành khách rời khỏi Cảng hàng không Cà Mau, xử lý những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ của bệnh COVID-19 theo quy định.

Kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần với 12 tỉnh, thành có nguy cơ cao

Chiều 15/4, tại cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 về việc chia các tỉnh, thành thành ba nhóm: nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.

img
Hà Nội và 11 tỉnh, thành cách ly xã hội thêm 1 tuần

Thủ tướng quyết định kéo dài cách ly xã hội thêm 1 tuần với 12 tỉnh, thành có nguy cơ cao, gồm: Bắc Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội, TP HCM, Khánh Hoà, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, Hà Tĩnh.

Thủ tướng quyết định 12 tỉnh, thành này tiếp tục thực hiện nghiêm tất cả các nội dung Chỉ thị 16 đến hết ngày 22/4, Ban Chỉ đạo sẽ đánh giá và báo cáo, đề xuất Thủ tướng quyết định. Tuy nhiên, nhóm này không phải là bất biến. Trong cuộc họp tuần sau, sẽ xem lại nhóm này để điều chỉnh phù hợp.

Theo Thủ tướng, những tỉnh này sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 đến ngày 22/4 hoặc 30/4 tuỳ tình hình cụ thể về tình hình lây nhiễm dịch bệnh. Tất nhiên, 12 địa phương trên có thể kéo dài hơn nữa, nếu như tình trạng có lây nhiễm. Một số tỉnh có thể bổ sung vào nhóm trên nếu có tình trạng lây nhiễm ở địa phương.

"Tuy là nhóm có nguy cơ cao, nhưng nhóm này cũng cần quan tâm đến sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hoá lưu thông, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông", Thủ tướng lưu ý.

Hải Phòng "hỏa tốc" điều chỉnh biện pháp chống dịch Covid-19

Tối 15/4, thành phố Hải Phòng ban hành văn bản điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch covid-19. Trong đó, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp về phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của UBND thành phố đến hết ngày 22/4.

Cụ thể, từ 0h ngày 16/4/2020, tạm dừng hoạt động của tổ kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 ở thôn, tổ dân phố và các Chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh cấp xã, phường, thị trấn, quận, huyện đến khi có chỉ đạo của UBND thành phố.

img
Kiểm soát phương tiện ra vào TP.Hải Phòng. Ảnh:Haiphong.gov.vn

Yêu cầu UBND các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra phòng, chống dịch bệnh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Đối với hoạt động giao thông vận tải, cho phép các bến phà, bến đò kết nối với tỉnh Thái Bình và tỉnh Hải Dương hoạt động trở lại nhưng chỉ hoạt động từ 6h - 8h và 16h - 18h hàng ngày. Giao UBND các quận, huyện nơi có các bến phà, bến đò giám sát chặt chẽ thời gian hoạt động.

Cho phép 50% số đầu xe của từng hãng taxi hoạt động trong phạm vi địa bàn thành phố và số người trên xe chỉ được dưới 50% số ghế.

Với người ra vào thành phố, cho phép người trước khi về Hải Phòng mà không phải từ 12 địa phương (Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Tây Ninh) được vào thành phố và không phải cách ly y tế tập trung, nhưng phải có xác nhận của cơ quan hoặc chính quyền địa phương nơi đi.

Đối với các trường hợp đặc biệt vào thành phố, các Chốt kiểm soát dịch bệnh tại cửa ngõ ra vào thành phố chủ động giải quyết, nhưng phải được thống nhất của các lực lượng làm nhiệm vụ tại các Chốt và phải ghi lại thông tin họ tên, địa chỉ nơi đi và nơi đến, thời gian lịch trình đi lại trong thời gian ở thành phố. Cuối mỗi ca hàng ngày, các Chốt phải tổng hợp, báo cáo UBND thành phố để chỉ đạo việc giám sát theo quy định.

Với người ra thành phố, cho phép người từ Hải Phòng ra khỏi thành phố và đi đến các địa phương không phải 12 địa phương nêu trên khi quay trở lại thành phố không phải thực hiện cách ly y tế tập trung nhưng phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị hoặc địa phương nơi đến.

Đối với việc hạn chế cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến cơ quan, yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị bố trí tối đa 50% số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đến cơ quan làm việc, phần còn lại làm việc tại nhà.

Đặc biệt, việc tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính của công dân, Hải Phòng triển khai tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với các trường hợp không thể thực hiện qua giao dịch điện tử.

Đà Nẵng cho phép các hàng kinh doanh ăn uống bán online, mang về

Tối 15/4, UBND TP Đà Nẵng có công văn về việc tiếp tục triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, UBND TP Đà Nẵng đề nghị các cơ quan, đơn vị, sở, ngành liên quan tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 2089 của UBND thành phố với tinh thần không chủ quan, buông lỏng, không để dịch bùng phát trên địa bàn thành phố.

UBND TP Đà Nẵng cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được hoạt động trở lại từ 0 giờ ngày 16/4 theo hình thức bán trực tuyến (online) và bán mang về, tuyệt đối không phục vụ tại chỗ.

img
Người Đà Nẵng chen chân mua bánh mỳ sau lệnh cấm bán qua mạng, mang về hôm 2/4

Để triển khai thực hiện chủ trương này yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh, người vận chuyển thức ăn, người dân đến mua thức ăn mang về phải tuân thủ, bảo đảm tuyệt đối các quy định về an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch, đặc biệt là về giãn cách xã hội, vệ sinh phòng dịch tại nơi bán và trong quá trình vận chuyển, bảo đảm cự ly theo quy định và tuyệt đối phải đeo khẩu trang; đóng cửa đối với các cơ sở không thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch và giãn cách xã hội.

Ngoài ra, UBND thành phố đề nghị Sở Công Thương yêu cầu các đơn vị vận chuyển hàng (NOW, Grab…) thực hiện các biện pháp về phòng, chống dịch.

Trước đó, tại công văn 2089, UBND TP Đà Nẵng yêu cầu các cửa hàng bán ăn uống qua mạng, mang đi chỉ được phép hoạt động đến 0h ngày 2/4 để hạn chế tối đa việc tụ tập đông người.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thống nhất tiếp tục áp dụng biện pháp cách ly xã hội đối với Đà Nẵng đến ngày 22/4.

Theo Ban Chỉ đạo Phòng, chống Covid-19 quốc gia, Đà Nẵng là 1 trong 12 địa phương nằm trong nhóm “nguy cơ cao”, cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thế giới, số ca mắc vượt mốc 2 triệu và 134.286 ca tử vong. Trong đó Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu về số ca tử vong.

Theo dữ liệu của Worldometers, tính đến 6h ngày 16/4, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) trên toàn thế giới là 2.075.532 trường hợp, trong đó 134.286 trường hợp tử vong.

Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 28.443 ca mắc và 2.396 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 641.813 trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 28.443 trường hợp. Liên tiếp trong 3 ngày qua, Mỹ đều ghi nhận số ca tử vong vượt mốc 2.000.

Thị trưởng Muriel Bowser của thủ đô Mỹ Washington D.C đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/5. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt mục tiêu ngày 1/5 sẽ là ngày có thể nới lỏng biện pháp “cách ly tại nhà” trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump cho biết sẽ “ủy quyền” cho các thống đốc bang triển khai kế hoạch mở cửa trở lại các doanh nghiệp Mỹ vào thời điểm thích hợp.

Tại Tây Ban Nha, số ca mắc Covid-19 gần đã lên tới 177.644 sau khi nước này ghi nhận thêm 3.584 trường hợp trong ngày 15/4. Tây Ban Nha hiện là “ổ dịch” lớn thứ 2 thế giới và lớn nhất ở châu Âu. Số ca tử vong do Covid-19 của Tây Ban Nha hiện tại là 18.708 sau khi ghi nhận thêm 453 trường hợp trong ngày 15/4.

Italy ghi nhận thêm 2.667 ca mắc mới và 578 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 165.155 trong đó có 578 ca tử vong. Italy gia hạn phong tỏa toàn quốc đến 3/5, nhưng cho phép một số loại cửa hàng mở lại vào ngày 14/4, gồm hiệu sách, tiệm giặt là, cửa hàng văn phòng phẩm, cửa hàng quần áo trẻ em.

Số ca mắc Covid-19 tại Đức là 134.753 trường hợp. Cụ thể, ngày 15/4 nước này ghi nhận thêm 3.804 ca mắc mới và 309 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 ở nước này lên 3.804. Thủ tướng Merkel cho biết các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ liên bang áp đặt trên toàn quốc kể từ hôm 23/3 bước đầu đã có hiệu quả, góp phần làm giảm đáng kể tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp tính đến hết ngày 15/4 là 147.863 sau khi ghi nhận thêm 4.560 ca mắc mới trong ngày. Số ca tử vong trong ngày ghi nhận là 1.438 nâng tổng số ca tử vong lên 17.176. Chính phủ Pháp tuyên bố sẽ thưởng cho các nhân viên y tế để điều trị cho bệnh nhâm mắc Covid-19. Các nhân viện tại bệnh viện sẽ được nhận 500 euro và những người làm việc trực tiếp tại các khu vực bị ảnh hưởng của virus SARS-CoV-2 sẽ nhận được 1.500 euro

Trong 24h qua, nước Anh có 761 bệnh nhân thiệt mạng. Tổng cộng, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Anh đã lên tới 12.868 người, cao thứ 5 thế giới. Số ca mắc mới là 4.603và tổng cộng đã có trên 98.476 người nhiễm bệnh.

Tại Iran, số ca mắc Covid-19 tại nước này đã lên tới 76.389 sau khi ghi nhận thêm 1.512 trường hợp trong ngày 15/4. Tống số ca tử vong do dịch bệnh này tại Iran là 4.777 trường hợp.

Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19 tại nhiều nước châu Á có diễn biến phức tạp khi số ca mắc và ca tử vong liên tiếp gia tăng.

Malaysia ghi nhận 5.072 ca mắc, trong đó có 83 ca tử vong. Indonesia có 5.136 ca mắc và 469 ca tử vong.

Hàn Quốc đã hoàn tất cuộc bầu cử Quốc hội trong bối cảnh những nỗ lực xét nghiệm và kiểm dịch nhanh chóng trên diện rộng đã làm chậm sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 ở nước này. Hàn Quốc hiện ghi nhận 27 ca mắc mới 5, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 10.591 ca, trong đó có 225 ca tử vong.

Còn tại Nhật Bản hiện đã có tổng số 8.100 ca mắc, trong đó có 146 người tử vong. NHK dẫn thông báo từ Bộ Y tế Nhật Bản ngày 15/4 cho biết, sẽ có hơn 400.000 người tử vong do Covid-19 tại nước này nếu Nhật Bản không siết chặn các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh. Báo cáo cũng cho biết, khoảng 850.000 bệnh nhân có thể cần máy thở. “Nếu chúng ta nhận thấy dấu hiệu của sự bùng phát mà không có bất cứ vũ khí nào để bảo vệ chúng ta thì số lượng các ca mắc nghiêm trọng sẽ vượt quá lượng máy thở hiện có”, ông Hiroshi Nishiura, giáo sư Đại học Hokkaido cho biết.

Tổng số ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc đại lục là 82.295, trong đó có 3.342 người tử vong. Trung Quốc đại lục là nơi đầu tiên trên thế giới bùng phát dịch Covid-19 nhưng giờ đã không còn là tâm dịch của thế giới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.